Tiếp tục 'dân vận' theo tư tưởng Hồ Chí Minh
Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, một trong những vấn đề mà Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày đêm đau đáu, trăn trở suy nghĩ đó là mọi vấn đề liên quan đến tự do, hạnh phúc của người dân. Sinh thời, Bác Hồ đã có nhiều bài nói, bài viết, thư tín liên quan đến dân. Có lẽ một trong những kiệt tác, làm kim chỉ nam có công tác vận động quần chúng, nhân dân là tác phẩm 'Dân vận'. Tháng 10 năm nay là tròn 75 năm Bác Hồ viết và cho xuất bản kiệt tác 'Dân vận' (15/10/1949 - 15/10/2024). Mở đầu bài báo, Người viết 'Vấn đề Dân vận nói đã nhiều, bàn đã kỹ nhưng vì nhiều địa phương, nhiều cán bộ chưa hiểu thấu, làm chưa đúng, cho nên phải nhắc lại'.
Trong 75 năm qua, với sự nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, đất nước ta đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, giành được nhiều thành tựu quan trọng trong cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do, thống nhất đất nước, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và quan hệ đối ngoại. Đời sống nhân dân được cải thiện; chính trị-xã hội ổn định; vị thế nước ta ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế. Trong những thành tựu chung đó, có sự đóng góp quan trọng của công tác dân vận và đội ngũ những người làm công tác dân vận, góp phần phát huy được sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, tạo được niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội. Phong trào thi đua yêu nước gắn với việc phát huy dân chủ của nhân dân đã xuất hiện nhiều mô hình, điển hình "Dân vận khéo", nhất là trong phát triển kinh tế, xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh, môi trường văn hóa lành mạnh... có tác dụng tích cực vào phát triển bền vững đất nước; góp phần quan trọng vào công tác xây dựng Đảng, chính quyền; củng cố mối quan hệ gắn bó giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân.
Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Đoàn đại biểu Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam ra dự Hội nghị Quốc tế đoàn kết với nhân dân Việt Nam chống đế quốc Mỹ xâm lược, bảo vệ hòa bình (24/11/1964). Ảnh tư liệu
Tuy nhiên, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng nói: "Ở không ít nơi, cấp ủy đảng và chính quyền chưa quan tâm đến công tác vận động quần chúng, chưa thật sự tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Một số cán bộ, đảng viên nói đến quyền làm chủ của nhân dân như hô một khẩu hiệu suông, không có hành động gì thiết thực. Không ít đảng viên có thái độ coi thường quần chúng, không lắng nghe ý kiến, không học hỏi người lao động, không tích cực làm công tác giáo dục, thuyết phục, vận động quần chúng. Một số cán bộ, công chức, nhân viên trực tiếp có quan hệ với dân thì cửa quyền, hách dịch, sách nhiễu, gây đủ thứ phiền hà, khó khăn cho dân, thiếu lễ độ với dân. Có người còn ăn chặn của dân, vòi vĩnh đòi quà cáp, biếu xén. Một số người có chức có quyền giữ tác phong quan cách, gia trưởng, phụ trách địa phương nào, đơn vị nào, thì như một "ông vua con" ở đấy. Thậm chí có những cá nhân và tập thể trù dập, ức hiếp quần chúng. Những hành động đó tuy không phải là phổ biến nhưng rất nghiêm trọng, nó làm tổn thương tình cảm và niềm tin của dân đối với Đảng".
Trong những năm gần đây, không ít cán bộ lãnh đạo, quản lý quan liêu, xa dân, tham nhũng, tiêu cực đã bị cách chức, kỷ luật; nhiều "ông vua con" đã bị hạ bệ, tống giam, niềm tin của người dân với Đảng, Nhà nước không ngừng được củng cố, tăng cường... Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng chỉ ra những hạn chế, yếu kém trong công tác dân vận: một số tổ chức đảng, các cấp chính quyền, một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên chưa gương mẫu, chưa thực sự tôn trọng ý kiến, kiến nghị của người dân, chưa giải quyết kịp thời các quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân. "Quyền làm chủ của nhân dân có lúc, có nơi bị vi phạm; vẫn còn biểu hiện dân chủ hình thức, tách rời dân chủ với kỷ cương, pháp luật".
Từ những thành tựu cũng như những hạn chế, yếu kém những năm qua, Đảng ta đã rút ra một trong những bài học kinh nghiệm quý. Đó là: "Trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước, phải luôn quán triệt sâu sắc, thực hiện nghiêm túc quan điểm "Dân là gốc"; thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, kiên trì thực hiện phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng". nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ yêu cầu, nguyện vọng, quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của nhân dân; thắt chặt mối quan hệ mật thiết với nhân dân, dựa vào dân để xây dựng Đảng; lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu; củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa".
Có thể khẳng định rằng, những hạn chế, khuyết điểm về công tác dân vận thời gian qua, cũng như những quan điểm chỉ đạo, nhiệm vụ mà Đảng ta chỉ ra trên đây có thể được đúc kết, gói gọn và thực hiện trong tác phẩm "Dân vận": "Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công".
Bằng lối hỏi-đáp, với những nội dung thiết thực, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm theo, bằng thực tiễn sinh động và kinh nghiệm lãnh đạo của mình, Bác Hồ đã khẳng định cơ sở lý luận, pháp lý của công tác dân vận và 3 câu hỏi ngắn gọn kèm theo các nội dung liên quan đến công tác dân vận.
Mở đầu tác phẩm, Bác Hồ khẳng định cơ sở lý luận, pháp lý vững chắc và nhất quán của công tác dân vận: "Nước ta là nước dân chủ/Bao nhiêu lợi ích đều vì dân/ Bao nhiêu quyền hạn đều của dân/ (...)/ Chính quyền từ xã đến Chính phủ Trung ương đều do dân cử ra/ Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên/ Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân". Dân là chủ thì các cơ quan nhà nước, Chính phủ Trung ương đến các cấp chính quyền địa phương đều là đầy tớ của dân. Từ năm 1952, Bác Hồ đã khẳng định: "Chính phủ Cộng hòa Dân chủ là gì? Là đầy tớ chung của dân, từ Chủ tịch toàn quốc đến làng. Dân là chủ thì Chính phủ phải là đày tớ. Làm việc ngày nay không phải là để thăng quan, phát tài. Nếu Chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi Chính phủ. Nhưng khi dùng đày tớ làm việc cho mình, thì phải giúp đỡ Chính phủ".
Trước khi đi xa, trong Bản Di chúc ngắn gọn của mình, Bác Hồ còn dặn dò: "Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. Ngày nay, trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, hướng tới "Dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh" càng cần phải thực hiện tốt hơn nữa công tác dân vận.
Trả lời câu hỏi Dân vận là gì? Bác Hồ viết: "Dân vận là vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân, để thực hành những công việc nên làm, những công việc Chính phủ và đoàn thể đã giao cho". Bác Hồ nhấn mạnh cụm từ "mỗi một người dân, không để sót một người nào". Bác Hồ cũng chỉ rõ phương pháp dân vận là "không thể chỉ dùng báo chương, sách vở, mít-tinh, khẩu hiệu, truyền đơn, chỉ thị mà đủ" mà "trước nhất phải tìm mọi cách giải thích cho mỗi một người dân hiểu rõ ràng: Việc đó là lợi ích cho họ và nhiệm vụ của họ, họ phải hăng hái làm cho kỳ được".
Tiếp đó, "điểm thứ hai là bất cứ việc gì đều phải bàn bạc với dân, hỏi ý kiến và kinh nghiệm của dân, cùng với dân đặt kế hoạch cho thiết thực với hoàn cảnh địa phương, rồi động viên và tổ chức toàn dân ra thi hành". Đồng thời, Bác Hồ đặc biệt chú ý nhắc nhở việc đôn đốc, theo dõi, kiểm tra, rút kinh nghiệm, phê bình, khen thưởng... Đối chiếu tư tưởng Hồ Chí Minh về định nghĩa công tác dân vận cũng như về phương pháp công tác với thực tiễn hiện nay thì vẫn có tổ chức, đơn vị, cá nhân cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu có một khoảng cách khá xa và còn nhiều bất cập. Khuyết điểm lớn nhất ở nhiều nơi, nhiều cấp là vận động chưa đến nơi, vẫn còn "để sót", thiên về dùng trong báo chương, khẩu hiệu, mít tinh mà thiếu giải thích, vận động, không kiểm tra, đôn đốc, tổng kết, rút kinh nghiệm, khen thưởng, động viên...
Trả lời câu hỏi "Ai phụ trách dân vận?", Bác Hồ nói rất chính xác, rõ ràng, đầy đủ: "Tất cả cán bộ chính quyền, tất cả cán bộ đoàn thể và tất cả hội viên của các tổ chức nhân dân (Liên Việt, Việt Minh,...) đều phải phụ trách dân vận". Như vậy, có nghĩa là tất cả cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên trong các tổ chức đảng, các cấp chính quyền, các đoàn thể chính trị-xã hội... đều "phụ trách dân vận" có nghĩa là phải làm công tác vận động quần chúng. Ngày nay, tuy mọi đối tượng cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên được phân công công việc khác nhau, thế nhưng công tác vận động quần chúng, nhân dân là trách nhiệm, là nghĩa vụ của tất cả mọi người. Đặc biệt, trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân thì công tác dân vận chuyển trọng tâm từ chức năng của các tổ chức, cấp ủy đảng sang các cấp chính quyền và cơ quan nhà nước.
Dân vận trong điều kiện hiện nay chính là bằng chế độ, chính sách phục vụ tốt cho dân, "Việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh" đồng thời là sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên. Ngày nay, trong thực tế vẫn còn phổ biến tình trạng mà 75 năm trước Bác Hồ đã chỉ ra là "Khuyết điểm to ở nhiều nơi là xem khinh việc dân vận. Cử ra một ban hoặc vài người, mà thường cử những cán bộ kém rồi bỏ mặc họ. Vận được thì tốt, vận không được cũng mặc. Những cán bộ khác không trông nom, giúp đỡ, tự cho mình không có trách nhiệm dân vận. Ðó là sai lầm rất to, rất có hại".
Trả lời câu hỏi: "Dân vận phải thế nào?", Bác Hồ đã đưa ra 6 tiêu chí của người làm công tác dân vận. Đó là “óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm". Điều này có nghĩa là cán bộ, đảng viên phải "thật thà nhúng tay vào việc chứ không phải nói suông, chỉ ngồi viết mệnh lệnh". Tất cả 6 giác quan trong công tác dân vận nói trên có mối quan hệ hữu cơ với nhau, tạo ra một thể thống nhất trong một cán bộ khi làm công tác dân vận. Cán bộ phải đáp ứng cả 6 tiêu chí như thế nghĩa là "Dân vận khéo". Cán bộ dân vận mà thực hành được 6 phong cách như vậy thì ở đâu, làm gì, dù khó khăn biết mấy nhưng "Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. Trải qua 75 năm, kiệt tác của Bác Hồ vẫn còn nguyên giá trị lý luận, thực tiễn và tính thời sự nóng hổi của công tác dân vận trong tình hình hiện nay.