TP.HCM: Nên giảm bớt việc xây dựng báo cáo, hội, họp... để giảm tải cho cán bộ

Theo khảo sát của Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM với 13.000 công chức, có tới hơn 43% công chức sẵn sàng bỏ việc hiện tại khi có cơ hội và lý do đưa ra là thu nhập thấp, công việc áp lực và không có cơ hội thăng tiến.

Sáng 16-1, Sở Nội vụ TP.HCM đã tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai chương trình công tác năm 2025. Tham dự có Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi.

Tại hội nghị, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM Trần Thanh Bình cho biết đề án xây dựng nền công vụ TP.HCM hoạt động hiệu lực, hiệu quả giai đoạn 2024 - 2030 được nghiên cứu, định hình và phê duyệt trước khi Trung ương công khai chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy.

 Nhiều công chức TP.HCM muốn rời bỏ công việc khi có cơ hội vì áp lực cao, thu nhập thấp. Ảnh: THUẬN VĂN

Nhiều công chức TP.HCM muốn rời bỏ công việc khi có cơ hội vì áp lực cao, thu nhập thấp. Ảnh: THUẬN VĂN

Các giải pháp về hoàn thiện tổ chức, bộ máy nêu ra tại đề án nền công vụ, về cơ bản vẫn phù hợp với chủ trương này. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện cần phải đặt trong bối cảnh gấp rút triển khai công tác sắp xếp, tinh gọn bộ máy.

Nhiều hội họp, báo cáo

Từ đó, ông Trần Thanh Bình cho rằng để tinh gọn bộ máy thì trước hết cần tinh gọn về công việc.

Ông cho biết qua khảo sát của Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM trong xây dựng đề án công vụ, từ góc độ của các công chức về khối lượng công việc thì được đánh giá là quá nhiều. Có tới hơn 75% số công chức tham gia khảo sát đánh giá khối lượng công việc ở mức “nhiều” hoặc “rất nhiều”.

Trong đó, lý do được giao quá nhiều công việc là 55%; thời hạn phải hoàn thành công việc quá gấp hoặc không phù hợp là 49,7%; cơ quan, đơn vị thiếu người là 43%.

Ngoài ra còn lý do khác như: quy định, thủ tục, thẩm quyền bất cập hoặc phức tạp; dân số đông, địa bàn có tính chất phức tạp; kiêm nhiệm quá nhiều; hội họp quá nhiều, nhiều cuộc họp không cần thiết; phong trào thi đua nhiều và không thiết thực; nhiều báo cáo phải thực hiện; cơ sở hạ tầng cho việc số hóa còn hạn chế; nhiều chỉ đạo, một số chưa rõ ràng hoặc chồng chéo…

“Khi được yêu cầu nhận diện những yếu tố tạo áp lực lên việc thực hiện nhiệm vụ, có đến gần 59% thống nhất với nhận định cho rằng hội họp và các loại báo cáo quá nhiều làm ảnh hưởng đến công việc của công chức. Kế đến là việc nhận được các hướng dẫn/yêu cầu trái ngược từ cấp trên (50,7%). Việc xử lý các khiếu nại, phản ánh trong công việc cũng tạo áp lực lên các công chức (49,62% đồng ý hoặc rất đồng ý)” – ông Bình thông tin.

Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu TP.HCM đánh giá nếu khối lượng công việc vẫn duy trì ở quy mô hiện tại, theo những cơ chế, luồng hiện tại thì việc sắp xếp, tinh gọn có thể làm tăng thêm sự quá tải.

Do vậy, ông đề xuất khi thực hiện đề án nền công vụ, cần tập trung ưu tiên cho việc rà soát công tác điều hành và phân bổ công việc. Đồng thời, cải thiện hiệu quả các chương trình, đề án theo hướng tinh gọn về số lượng; hạn chế chồng chéo, trùng lặp về giải pháp; giảm bớt gánh nặng từ các công tác lập kế hoạch, xây dựng báo cáo, hội, họp, phong trào…

43% công chức muốn rời bỏ việc

Lãnh đạo Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM cũng đề xuất cần nhận diện các thách thức về động lực làm việc của công chức trên ba khía cạnh: sự hài lòng với công việc, sự gắn bó với tổ chức, sự gắn bó với công việc.

Với ba khía cạnh này, hồi đầu năm 2024, Viện Nghiên cứu phát triển TP đã khảo sát gần 13.000 công chức. Qua đó, gần 83% công chức hài lòng với công việc của mình, hơn 80% công chức cảm thấy đạt được thành tựu khi thực hiện công việc, gần 79% tán thành với nhận định làm việc với niềm đam mê.

Tuy nhiên, dù có tới hơn 74% công chức cho rằng sẽ sẵn sàng thực hiện mọi việc để ở lại cơ quan, đơn vị mình đang công tác nhưng lại có tới hơn 43% công chức sẵn sàng rời bỏ công việc hiện tại khi có cơ hội, gần 22% còn đang phân vân.

Lý do mà công chức lựa chọn rời bỏ công việc là do thu nhập quá thấp, công việc quá áp lực và không có cơ hội thăng tiến. Dù vậy, lĩnh vực ưu tiên các công chức lựa chọn nếu nghỉ việc là vẫn là các cơ quan công quyền cho thấy xu hướng muốn chuyển dịch trong cùng hệ thống của khu vực công.

Cũng theo khảo sát này, tỉ lệ sẵn sàng nghỉ việc cao hơn ở nhóm công chức nhóm quận, huyện và phường, xã; nhóm giữ chức vụ quản lý, lãnh đạo và nhóm thuộc khối chính quyền, ở nhóm tuổi 30 - 40 và nhóm tuổi nghề 5 - 10 năm…

Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM đánh giá việc tinh gọn bộ máy có thể đặt ra nhiều thách thức, đặc biệt là về khối lượng công việc tăng cao, áp lực tâm lý đối với đội ngũ cán bộ, công chức và nguy cơ mất mát nguồn nhân lực chất lượng cao.

Do đó, cần xây dựng hệ thống giải pháp đồng bộ bằng cải cách thể chế, tăng cường cơ chế hỗ trợ, đảm bảo tính minh bạch, công bằng trong quá trình thực hiện. Đồng thời, chú trọng đến chính sách đào tạo, phát triển năng lực và chăm lo đời sống tinh thần cho đội ngũ công chức là yếu tố then chốt giúp giảm thiểu các tác động tiêu cực.

Kiến nghị Luật Quản lý và Phát triển Đô thị đặc biệt

Để thực hiện tốt đề án nền công vụ, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM Trần Thanh Bình cho rằng TP.HCM cần chủ động tham mưu, đề xuất đối với những vấn đề mới phát sinh mà hệ thống pháp luật do Trung ương ban hành chưa có quy định, hoặc đã có chủ trương nhưng chưa có văn bản pháp luật điều chỉnh.

Nghiên cứu, báo cáo đề xuất với Trung ương cho phép TP.HCM được thực hiện thí điểm trong phạm vi phù hợp để đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển Thành phố.

Một số chính sách đặc thù cần được kiến nghị với Trung ương là mô hình chính quyền đô thị; biên chế và vị trí việc làm; bố trí và sử dụng nguồn tài chính cho công tác sắp xếp, điều chỉnh địa giới hành chính và tài sản công.

Đặc biệt, việc nghiên cứu xây dựng Đề án Luật Quản lý và Phát triển Đô thị đặc biệt là nội dung trọng tâm. Đây là một phần quan trọng trong đề án nền công vụ và các định hướng dài hạn về mô hình chính quyền đô thị của TP.

LÊ THOA

Nguồn PLO: https://plo.vn/video/tphcm-nen-giam-bot-viec-xay-dung-bao-cao-hoi-hop-de-giam-tai-cho-can-bo-post830369.html
Zalo