Tiếp nối truyền thống vẻ vang của Đảng, quyết tâm xây dựng Hà Nam phát triển nhanh, bền vững

Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930) ra đời là sự kiện đặc biệt quan trọng, đánh dấu mốc son chói lọi trên con đường phát triển của dân tộc Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhân dân ta đã đạt nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thực tiễn phong phú, sinh động của sự nghiệp cách mạng 95 năm qua đã chứng minh sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng, là nhân tố hàng đầu, quyết định mọi thắng lợi của dân tộc Việt Nam.

Đầu thế kỷ XX, thắng lợi của Cách mạng tháng Mười Nga (1917) cùng sự ra đời của Quốc tế Cộng sản (1919) đã đóng vai trò quan trọng trong việc truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam. Tháng 7/1920, qua đọc bản “Sơ thảo lần thứ nhất những Luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của Lênin, đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã tìm thấy con đường đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc; khi dự Đại hội XVIII Đảng Xã hội Pháp (12/1920), đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã tán thành việc thành lập Đảng Cộng sản Pháp và trở thành người cộng sản đầu tiên của dân tộc Việt Nam.

Giai đoạn 1921-1930, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc vừa hoạt động trong Đảng Cộng sản Pháp, vừa nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện tư tưởng cứu nước, tích cực truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào phong trào công nhân, phong trào yêu nước Việt Nam, lập Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên (1925), đào tạo cán bộ và chuẩn bị điều kiện tiến tới thành lập một Đảng vô sản ở Việt Nam.

Từ tháng 6/1929 đến 01/1930, trong nước có 3 tổ chức: Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng, Đông Dương Cộng sản Liên Đoàn được thành lập. Tuy nhiên, sự tồn tại của 3 tổ chức đảng cùng một lúc dẫn đến sự phân tán về lực lượng, tổ chức, không thống nhất về tư tưởng, hành động nên đòi hỏi phải thành lập một Đảng Cộng sản duy nhất ở Việt Nam. Từ 6/1 đến 7/2/1930, Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Ái Quốc (thay mặt Quốc tế Cộng sản) đã thống nhất các tổ chức cộng sản thành một đảng lấy tên Đảng Cộng sản Việt Nam. Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Chương trình tóm tắt, Điều lệ vắn tắt của Đảng… đã thể hiện rõ nét nội dung Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng, vạch ra đường lối lãnh đạo sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc ở Việt Nam.

Các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy chủ trì Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ngày 26 tháng 11 năm 2024. Ảnh: Thế Trang

Các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy chủ trì Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ngày 26 tháng 11 năm 2024. Ảnh: Thế Trang

Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời với Cương lĩnh chính trị đầu tiên mở ra thời kì mới cho cách mạng Việt Nam - thời kì đấu tranh giành độc lập dân tộc tiến lên chủ nghĩa xã hội. Cương lĩnh của Đảng ra đời đã xác định nội dung cơ bản của cách mạng Việt Nam; đáp ứng nhu cầu bức thiết của lịch sử, trở thành ngọn cờ tập hợp, đoàn kết, thống nhất các tổ chức cộng sản, lực lượng cách mạng và toàn thể dân tộc. Đặc biệt, chủ trương của Đảng: “Cách mạng Việt Nam là bộ phận của phong trào cách mạng thế giới” đã tranh thủ được sự ủng hộ của Quốc tế Cộng sản, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, đóng góp tích cực vào sự nghiệp đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, tiến bộ của nhân loại.

Sau khi ra đời, Đảng lãnh đạo nhân dân tiến hành ba cao trào cách mạng: Cao trào cách mạng 1930-1931, đỉnh cao là Xô Viết-Nghệ Tĩnh; Cao trào cách mạng đòi dân sinh, dân chủ (1936-1939); Cao trào cách mạng giải phóng dân tộc (1939-1945) có ý nghĩa to lớn đưa đến thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền tháng Tám năm 1945, phá tan sự thống trị của thực dân, phong kiến, đưa Việt Nam bước sang kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Ngày 02/9/1945, tại quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa, một Đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công và nắm chính quyền toàn quốc.

Những năm 1945-1946, Đảng, Bác Hồ tập trung lãnh đạo xây dựng, củng cố chính quyền, bầu cử Quốc hội; xây dựng Hiến pháp; thực hành sách lược khôn khéo, đưa cách mạng vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách. Tháng 12/1946, Đảng, Bác Hồ phát động toàn quốc kháng chiến và bằng đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, lâu dài, dựa vào sức mình là chính…, Đảng lãnh đạo nhân dân ta lần lượt đánh bại các kế hoạch chiến tranh của thực dân Pháp, giành thắng lợi mà đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.

Sau Hiệp định Giơnevơ (7/1954), Đảng tiếp tục lãnh đạo nhân dân ta tiến hành đồng thời cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam và cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc. Bằng đường lối lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt, tinh thần đấu tranh kiên cường của nhân dân ta, sự giúp đỡ to lớn của các nước xã hội chủ nghĩa, Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta lần lượt đánh bại các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ, giành thắng lợi vẻ vang mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Sau giải phóng miền Nam, đất nước gặp muôn vàn khó khăn, Đảng lãnh đạo nhân dân vừa khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội, vừa chiến đấu bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, vừa làm tròn nghĩa vụ quốc tế. Trong bối cảnh đó, việc duy trì lâu dài mô hình, cơ chế kinh tế tập trung bao cấp không còn phù hợp. Trước thách thức đó, Đảng đã tổng kết thực tiễn, hoạch định đường lối đổi mới. Tháng 12/1986, Đại hội VI của Đảng mở ra đường lối đổi mới toàn diện đất nước, tạo bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

Đầu năm 1991, trong bối cảnh mô hình chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô, Đông Âu sụp đổ, Đại hội VII của Đảng (6/1991) khẳng định: Tiếp tục đổi mới đồng bộ, triệt để với những bước đi, cách làm phù hợp, giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa. Đại hội thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, xác định quan điểm, phương hướng phát triển đất nước, khẳng định chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng.

Các nghị quyết của Đảng từ Đại hội VIII đến nay khẳng định sự kiên định, kiên trì thực hiện đường lối đổi mới đất nước, hội nhập quốc tế. Đảng từng bước hoàn thiện, cụ thể hóa định hướng đổi mới, xác định rõ trọng tâm từng giai đoạn; lãnh đạo Quốc hội không ngừng hoàn thiện, thể chế hóa Hiến pháp, hệ thống pháp luật, tạo cơ sở pháp lý ngày càng đồng bộ, phù hợp; lãnh đạo Chính phủ cụ thể hóa thành cơ chế, chính sách, giải pháp phát triển đất nước, bảo vệ Tổ quốc.

Gần 35 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, 40 năm thực hiện đường lối đổi mới, với ý chí độc lập, tự chủ, tự cường, khát vọng xây dựng, phát triển đất nước, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta quyết tâm xây dựng nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Từ một nước nghèo, bị bao vây, cấm vận, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, hội nhập sâu, rộng vào nền chính trị, kinh tế toàn cầu, nền văn minh nhân loại, đảm nhiệm nhiều trọng trách quốc tế. Độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững, lợi ích quốc gia, dân tộc được bảo đảm. Quy mô nền kinh tế tăng 96 lần so với năm 1986, thuộc “top 40” nền kinh tế hàng đầu, “top 20” quốc gia về quy mô thương mại, mắt xích quan trọng trong 16 Hiệp định thương mại tự do (FTA) gắn kết 60 nền kinh tế chủ chốt ở khu vực. Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao với 194 quốc gia, vùng lãnh thổ, quan hệ Đối tác chiến lược, Đối tác toàn diện với 30 nước, trong đó có toàn bộ thành viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và các nền kinh tế nhóm G7. Việt Nam cũng đã “về đích” sớm các mục tiêu Thiên niên kỷ. Tiềm lực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học - công nghệ, quốc phòng, an ninh không ngừng nâng cao; đóng góp tích cực duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực, thế giới. Từ Đại hội lần thứ I (1935) chỉ có 500 đảng viên, đến Đại hội XIII (2021) Đảng ta có hơn 5 triệu đảng viên, hơn 53.800 tổ chức cơ sở đảng. Những thành tựu vĩ đại, có ý nghĩa lịch sử trong gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước là kết quả của quá trình nỗ lực, phấn đấu liên tục của Đảng, phù hợp với thời đại và thực tiễn Việt Nam, khẳng định đường lối đổi mới của Đảng là đúng đắn, sáng tạo; sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

95 năm qua, cùng với những quyết sách, chiến lược đúng đắn, sáng tạo đưa cách mạng Việt Nam hướng đến thắng lợi, Đảng ta cũng không ngừng tự đổi mới, xác định xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, xuyên suốt. Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng XIII, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã thực hiện toàn diện, đồng bộ 10 nhiệm vụ xây dựng Đảng. Công tác tư tưởng tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, góp phần tạo sự thống nhất trong Đảng, đồng thuận xã hội; đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên. Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực với phương châm “không ngừng nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ”; công tác kiểm tra, giám sát được chú trọng, tăng cường, góp phần siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng. Những kết quả đó khẳng định bản lĩnh chính trị, sự vững vàng, kiên định, nhất quán của Đảng, Nhà nước, nhân dân; làm cho Đảng đoàn kết, vững mạnh, trong sạch hơn.

Trước yêu cầu nhiệm vụ của thời kỳ bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, đòi hỏi phải tiếp tục tăng cường hơn nữa công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức, cán bộ. Coi trọng tăng cường đoàn kết trong Đảng, lấy đoàn kết của Đảng làm cơ sở, nền tảng xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Thắt chặt mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân; phát huy truyền thống, sức mạnh đoàn kết, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, thực hiện thắng lợi sự nghiệp bảo vệ, xây dựng, phát triển đất nước.

Cùng với sự ra đời, trưởng thành của tổ chức đảng trong toàn quốc, phong trào yêu nước, phong trào đấu tranh cách mạng và sự hình thành, phát triển của tổ chức đảng ở Hà Nam cũng xuất hiện rất sớm. Từ cuối năm 1929, những chi bộ đảng đầu tiên của Hà Nam đã được thành lập ở Bình Lục, Duy Tiên, sau đó lan rộng ra khắp các huyện. Tháng 9/1930, Ban Tỉnh ủy lâm thời Hà Nam chính thức được thành lập, đánh dấu sự khởi đầu một giai đoạn xây dựng, trưởng thành, phát triển mới của cấp ủy, tổ chức đảng và phong trào cách mạng trên vùng đất sông Châu - núi Đọi, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc.

Hơn chín thập kỷ qua, các tổ chức đảng ở Hà Nam không ngừng phát triển. Từ chỗ chỉ có hơn 30 đảng viên, 9 chi bộ vào thời điểm thành lập Ban Tỉnh ủy lâm thời Hà Nam (9/1930), đến nay, Đảng bộ tỉnh Hà Nam đã có trên 52 nghìn đảng viên, 531 tổ chức cơ sở đảng.

Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đinh Thị Lụa trao Bằng khen của Ban Tuyên giáo Trung ương cho tập thể và cá nhân có thành tích tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Ảnh: Đức Huy

Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đinh Thị Lụa trao Bằng khen của Ban Tuyên giáo Trung ương cho tập thể và cá nhân có thành tích tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Ảnh: Đức Huy

Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức; song Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đạt nhiều kết quả tích cực; nổi bật là:

Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã quán triệt sâu sắc và triển khai thực hiện nghiêm túc, kịp thời các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định của Trung ương; đồng thời, tập trung cụ thể hóa, ban hành chương trình hành động, kế hoạch để tổ chức thực hiện bảo đảm hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương; lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện các nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy trên các lĩnh vực.

Chỉ đạo kịp thời tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 14/6/2024 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng; lãnh đạo các đảng bộ trực thuộc chuẩn bị một bước cho đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030. Chỉ đạo khẩn trương tiến hành tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” bảo đảm tiến độ, theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương. Lãnh đạo, chỉ đạo sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 bảo đảm tiến độ.

Làm tốt công tác tư tưởng tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong toàn Đảng bộ; tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; phòng ngừa và ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống; những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; đề cao trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền và các cơ quan, đơn vị, địa phương.

Tập trung xây dựng tổ chức đảng; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên được nâng lên. Năm 2024, toàn tỉnh kết nạp được 1.477 đảng viên mới (tăng 31,26% so với năm 2023). Chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát; kịp thời phát hiện và xử lý các tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm, với tinh thần "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai", góp phần giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật của Đảng, được dư luận, nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao.

Tiếp tục thực hiện tốt công tác dân vận; tuyên truyền, vận động cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân phát huy truyền thống của Đảng bộ, đoàn kết, thống nhất, đổi mới, sáng tạo, chủ động vượt qua mọi khó khăn, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Đẩy mạnh công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, cải cách tư pháp; thực hiện tốt công tác tiếp dân, giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo và đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân.

Chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân tỉnh; hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp trên các lĩnh vực được nâng lên. Hoạt động của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội có nhiều đổi mới, hướng về cơ sở; dân chủ được phát huy, khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố, tăng cường.

Kinh tế - xã hội tiếp tục phát triển; đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức 16/16 chỉ tiêu chủ yếu; tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 10,93% (đứng thứ 02 khu vực đồng bằng sông Hồng và đứng thứ 05 cả nước). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, đúng hướng. Thu cân đối ngân sách nhà nước đạt 19.663 tỷ đồng, tăng 40,7% so với năm 2023, vượt dự toán Trung ương giao 24%. GRDP bình quân đầu người đạt trên 109,8 triệu đồng (tăng 12,5% so với năm 2023). Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,51% (giảm 0,6% so với năm 2023).

Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tiếp tục phát triển. Hoạt động đối ngoại, xúc tiến thu hút đầu tư được quan tâm. Năm 2024 đã thu hút mới được 108 dự án (tăng 77% cùng kỳ năm 2023). Nhiều dự án lớn về đô thị, thương mại, dịch vụ được khởi công xây dựng, như: dự án Đô thị thời đại - Sun Urban City tại Phủ Lý, dự án Flamingo Golden Hill ở phường Ba Sao, Khách sạn 5 sao Legend Valley (thị xã Kim Bảng), Siêu thị Go! (Phủ Lý);… Thương mại - dịch vụ có bước phát triển. Hoạt động du lịch đạt kết quả cao; tổng số khách du lịch năm 2024 đạt 4,731 triệu lượt người (tăng 8,0% so với năm 2023). Tổng doanh thu từ du lịch ước đạt 3,657 tỷ đồng (đạt 110 % so với kế hoạch năm và tăng 8,1% so với năm 2023). Hà Nam tiếp tục được Tổ chức Du lịch Thế giới vinh danh là “Điểm đến Du lịch mới nổi hàng đầu châu Á” và “Giải thưởng thành tựu đặc biệt năm 2024”. Đây là vinh dự, thể hiện tiềm năng và sức hút của du lịch Hà Nam, là động lực quan trọng, tạo đà để du lịch Hà Nam tiếp tục bứt phá, đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến đầu tư một cách toàn diện, hướng đến du lịch xanh, bền vững trong thời gian tới.

Sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển ổn định. Chương trình xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu được đẩy mạnh, vượt kế hoạch đề ra; đến hết năm 2024, toàn tỉnh đã có 50/65 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.

Chương trình phát triển đô thị tiếp tục được đẩy mạnh; tỷ lệ đô thị hóa đạt 49,5%, vượt kế hoạch đề ra. Hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư đồng bộ, hiện đại. Hệ thống hạ tầng khung kết nối liên vùng được đầu tư xây dựng, tu bổ, nâng cấp; nhiều dự án giao thông trọng điểm, tạo kết nối liên vùng theo Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Quy hoạch tỉnh Hà Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt và công bố vào ngày 30/01/2024. Quy hoạch thể hiện “tư duy mới, tầm nhìn mới", phù hợp với chủ trương, đường lối phát triển của Đảng và Nhà nước, là cơ sở để tỉnh Hà Nam triển khai các định hướng chiến lược thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Khu Công nghệ cao Hà Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1541/QĐ-TTg ngày 10/12/2024. Ngày 14/11/2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết số 1288/NQ-UBTVQH15 “Về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của tỉnh Hà Nam giai đoạn 2023-2025”; thị xã Kim Bảng được thành lập.

Văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến. Chất lượng giáo dục được duy trì; Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2024, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp của học sinh Hà Nam đạt 99,6%, đứng thứ 9 toàn quốc về điểm bình quân chung. Công tác đào tạo nghề, chuyển đổi nghề cho người lao động được chú trọng, chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề được nâng lên; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 74,5%. Một số dự án nhà ở xã hội được triển khai. Công tác phòng, chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe Nhân dân được quan tâm. An sinh xã hội được bảo đảm, đời sống của Nhân dân được cải thiện. Quốc phòng, quân sự địa phương được tăng cường; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Công tác cải cách hành chính; chuyển đổi số đạt nhiều kết quả. Công tác tiếp dân, giải quyết đơn, thư của công dân được tập trung chỉ đạo; đã giải quyết các vụ việc ngay từ khi mới phát sinh, kịp thời xử lý các vi phạm qua thanh tra, kiểm tra, giữ vững ổn định tình hình.

Kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930-03/02/2025), Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Hà Nam nguyện tăng cường đoàn kết, thống nhất, phát huy tinh thần cách mạng, truyền thống quý báu, nỗ lực phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức các nhiệm vụ đã đề ra, lập thành tích cao nhất chào mừng đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV, tự tin cùng cả nước bước vào “kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc”.

ĐINH THỊ LỤA, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/chinh-tri/xay-dung-dang-chinh-quyen/tiep-noi-truyen-thong-ve-vang-cua-dang-quyeta-tam-xay-dung-ha-nam-phat-trien-nhanh-ben-vung-145590.html
Zalo