Cần sớm bỏ room tín dụng
Những ngày cuối năm 2024, tình trạng ngân hàng 'xin' doanh nghiệp vay thêm để giải ngân ngay nhằm đạt KPI đã giảm hẳn, tăng trưởng tín dụng kỹ thuật gần như không còn.
“Chán” tăng trưởng tín dụng kỹ thuật
Ngày 30/12/2024, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có Công văn số 10699 gửi tới 28 ngân hàng thương mại về việc tăng trưởng tín dụng năm 2025. Công văn nêu rõ, để tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tín dụng (TCTD) cung ứng vốn đáp ứng nhu cầu tăng trưởng kinh tế, NHNN yêu cầu TCTD kiểm soát tăng trưởng tín dụng năm 2025 như sau:
Dư nợ tín dụng tối đa đến ngày 31/12/2025 = Dư nợ tín dụng ngày 31/12/2024 + [Điểm xếp hạng năm 2023 x 3,5% x (dư nợ tín dụng ngày 31/12/2024 - dư nợ tín dụng vượt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng NHNN thông báo năm 2024 (nếu có))] - các khoản bán dư nợ tín dụng thực hiện bán trong năm 2025 và chưa thu tiền đến thời điểm tính dư nợ tín dụng (nếu có).
Hay nói một cách đơn giản, mức giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của TCTD căn cứ kết quả chấm điểm xếp hạng năm 2023 theo quy định tại Thông tư 52/2018/TT-NHNN (đã được sửa đổi, bổ sung) nhân với hệ số áp dụng chung cho các ngân hàng. Theo đó, NHNN dự kiến tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống năm 2025 khoảng 16%.
Đáng chú ý, công văn nhấn mạnh, trên cơ sở đánh giá diễn biến, tình hình thực tế phù hợp, NHNN sẽ chủ động điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của từng TCTD để tạo điều kiện cho các TCTD cung ứng đủ và kịp thời vốn tín dụng cho nền kinh tế. Theo đó, TCTD không cần có văn bản đề nghị điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng gửi NHNN.
Liên quan đến câu chuyện tăng trưởng tín dụng, một lãnh đạo PGBank cho biết, các ngân hàng ngay từ đầu năm đã chia room tín dụng để quản lý và thực thi cũng sát sao. Do đó, tăng trưởng tín dụng giai đoạn đầu năm 2024 tăng chậm, trước khi bắt đầu có chuyển biến từ tháng 4 và đặc biệt, 6 tháng cuối năm tăng tốt hơn 6 tháng đầu năm nên việc tăng trưởng tín dụng kỹ thuật vào tháng cuối năm không mạnh như trước.
“Nhu cầu vay của khách hàng có tăng, nhưng ngân hàng cũng không có nhiều dư địa tăng trưởng cho vay. Thực tế, tại một số ngân hàng làm thực còn không đủ room nên không phải tăng kỹ thuật”, vị lãnh đạo trên cho biết.
Còn lãnh đạo Vietcombank cho hay, động lực tăng trưởng tín dụng chính đến từ phân khúc khách hàng doanh nghiệp, trong khi tín dụng bán lẻ hồi phục chậm hơn. Các ngân hàng tư nhân có tỷ trọng cho vay doanh nghiệp bất động sản, xây dựng ở mức cao ghi nhận mức tăng trưởng khả quan hơn so với trung bình ngành. Cụ thể, dư nợ doanh nghiệp kinh doanh bất động sản và xây dựng của các TCTD tăng khoảng 10,7% so với đầu năm vào cuối quý III/2024, nhanh hơn tăng trưởng tín dụng toàn ngành, chiếm lần lượt 7,9% và 7,8% tổng dư nợ.
Phân khúc tín dụng phục vụ hoạt động kinh doanh bất động sản ghi nhận mức tăng trưởng tích cực trong 9 tháng đầu năm 2024 (tăng 16%) nhờ một số dự án nhà ở đủ điều kiện triển khai và mở bán. Trong khi đó, tín dụng cấp cho lĩnh vực xây dựng, đặc biệt là xây dựng hạ tầng, tăng khiêm tốn do tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt kỳ vọng. Các ngân hàng có tỷ trọng dư nợ bất động sản và xây dựng cao trên 20% có thể đến là NCB, Techcombank, SHB, VPBank, VietBank, HDBank, KienlongBank, BVBank.
Hiện chưa có số liệu chính thức từ các ngân hàng, nhưng bà Trần Thị Khánh Hiền - Giám đốc Khối Nghiên cứu, Công ty Chứng khoán MB (MBS) dự báo, tăng trưởng tín dụng của VIB cho cả năm 2024 ở mức 21,5% - sử dụng hết room tín dụng được cấp (đã được nới từ 16% lên hơn 21% từ tháng 11/2024); Techcombank dự kiến đạt 23,5%; HDBank dự kiến đạt 24,7%; VietinBank dự kiến đạt 14,3%; Sacombank đạt 13,7%; TPBank dự kiến đạt 18%; ACB được điều chỉnh lên mức 18,4%...
Một lãnh đạo ngân hàng chia sẻ một diễn biến đáng chú ý về tăng trưởng tín dụng thời điểm cuối năm 2024 khác với những năm trước, đó là các ngân hàng không còn “xin xỏ” doanh nghiệp vay thêm để giải ngân ngay trong những ngày cuối năm.
“Có lẽ các ngân hàng đã ‘chán’ tăng trưởng tín dụng kỹ thuật nên cho vay được bao nhiêu báo cáo bấy nhiêu, chứ không xin doanh nghiệp vay thêm để đạt KPI như trước”, vị này nói.
Nghiên cứu và tiến tới xóa bỏ
Trước đó, tại Nghị quyết số 62/2022 về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội XV, Quốc hội đã yêu cầu Chính phủ “nghiên cứu hạn chế và tiến tới xóa bỏ việc điều hành phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng TCTD”.
Tại báo cáo việc thực hiện Nghị quyết số 62, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, đang tiếp tục rà soát để từng bước dỡ bỏ hoàn toàn biện pháp này. Trong quá trình triển khai, NHNN nhận thấy áp lực lạm phát còn hiện hữu, gây thách thức cho công tác điều hành chính sách tiền tệ và tín dụng. Bởi vậy, việc duy trì công cụ hạn mức tín dụng là nhằm đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng, qua đó góp phần tích cực trong kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, ổn định vĩ mô.
Xung quanh vấn đề này, lãnh đạo PGBank cho rằng, bên cạnh quan điểm bỏ giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng sẽ giúp các ngân hàng chủ động hơn trong việc đưa ra kế hoạch kinh doanh, cần phân tích thêm về tác dụng và những khía cạnh không còn phù hợp mới có thể ra quyết định cuối cùng. Dù NHNN không áp dụng việc giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, nhưng vẫn cần có các biện pháp kiểm soát khác, trong đó công cụ hữu hiệu là kiểm soát tín dụng và chính sách tiền tệ bằng các chỉ tiêu an toàn hệ thống như hệ số thanh khoản với tỷ số lợi nhuận ròng trên tài sản (ROA), tỷ số lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu (ROE)… và quan trọng nhất là tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR).
Theo bà Hiền, diễn biến trong nền kinh tế cho thấy, hoạt động tín dụng năm 2025 có thể được thúc đẩy bởi một số yếu tố sau: Thứ nhất, sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam vào năm 2025, được thúc đẩy bởi sự phục hồi của hoạt động sản xuất và thương mại, nhờ nhu cầu trong và ngoài nước tăng lên. Điều này dựa trên việc NHNN duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng vào năm 2025.
Thứ hai, tỷ lệ giải ngân đầu tư công cao: Thúc đẩy đầu tư công mạnh mẽ hơn trong năm 2025 dự kiến sẽ tạo việc làm và hỗ trợ nhu cầu tín dụng, phù hợp với mục tiêu phục hồi kinh tế và triển khai các dự án cơ sở hạ tầng lớn của Việt Nam trong giai đoạn 2021-2025.
Cũng theo bà Hiền, các ngân hàng có các điều kiện sau sẽ có mức tăng trưởng tín dụng cao hơn vào năm 2025.
Một là, sử dụng hiệu quả và tối đa hạn mức tín dụng trong năm 2024: Các ngân hàng đã sử dụng hết hạn mức tín dụng cao trong năm 2024 sẽ có lợi thế cạnh tranh trong việc đảm bảo hạn mức tín dụng tương đương cho năm tài chính 2025.
Hai là, tăng trưởng chi phí dự phòng và cải thiện chất lượng tài sản: Tăng cường chi phí trích lập dự phòng trong năm 2024, cùng với chất lượng tài sản cải thiện sẽ giảm bớt áp lực gia tăng của NPL (nợ xấu) trong năm 2025 khi tăng trưởng tín dụng bán lẻ phục hồi.
Ba là, sự phục hồi mạnh mẽ của biên lãi thuần (NIM) trong năm 2024: Điều này cho phép các ngân hàng có thêm dư địa giảm lãi suất cho vay, mang lại lợi thế quan trọng trong việc mở rộng tín dụng vào năm 2025.
Lãnh đạo Vietcombank dự báo, tín dụng bất động sản và xây dựng tiếp tục tăng trưởng khả quan trong năm 2025 nhờ thị trường bất động sản tiếp tục chuyển biến tích cực và các khó khăn về pháp lý được tăng tốc tháo gỡ, giúp thúc đẩy các dự án hạ tầng giao thông và nhà ở xã hội, trong điều kiện tiếp tục được hỗ trợ bởi mặt bằng lãi suất thấp.
“Chúng tôi cho rằng, các ngân hàng sẽ tiếp tục đẩy mạnh vốn tín dụng vào kênh đầu tư bất động sản để gia tăng nguồn cung sản phẩm trong tương lai, từ đó thúc đẩy nhu cầu vay mua nhà để ở cũng như đầu tư”, vị lãnh đạo Vietcombank nói.