Tiếp thêm động lực, khơi dậy tình yêu di sản văn hóa vùng dân tộc thiểu số

Trao truyền các giá trị di sản văn hóa truyền thống thông qua các lớp truyền dạy di sản văn hóa (DSVH) phi vật thể; đầu tư cơ sở vật chất, kinh phí duy trì các lớp truyền dạy, phát triển thành các đội, câu lạc bộ (CLB) văn hóa, văn nghệ... là những cách làm ý nghĩa đã và đang được các cấp, ngành chuyên môn của tỉnh quan tâm triển khai thực hiện thời gian qua.

Tiết mục hát then, đàn tính của các học viên lớp truyền dạy văn hóa phi vật thể tại xã Trấn Ninh, huyện Văn Quan biểu diễn báo cáo tại chương trình bế mạc

Tiết mục hát then, đàn tính của các học viên lớp truyền dạy văn hóa phi vật thể tại xã Trấn Ninh, huyện Văn Quan biểu diễn báo cáo tại chương trình bế mạc

Có dịp được tham gia một buổi tập luyện của lớp truyền dạy DSVH phi vật thể tại xã Trấn Ninh, huyện Văn Quan do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) tổ chức vào đầu tháng 12/2024, tôi mới cảm nhận hết niềm vui và tự hào về bản sắc dân tộc của bà con nơi đây. Dù học tập liên tục trong nhiều ngày nhưng các học viên của lớp đều sắp xếp thời gian, bố trí công việc để cùng đến luyện tập. Sau khoảng 1 tháng học tập, 35 học viên của lớp đã nắm được kiến thức, kỹ năng cơ bản và thực hành trình diễn tốt các loại hình văn hóa phi vật thể như: hát then, đàn tính, múa chầu, hát sli, hát lượn, hát phong slư…

Bà Hứa Thị Hằng, thành viên lớp truyền dạy cho biết: Trước đây, tôi cũng đã được nghe hát dân ca nhiều nhưng chưa hiểu sâu. Được học thành thục rồi, tôi thêm hiểu và yêu dân ca của dân tộc mình hơn. Thời gian tới, tôi sẽ đem hiểu biết của mình để hướng dẫn thêm những người cũng có chung niềm đam mê như tôi.

Được biết, lớp truyền dạy dân ca tại xã Trấn Ninh là lớp truyền dạy thứ 7 được các cơ quan, đơn vị chuyên môn của tỉnh, huyện tổ chức trên địa bàn huyện Văn Quan trong năm 2024. Ngoài ra, đã có 12 đội, CLB văn nghệ của các thôn được hỗ trợ kinh phí hoạt động với tổng số tiền trên 400 triệu đồng. Bà Lương Thị Hiền, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thông huyện cho biết: Các lớp truyền dạy dân ca được tổ chức không chỉ đơn thuần để truyền đạt kỹ năng trình diễn di sản mà thông qua đó nhằm giúp người dân thêm hiểu và thêm yêu bản sắc văn hóa văn hóa dân tộc mình. Các lớp học đã trở thành động lực lớn để các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đẩy mạnh hơn nữa công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Trong năm 2024, toàn huyện đã thành lập được 18 CLB văn hóa, văn nghệ; nâng tổng số CLB toàn huyện lên 80 CLB.

Cùng với huyện Văn Quan, những năm qua, các lớp truyền dạy DSVH phi vật thể được quan tâm tổ chức rộng khắp trên địa bàn tỉnh. Ông Phan Văn Hòa, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL cho biết: Để bảo tồn DSVH các dân tộc, trước tiên cần thực hiện bảo tồn từ yếu tố con người - chủ thể của di sản. Do đó, ngành thường xuyên quan tâm thực hiện chế độ chính sách cho các nghệ nhân người dân tộc thiểu số (DTTS), đồng thời tổ chức các lớp truyền dạy về DSVH phi vật thể cho người dân thuộc nhiều lứa tuổi tại cơ sở. Cùng đó, hỗ trợ kinh phí, cơ sở vật chất và nhân rộng các đội, CLB bảo tồn di sản tại cơ sở...

Được biết, thực hiện lồng ghép các đề án, dự án bảo tồn DSVH của tỉnh và các chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là Dự án 6 về “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch”, từ năm 2022 đến nay, các cơ quan, đơn vị chuyên môn từ tỉnh đến cơ sở đã tổ chức gần 100 lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, truyền dạy văn hóa phi vật thể tại các vùng đồng bào DTTS. Những lớp truyền dạy đa dạng về nội dung, phù hợp với đặc điểm và số dân tộc sinh sống trên từng địa bàn, tiêu biểu như: các lớp truyền dạy di sản múa sư tử mèo, hát then, sli, lượn của bà con người Tày, Nùng huyện Văn Quan, Bình Gia; lớp truyền dạy nghề thêu, dệt xã Hải Yến, truyền dạy sư tử mèo xã Gia Cát, huyện Cao Lộc, xã Đồng Bục, huyện Lộc Bình; lớp truyền dạy hát dân ca, làm sáo, kèn lá người Mông, huyện Tràng Định… Từ năm 2022 đến nay, toàn tỉnh đã có gần 100 đội, CLB văn hóa truyền thống được thành lập mới, nâng tổng số lên gần 300 đội, CLB văn hóa truyền thống; 507 thôn có đội văn hóa, văn nghệ truyền thống hoạt động thường xuyên, có chất lượng với trên 10.000 người DTTS tham gia.

Bên cạnh đó, ngành VHTT&DL đã hỗ trợ kinh phí hoạt động cho 192 thôn vùng đồng bào DTTS có đội văn nghệ truyền thống với số tiền từ 30 - 50 triệu đồng/đội, CLB; đặc biệt, đã có 26 nghệ nhân người DTTS được thụ hưởng chính sách hỗ trợ và được hỗ trợ nghiên cứu, sưu tầm và truyền dạy DSVH phi vật thể.

Nghệ nhân ưu tú Nông Văn Hiện, người dân tộc Nùng Phàn Slình, thôn Hợp Tân, xã Gia Cát, huyện Cao Lộc cho biết: Nhờ sự hỗ trợ của các cấp, ngành, tôi có thêm động lực để tiếp tục công việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống. Hiện nay, tôi đang tiếp tục mở lớp truyền dạy múa sư tử mèo cho thanh niên tại địa phương. Tôi hy vọng rằng, thông qua những lớp học này, DSVH dân tộc sẽ sống mãi với thời gian.

Từ xa xưa, những thế hệ đi trước đã biết trao truyền để văn hóa dân gian luôn là một dòng chảy trong tiến trình lịch sử. Ngày nay, với cuộc sống hiện đại, truyền dạy vẫn luôn là một cách làm thiết thực, cần được quan tâm, khuyến khích, để những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc tiếp tục trường tồn và phát triển mãi đến những thế hệ sau.

TUYẾT MAI

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/lang-son-tiep-them-dong-luc-khoi-day-tinh-yeu-di-san-van-hoa-vung-dan-toc-thieu-so-5031959.html
Zalo