Bước tiến mới trong chống tham nhũng
Bộ Chính trị vừa ban hành Quy định số 231-QĐ/TW về bảo vệ người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực (TNLPTC). Với những nội dung rõ ràng, cụ thể và nghiêm minh, Quy định số 231 được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng thuận cao.
Hiện nay, việc bảo vệ người tố cáo TNLPTC được quy định tại Luật Phòng, chống tham nhũng và Luật Tố cáo. Theo quy định của Luật Tố cáo, bảo vệ người tố cáo là bảo vệ bí mật thông tin của người tố cáo; bảo vệ vị trí công tác, việc làm, tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người tố cáo, vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người tố cáo. Đồng thời, trong Quyết định số 164-QĐ/TW ngày 6-6-2024 của Bộ Chính trị về quy trình giải quyết tố cáo đối với tổ chức đảng trực thuộc Trung ương và đảng viên là cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý cũng có nội dung: “Thực hiện biện pháp bảo vệ người tố cáo theo quy định”. Thế nhưng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, công tác bảo vệ người đấu tranh chống TNLPTC trong thời gian qua vẫn còn không ít tồn tại, vướng mắc.
Xét dưới góc độ chủ quan, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người dân lâu nay vẫn e ngại đấu tranh. Điều này xuất phát từ tâm lý lo ngại về việc bị trả thù hoặc trù dập. Cùng với đó là việc người đấu tranh thiếu sự hỗ trợ về pháp lý nên không dám đối mặt với các hành vi tiêu cực. Về khách quan, mặc dù đã có các quy định bảo vệ nhưng cơ chế thực thi chưa chặt chẽ, không rõ ràng, dẫn đến việc bảo vệ người đấu tranh chưa hiệu quả. Công tác giám sát, kiểm tra và xử lý các hành vi trả thù, trù dập người đấu tranh chống TNLPTC chưa đủ mạnh, khiến những hành vi này không được ngăn chặn kịp thời.
Thực tế cho thấy, người đấu tranh chống TNLPTC thường phải đối mặt với nhiều áp lực và rủi ro. Thậm chí có trường hợp, người đấu tranh phải chịu đựng những mối đe dọa hoặc hành động trả thù, trù dập của người bị tố cáo, trong khi sự ủng hộ, chia sẻ, giúp đỡ của tập thể, cộng đồng và gia đình hiện còn hạn chế. Chính điều này đã khiến không ít cán bộ, đảng viên và nhân dân e ngại, né tránh, không dám hoặc không muốn đấu tranh chống TNLPTC. Tuy nhiên, với Quy định số 231-QĐ/TW, người đấu tranh chống TNLPTC và người thân của họ được bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm, vị trí công tác, việc làm; quyền và lợi ích hợp pháp khác theo quy định pháp luật.
Quy định số 231-QĐ/TW còn nêu rõ: Cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải kịp thời chỉ đạo và giải quyết theo thẩm quyền thông tin đấu tranh; thực hiện bảo mật thông tin, tài liệu theo quy định pháp luật. Đồng thời, chủ động phát hiện, kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân có hành vi đe dọa, trả thù, trù dập người đấu tranh chống TNLPTC hoặc lợi dụng việc này để tố cáo, tố giác, xuyên tạc sự thật, vu khống, gây rối nội bộ. Quy định số 231-QĐ/TW còn nghiêm cấm dùng bạo lực, gây áp lực, vu khống, cô lập, xúc phạm hoặc xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của người chống TNLPTC và người thân của họ.
Với những quy định rất cụ thể, nghiêm minh, Quy định số 231-QĐ/TW là một bước tiến quan trọng trong công tác phòng, chống TNLPTC. Tuy nhiên, để các quy định này phát huy tác dụng thì các cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan chức năng cần quán triệt nghiêm túc, nắm vững các nội dung của quy định và tổ chức thực hiện nghiêm các quy định của Đảng cũng như pháp luật của Nhà nước về bảo vệ người đấu tranh chống TNLPTC. Kịp thời khen thưởng, tôn vinh hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền khen thưởng, tôn vinh tổ chức, cá nhân có thành tích trong đấu tranh chống TNLPTC để tạo động lực và lan tỏa tinh thần dũng cảm đấu tranh trong hệ thống chính trị và toàn xã hội.