Nhiều cuộc đời hồi sinh nhờ được ghép tạng từ người chết não

Nhờ được ghép tạng, nhiều người mắc bệnh hiểm nghèo đã hồi sinh kỳ diệu, Tuy vậy, tạng hiến từ người cho chết não hiện rất ít, chỉ khoảng 6%.

Cuối tháng 8-2024, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM nhận được thông tin từ Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia về một trường hợp tai nạn giao thông không qua khỏi, được chẩn đoán chết não. Người này khi còn sống đã có nguyện vọng hiến tạng.

Chia lá gan nhân đôi sự sống

Lập tức, bệnh viện rà soát và ghi nhận có 2 bệnh nhân phù hợp đang chờ ghép gan. Bệnh nhân thứ nhất là người đàn ông 53 tuổi bị ung thư gan và xơ gan nặng do viêm gan B. Ông đã tìm kiếm cơ hội ghép gan từ lâu nhưng tất cả người thân đều không phù hợp do khác nhóm máu và mắc viêm gan B tiềm ẩn.

 Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM lần đầu thực hiện ca chia gan để ghép. Ảnh: BVCC

Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM lần đầu thực hiện ca chia gan để ghép. Ảnh: BVCC

Bệnh nhân thứ hai là bé gái 1 tuổi, nặng 7,2 kg ở Sóc Trăng, bị xơ gan ứ mật nguyên phát, nhiều lần nôn ra máu do biến chứng và đang trong tình trạng nguy kịch.

Ý thức được sự quý giá của lá gan từ người hiến tạng, đội ngũ y, bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM đã nghĩ đến giải pháp chia gan ghép cho cả 2 người.

Lá gan có 2 phần phải và trái, cấu trúc mạch máu và ống mật riêng biệt nhưng có thể kết nối. Dù khá phức tạp nhưng với sự tính toán kỹ lưỡng, các bác sĩ sẽ tách gan thành 2 mảnh ghép riêng biệt. Mảnh lớn dành cho bệnh nhân nam, mảnh nhỏ hơn dành cho bé gái.

Kế hoạch phẫu thuật được thống nhất, 2 bệnh nhân khẩn trương đến bệnh viện để chuẩn bị được ghép tạng.

Song song đó, ca phẫu thuật lấy tạng từ người hiến chết não được tiến hành tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Lá gan được tách đôi trên mâm phẫu thuật, đây là kỹ thuật lần đầu được thực hiện tại Việt Nam.

Đồng thời, 2 người nhận tạng hiến được cắt bỏ gan bệnh, sau đó quá trình ghép gan được thực hiện một cách đồng bộ và chính xác. Khi mảnh gan ghép được tái tưới máu, nó nhanh chóng hồi phục chức năng và bắt đầu tiết ra những giọt mật đầu tiên, biểu hiện của sự sống trở lại.

Một ngày sau ghép, 2 người được ghép tạng đều tỉnh táo, dần hồi phục và bắt đầu một cuộc sống mới với một phần gan của người hiến trong cơ thể.

Tôi thật lòng cảm ơn gia đình người hiến gan đã nén đau thương, thiện tâm hiến tặng gan cho chồng tôi. Tôi cũng biết ơn các y, bác sĩ đã tận tâm cứu chữa, theo sát để hôm nay chồng tôi như được tái sinh. Chúng tôi sẽ sống tốt để đáp lại tấm lòng người hiến tạng! (Vợ của bệnh nhân được ghép gan)

Hiến tạng cứu 6 người

Cách đây không lâu, êkíp Bệnh viện Chợ Rẫy đã trắng đêm thực hiện ca ghép tạng từ người cho chết não.

Người hiến tạng là anh M (ngụ An Giang), được chẩn đoán chết não. Trực tiếp chứng kiến sự nỗ lực bất thành của êkíp điều trị trước tình trạng quá nặng của con mình, mẹ của anh M đã quyết định hiến các tạng còn chức năng hoạt động của con mình để cứu sống những người đang từng ngày chịu đựng sự hành hạ của bệnh tật.

 Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) đang thực hiện ca ghép gan từ người cho chết não là anh M. Ảnh: BVCC

Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) đang thực hiện ca ghép gan từ người cho chết não là anh M. Ảnh: BVCC

Các y, bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy đã tiếp nhận 2 thận, 2 giác mạc và da, lập tức ghép thận thành công cho 2 bệnh nhân suy thận, ghép da cho nữ bệnh nhân bị bỏng lửa xăng, mất da diện rộng khoảng 30% diện tích của cơ thể.

Còn 2 giác mạc của người hiến được ghép cho nữ bệnh nhân bị loạn dưỡng giác mạc, bóng bàn tay, sáng tối âm tính và nam bệnh nhân bị sẹo giác mạc.

Cách đó hàng ngàn cây số, tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội), trái tim của anh M đã đập trở lại trong lồng ngực người nhận sau 8 giờ ghép.

Nguồn tạng ghép từ người cho chết não rất thấp

TS.BS Trần Công Duy Long, Trưởng đơn vị Ung thư gan mật và Ghép gan, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết ghép tạng là phương pháp duy nhất mang lại hiệu quả cho những người bị suy giảm chức năng tạng cấp hoặc mạn tính khi không còn cách nào khác.

Tuy nhiên, số lượng bệnh nhân có nhu cầu ghép tạng nói chung và ghép gan nói riêng rất lớn. Trong khi đó, tạng ghép từ người hiến chết não vẫn còn hạn chế, trong khi tạng ghép từ người thân hiến tặng không đáp ứng đủ nhu cầu do bất tương hợp giữa người cho và người nhận.

 Một trái tim từ người cho chết não đang được vận chuyển từ Hà Nội vào TP.HCM để ghép cho bệnh nhân. Ảnh: BVCR

Một trái tim từ người cho chết não đang được vận chuyển từ Hà Nội vào TP.HCM để ghép cho bệnh nhân. Ảnh: BVCR

Về ca chia gan ghép cho 2 người ở Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, theo bác sĩ Long thành công của ca này không chỉ giúp cứu sống 2 người mà còn góp phần giải quyết vấn đề khan hiếm tạng ghép.

“Hy vọng ngày càng nhiều người hiểu về ý nghĩa của việc hiến tạng vì tạng hiến không chỉ cứu sống 1 mà có thể cứu sống nhiều người” – bác sĩ Long chia sẻ.

PGS.TS.BS Nguyễn Hoàng Bắc, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Dược, cho biết đến nay, nơi đây đã thực hiện thành công 48 ca ghép thận, 53 ca ghép gan. Việc lần đầu cùng lúc ghép 1 lá gan cho 2 người là khởi đầu mới rất tốt đẹp.

“12 năm qua bệnh viện đã chuẩn bị nhân lực, kỹ thuật, nay đã có cơ hội được thực hiện ca chia gan để ghép lần đầu tiên với sự hỗ trợ từ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Ca phẫu thuật đặc biệt này giúp bác sĩ nâng cao tay nghề, cứu được càng nhiều bệnh nhân” – bác sĩ Bắc nói.

Còn theo PGS-TS Đồng Văn Hệ, Giám đốc Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, Việt Nam đã thực hiện ghép tạng lần đầu tiên cách đây 32 năm, đến nay đã có 8.365 người được ghép tạng. Năm 2023, số ca được ghép tạng tăng gấp 4 lần so với cách đây 10 năm (2013).

Tuy vậy, số người hiến tạng tại ở nước ta còn thấp, chủ yếu từ người cho sống (94%), tạng hiến từ người chết não rất ít (chỉ 6%). Các bệnh viện ghép tạng hoạt động kém hiệu quả không phải do không làm được mà do tỉ lệ người chết não hiến tạng quá thấp, không có nguồn tạng hiến.

Mở rộng mạng lưới điều phối hiến ghép tạng

Tại Việt Nam vẫn còn nhiều người dân chưa hiểu hết ý nghĩa cao đẹp của việc hiến tạng trong khi cả nước có hàng chục nghìn người đang chờ được ghép mô, tạng để duy trì sự sống.

Để thay đổi những suy nghĩ này cần có sự ủng hộ của xã hội và cơ quan chức năng đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu rõ về bản chất, ý nghĩa to lớn của hiến tạng.

Công tác vận động đã được thực hiện rất lâu nhưng chưa hệ thống hóa từ trung ương đến địa phương. Vì vậy, vào tháng 4-2024, Bệnh viện Chợ Rẫy thành lập Chi hội vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam. Chi hội này là cánh tay nối dài cho mạng lưới điều phối hiến ghép tạng quốc gia, góp phần tạo ra nguồn tạng phong phú, đáp ứng nhu cầu điều trị của bệnh nhân.

TS.BS NGUYỄN TRI THỨC - Thứ trưởng Bộ Y tế, phụ trách quản lý, điều hành Bệnh viện Chợ Rẫy

THẢO PHƯƠNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/nhieu-cuoc-doi-hoi-sinh-nho-duoc-ghep-tang-tu-nguoi-chet-nao-post809613.html
Zalo