Bơm vốn để doanh nghiệp bắt lại đà tăng trưởng

Sở Công Thương TPHCM và Công ty Đầu tư Tài chính nhà nước TPHCM (HFIC) tổ chức Hội nghị triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất cho các dự án đầu tư thuộc các ngành công nghiệp trọng yếu, công nghiệp hỗ trợ và logistics tại TPHCM.

“Nóng” với nhu cầu mở rộng sản xuất

Mở đầu hội nghị, đại diện HFIC đã giới thiệu lại những chính sách và đối tượng thuộc diện được ưu tiên hỗ trợ vốn vay, lãi suất vốn vay. Theo đó, trong lĩnh vực công nghiệp, 6 ngành công nghiệp trọng điểm là dệt may, cơ khí chế tạo, nhựa và cao su, chế biến thực phẩm và công nghiệp hỗ trợ, điện và điện tử sẽ được hỗ trợ 100% lãi suất vốn vay. Tổng mức vốn vay được hỗ trợ lãi suất không vượt quá 200 tỷ đồng và thời hạn hỗ trợ không quá 7 năm.

Chia sẻ về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Kim Ngọc, Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM, cho biết, chỉ số sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố (IPP) tiếp tục phục hồi và duy trì đà tăng trưởng tích cực, ước tính IIP tháng 10 tăng 8,9% so với cùng kỳ và tính chung 10 tháng của năm 2024 tăng 6,9%.

Trong đó, nếu tính chỉ số sản xuất 4 ngành công nghiệp trọng điểm là đã tăng 4,7% so với cùng kỳ. Riêng ngành hóa dược có mức tăng cao nhất, với 16,9%. Kế đến là ngành chế biến lương thực thực phẩm tăng 3,1%; ngành sản xuất hàng điện tử, dệt may, da giày… có mức tăng trưởng nhẹ.

Thực tế này xuất phát từ sự phục hồi tích cực những đơn hàng xuất khẩu. Các doanh nghiệp đã chủ động mở thêm thị phần tại các thị trường truyền thống và tìm kiếm thêm các thị trường mới.

Tuy nhiên, cùng với đà phục hồi từ thị trường thì doanh nghiệp cũng có nhu cầu được hỗ trợ vốn để mở rộng năng lực sản xuất. Tại hội nghị, nhiều câu hỏi về các vấn đề “nóng” liên quan đến chính sách hỗ trợ vốn đã được doanh nghiệp đặt ra, như: doanh nghiệp có văn phòng tại TPHCM nhưng nhà máy ở các tỉnh, thành phố khác thì có được tiếp cận nguồn vốn vay không? TPHCM có những chính sách nào để doanh nghiệp có thể đầu tư nhà máy tại các khu chế xuất, khu công nghiệp? Nếu đúng đối tượng thì thời gian được cho vay là bao lâu?

Các doanh nghiệp cũng bày tỏ băn khoăn rằng thời hạn thành phố triển khai chương trình kích cầu đầu tư liệu có lâu dài và ổn định? Ngoài ra, đại diện Công ty TNHH Tân Nhất Hương cho rằng, đối tượng thụ hưởng chương trình kích cầu đầu tư chưa phổ biến, khiến nhiều công ty mất cơ hội tiếp cận chính sách hỗ trợ…

Nhiều doanh nghiệp cũng kiến nghị đơn vị liên quan rút ngắn thời gian phê duyệt hồ sơ và giải ngân nhanh vốn vay với những trường hợp hồ sơ vay hợp lệ, để giúp doanh nghiệp không bị bỏ lỡ cơ hội kinh doanh.

Ở khía cạnh khác, ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội Cơ khí Điện TPHCM, nêu ý kiến, khó khăn nhất của doanh nghiệp khi tiếp cận vốn vay chính là tài sản thế chấp. Để có thể vay vốn, ngoài tài sản có sẵn của doanh nghiệp, thì tài sản hình thành sau đầu tư cũng phải nằm trong tài sản thế chấp. Điều này sẽ gây khó cho doanh nghiệp nếu muốn vay thêm, dù tài sản thế chấp vượt hơn số tiền doanh nghiệp đang vay.

Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hội đồng thành viên HFIC, hiện vẫn còn những điểm hạn chế, gây khó cho doanh nghiệp. Điển hình là những doanh nghiệp thuộc diện di dời ra khỏi thành phố sẽ không được hỗ trợ từ chương trình kích cầu đầu tư.

“Nhận thấy bất cập này nên công ty đã kiến nghị thành phố có giải pháp điều chỉnh theo hướng mở rộng địa giới hành chính là vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đồng thời, thí điểm thực hiện tại một số dự án đặc thù để làm tiền đề mở rộng cho nhiều dự án khác và tháo gỡ bất cập trên”, ông Hòa cho biết.

Vốn có sẵn

Trước những băn khoăn của doanh nghiệp, đại diện Sở Công thương TPHCM cho biết, hiện TPHCM đã chuẩn bị sẵn hạ tầng tại các khu chế xuất, khu công nghiệp để doanh nghiệp khảo sát và đầu tư nhà máy nếu có nhu cầu. Riêng về thời hạn triển khai chương trình, hành lang pháp lý đủ để đảm bảo doanh nghiệp triển khai dài hạn.

 Đại diện HFIC và các sở, ban, ngành giải đáp những thắc mắc về việc tiếp cận nguồn vốn cho doanh nghiệp. Ảnh: MINH XUÂN

Đại diện HFIC và các sở, ban, ngành giải đáp những thắc mắc về việc tiếp cận nguồn vốn cho doanh nghiệp. Ảnh: MINH XUÂN

Về chính sách hỗ trợ, ông Nguyễn Quang Thanh, Phó Tổng Giám đốc HFIC, cũng thẳng thắn chia sẻ, trường hợp những doanh nghiệp phải di dời nhà máy hoặc có nhà máy ngoài địa bàn thành phố thì sẽ không thuộc đối tượng được hỗ trợ lãi suất vốn vay. Riêng về đối tượng vay, so với trước đây thì chương trình kích cầu đầu tư lần này đã mở rộng tối đa cho các đối tượng thuộc đa dạng lĩnh vực đầu tư, sản xuất. Doanh nghiệp cần tham khảo thêm để nắm bắt cơ hội cho mình.

Nhằm tháo gỡ khó khăn trong thủ tục hành chính, HFIC và 2 tổ liên ngành thuộc Sở Công thương TPHCM, Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM đã chuyển hóa toàn bộ thành biểu mẫu đăng ký, doanh nghiệp chỉ cần điền theo thông tin biểu mẫu là có thể hoàn thiện hồ sơ.

Thông tin thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hội đồng thành viên HFIC, cho hay, thành phố đã cho phép HFIC được giữ lại toàn bộ lợi nhuận, nguồn vốn thu từ cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước để đưa vào thực hiện chương trình kích cầu đầu tư. Nếu tính ngắn hạn từ nay đến hết năm 2024, thành phố đã bố trí sẵn 1.500 tỷ đồng để hỗ trợ lãi suất vốn vay cho doanh nghiệp.

Ngoài ra, để đáp ứng đa dạng và đủ nguồn vốn vay theo nhu cầu doanh nghiệp, HFIC đã thực hiện hợp vốn với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam… Doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn lên đến 1.000 tỷ đồng vẫn có thể được đáp ứng.

Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa, công ty cũng đã thành lập tổ công tác chuyên cho chương trình này. Đồng thời, thiết lập chế độ giao ban định kỳ theo dõi tiến độ cho vay vốn, trực tiếp tháo gỡ những vướng mắc mà bên cho vay và bên đi vay đang gặp phải.

Ái Vân

Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/bom-von-de-doanh-nghiep-bat-lai-da-tang-truong-post118308.html
Zalo