Tiếp sức cho nông nghiệp bằng chính sách thuế
Chính sách miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp (SDĐNN) tiếp tục được Chính phủ đề xuất kéo dài đến hết năm 2030. Điều này thể hiện sự nhất quán trong chủ trương hỗ trợ nông dân, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng cho rằng, để chính sách này phát huy hiệu quả cao hơn, cần hoàn thiện cơ chế, tránh hỗ trợ dàn trải và lãng phí nguồn lực.

Việc tiếp tục miễn thuế sẽ là hình thức hỗ trợ tài chính trực tiếp và thiết thực nhất cho người nông dân. Ảnh minh họa
Báo cáo tổng kết cho thấy số thuế được miễn, giảm có xu hướng tăng theo thời gian: Từ hơn 3.200 tỷ đồng/năm giai đoạn 2001-2010 lên hơn 6.300 tỷ đồng/năm giai đoạn 2011-2016, hơn 7.400 tỷ đồng/năm giai đoạn 2017-2020 và ước tính đạt khoảng 7.500 tỷ đồng/năm trong giai đoạn 2021-2023.
Tạo động lực đầu tư vào nông nghiệp
Ngày 13/5, thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng đã trình bày Tờ trình về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội liên quan đến việc tiếp tục kéo dài thời gian miễn thuế SDĐNN theo các quy định trước đây. Dự kiến, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết này vào ngày 27/6 tới. Nếu được thông qua, chính sách miễn thuế SDĐNN sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2026 đến hết ngày 31/12/2030.
Qua hơn 20 năm triển khai, chính sách miễn thuế SDĐNN đã được thực hiện nhất quán, ổn định và mang lại nhiều hiệu quả tích cực. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng khẳng định, việc tiếp tục miễn thuế đến năm 2030 sẽ là hình thức hỗ trợ tài chính trực tiếp và thiết thực nhất cho người nông dân. Số tiền được miễn sẽ giúp nông dân đầu tư sản xuất, mở rộng quy mô canh tác, cải thiện thu nhập và nâng cao chất lượng sản phẩm. Đồng thời, chính sách cũng tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng bền vững.
Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, việc miễn thuế đến hết năm 2030 phù hợp với chu kỳ sản xuất của nhiều loại cây trồng, nhất là cây lâu năm và hỗ trợ người dân yên tâm canh tác, ổn định kế hoạch đầu tư. Bên cạnh đó, chính sách còn giúp thực hiện các cam kết hợp tác, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ nông sản, đồng thời củng cố niềm tin vào đường hướng phát triển nông nghiệp hiện đại, hiệu quả.
Gắn miễn thuế với hiệu quả sử dụng đất
Mặc dù chủ trương miễn thuế SDĐNN được ủng hộ, nhiều ý kiến từ Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội cho rằng, chính sách hiện hành cần điều chỉnh để phù hợp với thực tiễn, tránh hỗ trợ dàn trải và thiếu hiệu quả. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi nhấn mạnh: Sau hơn 30 năm áp dụng, chính sách miễn thuế SDĐNN đã trở thành một chủ trương xuyên suốt và quan trọng. Tuy nhiên, do đang áp dụng đại trà, chính sách chưa phân biệt giữa các loại đất được sử dụng hiệu quả và đất bị bỏ hoang, sử dụng sai mục đích. Điều này có thể làm giảm động lực tích tụ ruộng đất, hạn chế hiệu quả sản xuất quy mô lớn và làm thất thoát tài nguyên đất đai ở một số địa phương.
Ủy ban này đề xuất cần đánh giá thực trạng sử dụng đất nông nghiệp trên toàn quốc, thiết kế lại chính sách miễn, giảm thuế theo hướng có điều kiện. Ví dụ, chỉ miễn thuế cho diện tích đất được sử dụng đúng mục đích, có đầu tư sản xuất thực tế; không áp dụng với diện tích bỏ hoang hoặc không phục vụ hoạt động nông nghiệp. Đồng thời, cần thực hiện cơ chế đánh giá định kỳ về tác động của chính sách đối với sản xuất, đời sống nông dân và hiệu quả sử dụng đất.
Một số chuyên gia kinh tế cũng kiến nghị kết hợp chính sách miễn thuế với các công cụ tài khóa và tài chính khác như: hỗ trợ tín dụng, bảo hiểm nông nghiệp, hoặc ưu đãi đầu tư hạ tầng sản xuất… nhằm tối ưu hóa nguồn lực ngân sách, tăng hiệu quả hỗ trợ và thúc đẩy chuỗi giá trị nông nghiệp phát triển toàn diện.
Mặc dù còn một số ý kiến khác nhau về phương thức triển khai song đa số đại biểu trong Ủy ban Kinh tế và Tài chính đều đồng thuận về sự cần thiết tiếp tục kéo dài chính sách miễn thuế SDĐNN thêm 5 năm nữa, đến hết ngày 31/12/2030. Theo các đại biểu, nếu dừng chính sách vào cuối năm 2025 như quy định hiện hành thì điều này sẽ tạo thêm gánh nặng chi phí cho người dân và doanh nghiệp, đồng thời gây xáo trộn chính sách, ảnh hưởng đến lòng tin và kế hoạch đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.
Tăng cường giám sát và hỗ trợ có chọn lọc
Theo Dự thảo Nghị quyết, Chính phủ sẽ được giao trách nhiệm hướng dẫn chi tiết việc thực hiện chính sách miễn thuế trong giai đoạn 2026-2030 nhằm đảm bảo hiệu quả quản lý nhà nước và hạn chế các trường hợp lợi dụng chính sách.
Trong bối cảnh ngành nông nghiệp đang chuyển mình theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao và ngày càng có nhiều doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư, việc duy trì chính sách ổn định là yếu tố then chốt. Miễn thuế SDĐNN là một phần trong hệ thống chính sách hỗ trợ cần thiết để khuyến khích dòng vốn đầu tư, đặc biệt vào các mô hình sản xuất quy mô lớn, liên kết chuỗi và áp dụng khoa học công nghệ.
Việc tiếp tục kéo dài miễn thuế SDĐNN cũng là một thông điệp rõ ràng về ưu tiên của Đảng và Nhà nước dành cho tam nông: nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Tuy nhiên, để chính sách này phát huy hiệu quả cao hơn, cần có những điều chỉnh mang tính chiến lược. Việc phân loại đối tượng được miễn thuế, gắn chính sách với hiệu quả sử dụng đất và kết hợp thêm các công cụ hỗ trợ tài chính sẽ giúp tối ưu hóa nguồn lực, tránh dàn trải và lãng phí. Theo giới chuyên gia, trong bối cảnh đất đai là tài nguyên hữu hạn có vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển nông nghiệp và bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, chính sách miễn thuế SDĐNN cần được thiết kế theo hướng chọn lọc, hiệu quả và công bằng hơn. Đồng thời, các Bộ, ngành và địa phương cần tăng cường giám sát, quản lý việc sử dụng đất nông nghiệp để bảo đảm đất thực sự phục vụ sản xuất, tránh tình trạng bị bỏ hoang hoặc sử dụng sai mục đích.
Chính sách miễn thuế SDĐNN không chỉ đơn thuần là hỗ trợ tài chính mà còn là công cụ thúc đẩy việc tái cơ cấu nông nghiệp, hỗ trợ nông dân vươn lên làm giàu từ chính mảnh đất của mình. Việc tiếp tục kéo dài miễn thuế SDĐNN đến năm 2030 là sự khẳng định nhất quán của Nhà nước về ưu tiên phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Tuy nhiên, để chính sách phát huy hiệu quả cao hơn, cần sớm đánh giá thực trạng sử dụng đất nông nghiệp và thiết kế các công cụ hỗ trợ có chọn lọc, tránh tình trạng hỗ trợ dàn trải, gây lãng phí nguồn lực. Đồng thời cần kết hợp giữa chính sách tài khóa và cơ chế khuyến khích đầu tư thông minh để hỗ trợ ngành nông nghiệp phát triển bền vững trong những năm tới./.