Tiếp nối văn hóa truyền thống của người Mông qua sợi lanh Lùng Tám

Nằm dưới chân núi Đôi, giữa thung lũng cao nguyên đá Đồng Văn (huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang) có một ngôi làng nhỏ ở xã Lùng Tám còn lưu giữ nghề dệt lanh truyền thống suốt hàng trăm năm qua. Đây là nghề dệt lanh thủ công lâu đời được lưu truyền, tiếp nối từ đời này sang đời khác và mang đậm bản sắc văn hóa của người Mông.

Những người thợ miệt mài tước lanh để làm sợi dệt vải. Ảnh: Thúy Hạnh

Những người thợ miệt mài tước lanh để làm sợi dệt vải. Ảnh: Thúy Hạnh

Đối với dân tộc Mông ở Lùng Tám, khung dệt là vật không thể thiếu trong mỗi gia đình. Để dệt nên một tấm vải lanh như ý, người thợ phải trải qua quá trình dài với 41 công đoạn làm thủ công. Những cây lanh dùng để lấy sợi, thường được trồng và chọn lựa rất kỹ. Từ trồng lanh, thu hoạch, bà con sẽ tuốt ra thành nhiều sợi nhỏ, ngâm nhuộm màu, dệt vải cho đến khi tạo thành nhiều sản phẩm đa dạng như quần áo, chăn, ví, khăn trải bàn..., tất cả sản phẩm đều là chất liệu lanh 100%. Mỗi tấm vải lanh đều chứa đựng nhiều tâm huyết và linh hồn của người phụ nữ Mông. Bởi họ coi lanh là biểu tượng của sự sống và bản sắc văn hóa của dân tộc mình.

Theo truyền thống, những phụ nữ Mông khi trưởng thành đều có một nương riêng để trồng lanh. Hiện nay, cuộc sống dù đã có nhiều thay đổi, nhưng những nương lanh vẫn quan trọng đối với người phụ nữ Mông. Hình ảnh những cô gái trong trang phục truyền thống ngồi bên khung dệt là hình ảnh quen thuộc ở Lùng Tám. Ngay từ khi mới chỉ 12-13 tuổi, người con gái Mông đã bắt đầu biết se sợi, dệt lanh và gắn bó với khung dệt vải lanh này cho đến già. Dệt lanh không chỉ thể hiện sự khéo tay, chăm chỉ, mà còn là tài năng, phẩm hạnh của người phụ nữ.

Độc đáo trong văn hóa của người dân tộc Mông được thể hiện qua các hoa văn in trên tấm vải lanh. Dệt lanh không chỉ đem lại thu nhập cho các gia đình, mà còn lưu giữ được bản sắc văn hóa của người Mông và gắn kết con người với nguồn cội, thiên nhiên. Người Mông coi sợi lanh là sự kết nối với thế giới tâm linh. Khi người Mông qua đời, họ tin rằng, linh hồn của họ sẽ trở về với tổ tiên, nguồn cội qua chiếc áo bằng vải lanh thuần khiết.

Bà Vàng Thị Mai, nghệ nhân dân gian ở thôn Hợp Tiến, xã Lùng Tám từng được Tạp chí Forbes bình chọn là “Phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam”. Bà cho biết: “Đồng báo Mông quan niệm, khi người phụ nữ Mông đi lấy chồng, cần phải có một bộ quần áo lanh để trước khi nàng dâu bước chân vào cửa, tổ tiên nhà chồng mới chấp nhận và lúc làm dâu nhà chồng sẽ không bị ốm đau. Nếu người phụ nữ Mông đã đi sang “thế giới bên kia” mà không có quần áo lanh, thì cả làng và dòng họ sẽ không làm ma và tổ tiên cũng không chấp nhận. Lanh Lùng Tám theo suốt cuộc đời người phụ nữ, từ khi còn trẻ đến khi về với tổ tiên”.

Từ những sợi lanh thoang thoảng mùi núi rừng, những phụ nữ Mông đã tạo nên tấm vải đa sắc màu. Không chỉ dệt vải, những người thợ nơi đây đều có kỹ thuật nhuộm mà khó có nơi nào sánh được. Việc nhuộm màu cũng rất đặc biệt, những người thợ sử dụng màu nhuộm tự nhiên từ lá cây rừng, như chè, ổi hay củ nâu mà không cần hóa chất công nghiệp. Sản phẩm dệt từ lanh khi hoàn thành sẽ cho độ bền cao, phần lớn được xuất khẩu ra thị trường nước ngoài.

Nhuộm màu là công việc vất vả và mất nhiều thời gian, đòi hỏi phải có tính kiên nhẫn cao. Muốn có màu chàm như ý, vải lanh phải được nhuộm nhiều lần trong nhiều ngày. Người thợ thường ngâm vải trong dung dịch màu vào khoảng một giờ đồng hồ mới vớt ra, rồi lại tiếp tục ngâm. Quy trình đó được lặp đi, lặp lại 5 đến 6 lần trước khi đem vải ra phơi. Sau khi khô, mảnh vải được mang vào ngâm tiếp, cứ như thế khoảng 8 đến 10 lần. Chính vì ngâm kỹ như vậy nên những màu sắc của những tấm vải lanh nơi đây có độ bền cao và luôn cho cảm giác tươi mới.

Người phụ nữ Mông không chỉ có kỹ thuật dệt, nhuộm lanh khéo léo, mà còn rất cầu kỳ trong việc tạo hoa văn trên tấm vải. Tùy theo nhu cầu và mục đích sử dụng mà người thợ có thể dùng sáp ong để vẽ, hoặc có thể sử dụng kỹ thuật thêu đắp chỉ để tạo những màu sắc, họa tiết khác nhau. Vẽ hoa văn trên vải lanh đòi hỏi người thợ phải có kỹ thuật và kinh nghiệm gia truyền. Những họa tiết, hoa văn trên tấm vải lanh thường rất đa dạng. Hoa văn sáp ong kể lại những câu chuyện về bản sắc văn hóa của dân tộc Mông và thể hiện cách nhìn của người Mông về vũ trụ với nhân sinh quan.

Những tấm vải lanh được những người phụ nữ làm thủ công rất cầu kỳ. Để phục vụ cuộc sống, qua đôi bàn tay và óc sáng tạo của người thợ đã tạo nên những bộ trang phục và các sản phẩm truyền thống rất đẹp và bắt mắt. Ông Nguyễn Đức Toàn, một du khách đến từ tỉnh Bình Thuận bày tỏ cảm nhận của mình về tấm vải lanh Lùng Tám: “Tôi cảm thấy những sản phẩm lanh ở đây rất chất lượng, với hoa văn rất đẹp và cầu kỳ. Tôi rất thích chúng”.

Tấm vải lanh không chỉ là vật chất, mà còn là bức tranh đời sống rất mộc mạc, nhưng đầy màu sắc độc đáo của người Mông nơi đây. Có thể khẳng định rằng, đối với đồng bào Mông ở nước ta nói chung và Hà Giang nói riêng, nghề trồng lanh và dệt vải mang ý nghĩa quan trọng trong đời sống và là minh chứng sinh động thể hiện sự tiếp nối văn hóa truyền thống, nhân sinh quan của người Mông qua sợi lanh trong dòng chảy hiện đại.

Thúy Hạnh

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/tiep-noi-van-hoa-truyen-thong-cua-nguoi-mong-qua-soi-lanh-lung-tam-post485758.html
Zalo