TIẾP TỤC ĐẦU TƯ HẠ TẦNG ĐỂ PHÁT HUY LỢI THẾ TRONG LĨNH VỰC SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP
Đánh giá lĩnh vực nông nghiệp tiếp tục là trụ đỡ của nền kinh tế nước ta trong giai đoạn vừa qua, các đại biểu Quốc hội đề nghị cần tăng cường đầu tư hạ tầng về thủy lợi và chế biến để đảm bảo phát huy được năng suất của ngành được coi là có lợi thế và dư địa tăng trưởng rất lớn này.
Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội đã chỉ rõ, tốc độ tăng trưởng GDP năm 2023 đạt 5,05%, thấp hơn mục tiêu đề ra nhưng là mức cao trên thế giới và trong khu vực, quý sau cao hơn so với các quý trước. GDP quý IV tiếp tục xu hướng phục hồi, tăng 6,72% so với cùng kỳ năm trước. Các địa phương đầu tàu tiếp tục xu hướng phục hồi hoặc duy trì đà tăng khá. Quy mô nền kinh tế đạt khoảng 430 tỷ đô, bước vào nhóm các nước trung bình cao. Khu vực nông nghiệp năm 2023 tăng 3,83%, tiếp tục là điểm sáng, trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế.
Về nông nghiệp, tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-TW ngày 16/6/2022 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; thực hiện chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp; từ phát triển đơn ngành sang hợp tác, phát triển đa ngành; thúc đẩy tích hợp đa giá trị trong sản phẩm nông lâm thủy sản; chuyển từ chuỗi cung ứng nông sản sang phát triển các chuỗi ngành hàng. Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp, nhất là tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long gặp nhiều khó khăn do thiếu nước, hạn mặn tăng cao và có thể tiếp tục kéo dài. Tình hình nắng nóng, hạn hán dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, tiềm ẩn rủi ro đến sản xuất nông nghiệp, sản xuất điện, cân đối nguồn điện trong nước.
Nhất trí với đánh giá trong báo cáo của Chính phủ về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, tuy nhiên đại biểu Nguyễn Tuấn Thịnh – Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội cho rằng cần tiếp tục quan tâm về phát triển trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản. Theo đó, năm 2023 lần đầu tiên tăng trưởng trong lĩnh vực nông nghiệp cao hơn trong lĩnh vực công nghiệp xây dựng (công nghiệp xây dựng năm 2023 tăng trường chỉ có 3,74%, trong khi đó lĩnh vực nông nghiệp tăng trưởng 3,83%). Khẳng định lĩnh vực nông nghiệp tiếp tục là trụ đỡ của nền kinh tế, tuy nhiên đại biểu đề nghị phát huy hơn nữa lợi thế của lĩnh vực nông nghiệp trong nền kinh tế của đất nước ta, vì đất nước chúng ta có lợi thế rất lớn trong lĩnh vực nông nghiệp và có dư địa tăng trưởng cũng rất lớn.
Cụ thể, về năng suất lao động, mặc dù năng suất trong lĩnh vực nông nghiệp so với năng suất lao động toàn xã hội chỉ đạt dưới 50%, năm 2023 chỉ có 88,5 triệu đồng/người nhưng chúng ta thấy tốc độ tăng trưởng về năng suất lao động trong lĩnh vực nông nghiệp đạt được xấp xỉ 10%, trong khi chỉ số về năng suất lao động của chúng ta năm 2023 không đạt. Một yếu tố nữa trong lĩnh vực nông nghiệp là người lao động vừa là nhà đầu tư, vừa là người quản lý, trong khi đó nếu xét trong lĩnh vực công nghiệp xây dựng hay lĩnh vực dịch vụ thì năng suất lao động phải phân bổ vốn cho cả nhà đầu tư, cho cả người quản lý, cho nên thu nhập của người lao động không thể đạt được như chỉ số về năng suất lao động ở trong các lĩnh vực này. Đây là lý do chúng ta cần quan tâm hơn trong đầu tư cho hạ tầng trong lĩnh vực nông nghiệp.
Đại biểu chỉ rõ, trong báo cáo của Chính phủ có nêu, chúng ta mới chỉ quan tâm đến đầu tư cho lĩnh vực nông thôn, trong khi lĩnh vực sản xuất nông nghiệp cần phải được quan tâm đầu tư nhiều hơn, nhất là hạ tầng: hạ tầng về thủy lợi, hạ tầng về chế biến sau thu hoạch, hạ tầng về kho tàng và xử lý bước đầu. Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ và các bộ ngành phải nghiên cứu kỹ về vấn đề này.
Cũng quan tâm đến phát triển kinh tế nông nghiệp, đại biểu Trần Anh Tuấn – Đoàn ĐBQH Tp. Hồ Chí Minh chỉ ra rằng, hiện nay ngành nông nghiệp đang xuất siêu, đóng góp của ngành nông nghiệp là 50%, tức là xuất siêu gần 9 tỷ đô thì ngành nông nghiệp chiếm tới gần 5 tỷ. Có thể thấy nông nghiệp đóng góp cho cán cân thương mại thặng dư rất lớn; ngành nông nghiệp là ngành sát với đời sống của người dân, tạo công ăn việc làm cho người dân và tạo sự phát triển bền vững. Sự nỗ lực rất lớn của ngành nông nghiệp giúp ổn định đời sống của người dân, đóng góp vào cán cân thương mại, qua đó góp phần thành công vào hiệu quả trong thực thi chính sách tiền tệ thời gian qua. Tuy nhiên, để giữ vững được sự phát triển này, đại biểu đề nghị cần phải quan tâm hơn, có chính sách đồng bộ để phát huy được hết những lợi thế của kinh tế nông nghiệp trong thời gian tới.
Bàn về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Minh Hoàng – Đoàn ĐBQH Tp. Hồ Chí Minh chỉ ra thực tế, tình trạng lãng phí tài nguyên nước và trong sản xuất nông nghiệp cần phải nghiên cứu và phải làm rõ. Bởi nước không phải là nguồn tài nguyên vô hạn, do vậy đại biểu đề nghị phải có đánh giá tác động về vấn đề tài nguyên nước và có phương án để khẩn trương thực hiện việc này, đảm bảo sự ổn định, giữ được bầu lúa của Việt Nam, để có lúa gạo xuất khẩu như ngày hôm nay.
Đại biểu cũng nhấn mạnh thêm, lĩnh vực nông nghiệp đang có thế mạnh kép, ngoài sản phẩm nông nghiệp đặc thù về nền nông nghiệp, kinh tế, thổ nhưỡng Việt Nam, phát sinh trong điều kiện môi trường hiện nay thì còn có thế mạnh về việc sản xuất thân thiện môi trường. Những người trồng dừa ở tại Bến Tre hiện nay rất vui mừng khi được biết có thêm tín chỉ carbon để bán, người trồng điều ở tại Bình Phước nắm bắt được thông tin là ngoài việc bán điều cũng có thêm tín chỉ carbon. Nhưng những thông tin này đến với người nông dân còn chưa rõ ràng, chưa đủ dữ liệu thông tin khiến họ không biết cái này bán làm sao, bán như thế nào? Do đó, cần phải có những chính sách để hỗ trợ cho người nông dân có được thu nhập kép, ngoài việc có những sản phẩm nông nghiệp thì còn có thêm tín chỉ carbon, từ đó chúng ta phát triển được thế mạnh của Việt Nam về lĩnh vực nông nghiệp.
Bên cạnh đó, một số đại biểu cũng chỉ ra rằng, còn nhiều vấn đề về tình hình thời tiết cực đoan đối với sản xuất nông nghiệp ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Cụ thể, tình hình thiếu nước ngọt, hạn hán kéo dài ảnh hưởng đến cây trồng, vật nuôi đang là mối quan ngại lớn. Do đó, Chính phủ phải tính rất kỹ, phải nghiên cứu về việc tái cơ cấu lại các ngành nông nghiệp của vùng này, làm sao là phù hợp với bối cảnh mới của nguồn nước. Dẫn chứng cụ thể, các đại biểu cho biết, hiện nay trong quy hoạch sử dụng đất, Đồng bằng sông Cửu Long dự kiến đến năm 2030 có 1,67 triệu hecta đất trồng lúa. Nếu bây giờ muốn trồng nhiều vụ trên một năm nữa thì sẽ tăng việc sử dụng nước, mùa mưa nước về nhiều nhưng mà chúng ta không trữ được, tới mùa khô thì lại thiếu nước. Do đó, chúng ta phải có phương án hoặc là tích nước ngọt hoặc là tái cơ cấu lại các ngành nông nghiệp như thế nào cho phù hợp nhất trong bối cảnh mới. Các đại biểu đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành cần đưa ra các giải pháp để cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long kịp thời thích ứng được với vấn đề biến độ khí hậu.
Ngoài ra các đại biểu cũng đánh giá, để nông nghiệp tiếp tục là trụ đỡ của nền kinh tế thì chúng ta phải có nhiều giải pháp trong sản xuất nông nghiệp. Giải pháp đầu tiên gọi là giải pháp dựa vào tự nhiên, hay gọi là “Thuận Thiên”, đây là một giải pháp khó tăng cao năng suất, sản lượng, giá trị. Do đó các nước thường đi theo hướng thứ hai đó là giải pháp can thiệp bằng kỹ thuật, giải pháp này là con đường chúng ta sẽ đi trong tương lai. Chính vì vậy, rất cần sự quan tâm đầu tư của các bộ, ngành khoa học công nghệ, nông nghiệp, các ngành có liên quan để giải pháp can thiệp kỹ thuật sẽ là giải pháp lâu dài và sẽ nâng cao được năng suất, hiệu quả của nền sản xuất này. Để phát triển ngành nông nghiệp chế biến thì chúng ta phải nghiên cứu vấn đề kỹ thuật, các giải pháp về sản phẩm và thương mại hóa ra sao, có như vậy thì giá trị của ngành hàng nông nghiệp sẽ tăng lên được./.