Tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, hoàn thành tốt mục tiêu tăng trưởng

Sau 1,5 ngày làm việc nghiêm túc, sôi nổi, với tinh thần xây dựng và trách nhiệm cao, sáng 22/8, Phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã hoàn thành toàn bộ nội dung, chương trình chất vấn và trả lời chất vấn.

Phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề liên quan thuộc trách nhiệm của Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Thành Long cho biết, kinh tế - xã hội 7 tháng năm 2024 tiếp tục có xu hướng phát triển tích cực, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm đạt 6,42%, xuất khẩu tiếp tục tăng cao, xuất siêu lớn, thu ngân sách nhà nước tăng mạnh, tình hình tài chính ngân sách của nhà nước tiếp tục được cải thiện...

Phát triển nông nghiệp, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nông sản

Phát biểu cung cấp thêm một số thông tin về một số vấn đề liên quan thuộc trách nhiệm của Chính phủ về lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, Phó Thủ tướng Lê Thành Long cho biết, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Chính phủ đã chỉ đạo tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp luật, tạo điều kiện cho phát triển nông nghiệp, nông thôn, trong đó tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh phân cấp cho địa phương quyết định việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, chuyển mục đích sử dụng rừng; sửa đổi, bổ sung các Nghị định quy định chi tiết trong lĩnh vực lâm nghiệp, thủy sản; đã phê duyệt và đang tập trung chỉ đạo triển khai Đề án phát triển bền vững 1.000.000 hecta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030; đã tập trung đàm phán giải quyết rào cản kỹ thuật nhằm tiếp tục mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nông sản.

Cùng với đó, theo dõi sát diễn biến, nâng cao chất lượng dự báo cung cầu các mặt hàng nông sản thiết yếu, nhất là gạo, thịt lợn, thủy sản, rau quả để điều hành sản xuất phù hợp cân đối cung cầu. Tăng cường xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, liên kết các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Nông nghiệp cơ bản phát triển ổn định, khẳng định được vị thế là trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia và duy trì xuất khẩu.

Cũng theo Phó Thủ tướng, xuất khẩu nông lâm, thủy sản năm 2023 của nước ta đạt mức cao kỷ lục trên 53 tỷ USD, xuất siêu 11 tỷ USD; tháng 7/2024 xuất khẩu đạt 34,27 tỷ USD, tăng 18,8% so với cùng kỳ và xuất siêu đạt 9,42 tỷ USD, tăng 60%. Sản phẩm OCOP phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng. Đến nay đã có 13.658 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3 sao trở lên, tăng 2.602 sản phẩm so với cuối năm 2023.

Về khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, xử lý vi phạm quy định về hoạt động đánh bắt hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định IUU, Chính phủ đã phê duyệt và đang tích cực triển khai thực hiện Chương trình quốc gia bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2030 và hai quy hoạch ngành quốc gia trong lĩnh vực thủy sản. Đến nay có 28/28 tỉnh, thành phố ven biển đã thành lập tổ chức kiểm ngư…. EC tiếp tục đánh giá cao các cam kết, quyết tâm chính trị và nỗ lực của Việt Nam trong triển khai chống khai thác IUU.

“Trong thời gian tới, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện nghiêm, quyết liệt, có hiệu quả Chỉ thị số 32 của Ban Bí thư, đồng thời tiếp tục trao đổi, vận động các nước thành viên EC ủng hộ sớm bỏ thẻ vàng cho Việt Nam”, Phó Thủ tướng cho biết.

Đảm bảo an ninh năng lượng, phòng chống hàng giả, hàng nhái

Về lĩnh vực công thương, bảo đảm an ninh năng lượng, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo từ sớm, từ xa việc cung ứng đủ điện, xăng dầu cho sản xuất kinh doanh và tiêu dùng của nhân dân. Đã chỉ đạo quyết liệt xây dựng dự án Luật Điện lực (sửa đổi) để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8; xây dựng chính sách khuyến khích phát triển nhằm đa dạng các nguồn điện xanh, sạch như điện mặt trời, điện gió, điện sinh khối; đã ban hành số 80/2024/NĐ-CP quy định về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn nhằm thúc đẩy phát triển các nguồn điện, nhất là khuyến khích thu hút đầu tư và phát triển thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, công khai, minh bạch, huy động nguồn lực từ xã hội để phát triển nguồn điện.

Chính phủ sẽ sớm ban hành Nghị định về cơ chế điện mặt trời, mái nhà tự sản tự tiêu nhằm khuyến khích người dân sử dụng năng lượng sạch, góp phần phát thải khí nhà kính theo các cam kết tại Hội nghị COP 26 về biến đổi khí hậu.

Để bảo đảm đủ xăng dầu cho sản xuất kinh doanh và tiêu dùng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời chỉ đạo Bộ Công thương, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan phối hợp chặt chẽ, bám sát thị trường xăng dầu thế giới để có biện pháp điều chỉnh phù hợp, sát thực tiễn, đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Tiếp tục hoàn thiện phương án nâng mức dự trữ quốc gia xăng dầu, ban hành Nghị định thay thế các Nghị định về kinh doanh xăng dầu.

Về phát triển thị trường trong nước và đẩy mạnh xuất nhập khẩu, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam giai đoạn 2021-2025; Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2021-2025 Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 và Chương trình hành động thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030. Trong thời gian tới, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp trọng tâm như: Bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường; Triển khai các giải pháp kích cầu tiêu dùng, đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường truyền thống, thị trường lớn; Khai thác hiệu quả các FTA, mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu…

Kết luận phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã nêu một số nhiệm vụ cơ bản, trọng tâm liên quan trực tiếp đến trách nhiệm chính của các bộ, ngành để tập trung thực hiện trong thời gian tới. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ Công thương, tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả các đề án, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch đã được phê duyệt để đảm bảo an toàn, an ninh năng lượng. Hoàn thiện hệ thống pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu; sớm có phương án xử lý trong dài hạn việc thực hiện bảo quản riêng về xăng dầu dự trữ quốc gia. Thực hiện hiệu quả công tác quản lý thị trường, phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng. Tập trung thực hiện phòng, chống các hành vi tiêu cực trong xuất nhập khẩu hàng hóa.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về nhãn hiệu, thương hiệu nông sản chủ lực. Thực hiện tốt công tác dự báo, chủ động triển khai các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn, bảo đảm nguồn nước cho sản xuất và đời sống người dân. Kiểm soát chặt chẽ việc quản lý, sử dụng và chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa; thực hiện các giải pháp khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản…

Trần Hương

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/tiep-tuc-thuc-hien-nhiem-vu-hoan-thanh-tot-muc-tieu-tang-truong-154865.html
Zalo