Tiếp tục đổi mới, tạo ra đột phá trong quy trình xây dựng pháp luật
Dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) đang được hoàn thiện và lấy ý kiến đóng góp, trong đó đề xuất những vấn đề đổi mới quan trọng, mang tính đột phá về quy trình xây dựng pháp luật trong giai đoạn hiện nay. Đây được xem là 'luật để làm luật'. Các đại biểu Quốc hội cho rằng, việc sửa đổi Luật theo quy trình 1 kỳ họp là cần thiết nhằm kịp thời thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, quán triệt quan điểm đổi mới xây dựng pháp luật, đáp ứng nhanh, kịp thời yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn.
Tạo gắn kết giữa hoạt động xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật
Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 là cơ sở pháp lý quan trọng để thực hiện các mục tiêu cải cách pháp luật. Luật này đã được sửa đổi, bổ sung một số điều vào năm 2020. Tuy nhiên, sau gần chục năm thi hành đã có nhiều nội dung, quy định không còn phù hợp với yêu cầu xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật gắn với yêu cầu đổi mới tư duy xây dựng pháp luật.
Nêu quan điểm về vấn đề này, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, cần sửa đổi toàn diện Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để đáp ứng yêu cầu mới đặt ra, gắn kết giữa hoạt động xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật; tháo gỡ các điểm nghẽn trong xây dựng thể chế, hoàn thiện hệ thống pháp luật thống nhất, đồng bộ, minh bạch, khả thi, dễ tiếp cận hơn, hiệu lực và hiệu quả, phục vụ cho sự nghiệp phát triển đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế giai đoạn hiện nay.
Tại dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) đang được xây dựng và lấy ý kiến, Bộ Tư pháp đề xuất 7 vấn đề đổi mới quan trọng, mang tính đột phá về quy trình xây dựng pháp luật, gồm: Đổi mới việc xây dựng Chương trình lập pháp của Quốc hội; Bổ sung hình thức nghị quyết quy phạm của Chính phủ; Phân định rõ thẩm quyền lập pháp và lập quy; Đổi mới quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Đẩy mạnh phân cấp gắn với tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật; Quy định việc chịu trách nhiệm đến cùng của các cơ quan trình dự án luật; Giải thích áp dụng văn bản quy phạm pháp luật.
Trong đó, đáng lưu ý, trước đây, Luật năm 2008 quy định Chính phủ được ban hành văn bản quy phạm pháp luật dưới 2 hình thức là nghị định và nghị quyết. Với chủ trương đơn giản hóa hình thức văn bản quy phạm pháp luật, Luật năm 2015 đã bỏ hình thức nghị quyết và chỉ giữ lại 1 hình thức văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ ban hành là nghị định.
Tuy nhiên, thực tiễn công tác chỉ đạo, điều hành và phản ứng chính sách của Chính phủ trong thời gian qua, đặc biệt là trong giai đoạn phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và phục hồi kinh tế sau đại dịch đã đặt ra yêu cầu phải nghiên cứu, bổ sung thẩm quyền của Chính phủ trong việc ban hành một hình thức văn bản riêng (ngoài nghị định của Chính phủ) với một quy trình xây dựng, ban hành nhanh gọn, kịp thời để văn bản có hiệu lực sau khi ban hành và xử lý ngay vấn đề thực tiễn phát sinh.
Ngoài ra, Luật hiện hành chưa quy định thẩm quyền của Chính phủ trong việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện thí điểm trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của Chính phủ, dẫn đến khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, chưa bảo đảm được sự linh hoạt và tính kịp thời trong chỉ đạo, điều hành, phát triển kinh tế, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Do đó, dự thảo Luật lần này bổ sung quy định về thẩm quyền của Chính phủ trong việc ban hành nghị quyết quy phạm để thí điểm các vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ; giải quyết các vấn đề cấp bách phát sinh từ thực tiễn; để áp dụng pháp luật trong một thời gian nhất định. Đồng thời, quy định một số đặc thù trong xây dựng, ban hành loại văn bản này, bảo đảm nhanh gọn (nghị quyết của Chính phủ có thể có hiệu lực kể từ ngày Chính phủ thông qua).
Các đại biểu Quốc hội cho rằng, việc sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo quy trình 1 kỳ họp là cần thiết, nhằm đáp ứng nhanh, kịp thời yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn. Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà (đoàn Bắc Giang) nhất trí với đề xuất của Chính phủ, bổ sung dự án Luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025; trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025) theo quy trình 1 kỳ họp.
“Đây là dự án luật lớn, quan trọng và cấp bách. Với hồ sơ dự án luật đầy đủ, công tác chuẩn bị kỹ lưỡng và trong bối cảnh hiện nay phải khẩn trương hoàn thiện thể chế, việc bổ sung dự án Luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và thông qua theo quy trình 1 kỳ họp là hoàn toàn phù hợp nhằm đảm bảo việc triển khai đồng bộ các quy định”, đại biểu Quốc hội Đỗ Thị Việt Hà nêu rõ.
Phản ứng nhanh, kịp thời với thực tiễn cuộc sống
Dự kiến, Chính phủ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi với 3 chính sách trọng tâm. Trong đó, có nội dung về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật chuyên nghiệp, khoa học, kịp thời phản ứng chính sách; xác định rõ và tăng cường vai trò, thẩm quyền, trách nhiệm của các chủ thể tham gia xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Cơ bản tán thành với 3 chính sách được đề xuất trong đề nghị xây dựng Luật, đại biểu Quốc hội Đỗ Thị Việt Hà cho rằng, đây là 3 chính sách trọng tâm, rất cần thiết, phù hợp với yêu cầu đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, phản ứng nhanh, kịp thời với đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống.
Nữ đại biểu Quốc hội cũng lưu ý, trong quá trình xây dựng dự án Luật, đề nghị Chính phủ phải bám sát vào Đề án đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật; tiến hành đánh giá tác động đầy đủ, kỹ lưỡng đối với các chính sách mới bổ sung theo đúng quy định...
Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, đại biểu Quốc hội Lê Xuân Thân (đoàn Khánh Hòa) nhấn mạnh, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật là “luật làm luật”, do đó, rất cần chú trọng tới đổi mới quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Theo đó, cần đánh giá sản phẩm đầu ra có đảm bảo chất lượng; xem xét kỹ nội dung nào thật cần thiết mới đề xuất bổ sung, sửa đổi lần này; đồng thời, loại bỏ những nội dung không còn phù hợp, không cần thiết để giảm bớt thủ tục trình tự.
Cũng theo đại biểu Quốc hội Lê Xuân Thân, trong quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật cần có quy trình nhanh, gọn để đáp ứng nhanh, kịp thời với yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn; thể chế hóa ngay chủ trương, đường lối của Đảng. Do đó, cùng với quy trình thông thường, quy trình theo thủ tục rút gọn thì cần nghiên cứu “quy trình, thủ tục đặc biệt”.
Ngoài ra, trên cơ sở phân tích những vấn đề bất cập hiện nay liên quan tới hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật tại địa phương, đại biểu Lê Xuân Thân cũng đề nghị, cần lưu ý nội dung này để đưa ra những quy định phù hợp, đảm bảo hiệu quả, khả thi trong luật sửa đổi.
Cho rằng, cần dành sự ưu tiên cho việc sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đại biểu Quốc hội Lê Xuân Thân kiến nghị cần tiến hành ngay, chuẩn bị thật tốt, kỹ lưỡng, chu đáo để đảm bảo chất lượng, yêu cầu đề ra có thể thông qua Luật ngay tại Kỳ họp thứ 9 của Quốc hội tới đây. Vì sự phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, cần đột phá ngay từ khâu thể chế!