Tiếp tục đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
UBND tỉnh Lâm Đồng vừa ban hành kế hoạch thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực năm 2025, yêu cầu triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn tỉnh.

UBND tỉnh Lâm Đồng tập huấn tiếp công dân, xử lý đơn và giải quyết khiếu nại, tố cáo
Theo đó, mục đích của kế hoạch là cụ thể hóa và tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) theo đúng quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước. Đồng thời, tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành trong công tác PCTNTC. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, địa phương, đơn vị và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; phát huy vai trò trách nhiệm của xã hội trong công tác PCTNTC. Đồng thời, chấn chỉnh, rút kinh nghiệm, khắc phục kịp thời những tồn tại, hạn chế nhằm nâng cao điểm số đánh giá công tác PCTN hằng năm trên địa bàn tỉnh.
Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện các giải pháp phòng ngừa TNTC; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, phát hiện, ngăn chặn và kịp thời xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm, vụ việc TNTC, thu hồi tài sản tham nhũng. Từng bước ngăn chặn, đẩy lùi TNTC, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đảm bảo kỷ luật, kỷ cương, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Kế hoạch cũng yêu cầu xác định công tác PCTNTC gắn với đẩy mạnh phòng, chống lãng phí, thực hành tiết kiệm, đấu tranh chống suy thoái, “Tự diễn biến”, “Tự chuyển hóa” trong cán bộ, công chức, viên chức là nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng, thường xuyên, lâu dài. Triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về PCTNTC, đưa việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp PCTNTC là một trong các tiêu chí để đánh giá, xếp loại hằng năm.
Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động có phẩm chất đạo đức, có năng lực, chuyên môn đáp ứng nhiệm vụ được giao; xây dựng văn hóa công sở, văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng. Ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc.
Các nhiệm vụ, giải pháp PCTNTC phải được thực hiện đồng bộ, hiệu quả; chú trọng các giải pháp phòng ngừa. Đồng thời, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, Nhân dân, doanh nghiệp nhận thức đúng, chấp hành tốt các quy định về PCTNTC. Vận động quần chúng Nhân dân tích cực giám sát, phát hiện, phản ánh kịp thời các hành vi vi phạm, TNTC.
Duy trì và phát huy những kết quả đã đạt được, nghiêm túc đánh giá, xác định nguyên nhân, có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục, xử lý đối với những nội dung chưa đảm bảo nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện công tác PCTNTC trên địa bàn.
Về nhiệm vụ, giải pháp, UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, địa phương, đơn vị lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về PCTNTC; chương trình công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương và của tỉnh về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Chú trọng nâng cao hiệu lực, hiệu quả, chống lãng phí; xây dựng và thực hiện kế hoạch PCTNTC của cơ quan, địa phương, đơn vị có trọng tâm, trọng điểm.
Triển khai đồng bộ, thống nhất, hiệu lực, hiệu quả các giải pháp phòng ngừa tham nhũng; chú trọng công tác tự kiểm tra nội bộ, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trực thuộc trong việc thực hiện pháp luật về PCTNTC. Tập trung xử lý nghiêm, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc... Bảo vệ người phát hiện, tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực theo đúng quy định của pháp luật.
Xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật; kiểm tra, rà soát hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật; theo dõi thi hành pháp luật về PCTNTC. Đồng thời, tập trung tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCTNTC, nhất là công tác phòng ngừa tham nhũng. Theo đó, thực hiện nghiêm các quy định về công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị, đặc biệt trong quản lý và thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, tài chính ngân sách; kinh phí huy động từ các nguồn vốn hợp pháp khác. Công tác tổ chức cán bộ; thủ tục hành chính liên quan đến giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân…
Đối với công tác phát hiện, xử lý hành vi TNTC. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị phải chủ động tổ chức tự kiểm tra việc chấp hành pháp luật. Việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân thuộc phạm vi quản lý để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi TNTC. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương PCTNTC trong nội bộ, nâng cao năng lực hoạt động và hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong công tác phòng, chống tham nhũng.
Phối hợp với UBMTTQ Việt Nam, các tổ chức thành viên, các cơ quan báo chí và phát huy vai trò giám sát của Nhân dân trong thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng. Tiếp tục thực hiện cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số, trong đó rà soát, triển khai các nội dung nhằm nâng cao điểm đánh giá chỉ số cải cách hành chính, chuyển đổi số cấp tỉnh. Chú trọng đẩy mạnh triển khai các hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Đẩy mạnh rà soát, tích hợp cung cấp dịch vụ công trực tuyến, nhất là các dịch vụ công thiết yếu phục vụ người dân, doanh nghiệp như các lĩnh vực y tế, giáo dục, đăng ký doanh nghiệp…
Kế hoạch trên cũng đề ra một số nhiệm vụ cụ thể. Trong đó, UBND tỉnh giao Thanh tra tỉnh theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các cơ quan, địa phương, đơn vị xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch PCTNTC năm 2025. Đồng thời, tiến hành thanh tra trách nhiệm việc thực hiện các quy định của pháp luật về PCTN theo kế hoạch thanh tra năm 2025 đã được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt. Xác minh tài sản, thu nhập đối với các cá nhân (tối thiểu 10%) thuộc 11 đơn vị, gồm: Văn phòng UBND tỉnh; Sở Y tế; Sở Thông tin và Truyền thông; Thanh tra tỉnh; Ban Dân tộc tỉnh; UBND các huyện Đam Rông, Bảo Lâm, Đạ Huoai; Trường Cao đẳng Y tế Lâm Đồng; Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đạ Huoai; Công ty Cổ phần Cấp thoát nước và xây dựng Bảo Lộc.
UBND tỉnh Lâm Đồng giao Sở Nội vụ tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện hiệu quả công tác cải cách hành chính; công khai minh bạch trong công tác tổ chức cán bộ; kịp thời tham mưu điều chuyển, thay thế những cán bộ lãnh đạo, quản lý có dư luận xấu, biểu hiện tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, uy tín giảm sút, không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Đồng thời, tổ chức thanh tra, kiểm tra đối với các cơ quan, đơn vị, địa phương về việc tuyển dụng, quy hoạch, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển, chuyển đổi vị trí công tác, chống chạy chức, chạy quyền nhằm phòng ngừa, TNTC.