Năm 2025: Chuẩn bị tốt nhất cho 'gốc của mọi công việc'

Năm 2025 không chỉ đánh dấu tuổi 95 của Đảng cộng sản Việt Nam, mà còn là khoảng thời gian sẽ diễn ra chuỗi sự kiện chính trị đặc biệt quan trọng với tiến trình phát triển của đất nước.

TS. Nguyễn Văn Đáng cho rằng, năm 2025 không chỉ đánh dấu tuổi 95 của Đảng cộng sản Việt Nam và diễn ra chuỗi sự kiện chính trị đặc biệt quan trọng. (Ảnh: NVCC)

TS. Nguyễn Văn Đáng cho rằng, năm 2025 không chỉ đánh dấu tuổi 95 của Đảng cộng sản Việt Nam và diễn ra chuỗi sự kiện chính trị đặc biệt quan trọng. (Ảnh: NVCC)

Đó là đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV, dự kiến được tổ chức vào đầu Quý I năm 2026.

Như mọi kỳ đại hội Đảng, bên cạnh các chủ trương chính trị, tầm nhìn lãnh đạo và định hướng chính sách, thì mối quan tâm hàng đầu của người dân trong nước là đội ngũ nhân sự lãnh đạo các cấp. Trong đó, nhóm cán bộ lãnh đạo cấp chiến lược, đặc biệt là những nhân sự đảm nhiệm các vị trí chủ chốt của Đảng và Nhà nước, không chỉ cho nhiệm kỳ sắp tới, còn thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nêu quan điểm “cán bộ là cái gốc của mọi công việc… Muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Vị thế và vai trò quyết định của đội ngũ cán bộ đã được Bác Hồ luận giải hết sức đơn giản, dễ hiểu. Theo đó, cán bộ nói chung khác với những người bình thường ở chỗ họ “phải đại biểu cho lợi ích của dân tộc, của giai cấp” chứ “không được đại biểu cho lợi ích cá nhân”.

Diễn đạt theo ngôn ngữ hiện đại thì bổn phận và trách nhiệm chính trị hàng đầu với mỗi người cán bộ làm việc trong hệ thống chính trị ở nước ta là phải tư duy và hành động vì lợi ích chung. Đó là những lợi ích liên quan đến nhiều người mà tự bản thân họ không giải quyết được cho nên cần sự can thiệp của các cơ quan Nhà nước. Cũng có nghĩa, trước hết, người cán bộ Đảng và Nhà nước có trách nhiệm thì không được phép tư duy và hành động chỉ vì những lợi ích vị kỷ, thiển cận của bản thân mình, hay ê kíp, phe nhóm, cánh hẩu.

Cũng theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, người cán bộ có trách nhiệm sẽ phải luôn ý thức về vai trò cầu nối giữa quần chúng nhân dân với Đảng, với Nhà nước. Bởi lẽ, họ là những người “đem chính sách của Đảng, của Chính phủ giải thích cho dân chúng hiểu rõ và thi hành. Đồng thời đem tình hình của dân chúng báo cáo cho Đảng, cho Chính phủ hiểu rõ, để đặt chính sách cho đúng”. Vì thế, mỗi người cán bộ phải “nắm vững chính sách, đi đúng đường lối quần chúng, làm tròn nhiệm vụ”.

Trong ba tiêu chí nêu trên, rất đáng chú ý là yêu cầu nắm vững “đường lối quần chúng”. Theo Bác Hồ, người cán bộ sẽ nắm vững đường lối quần chúng khi họ “chẳng những phải chịu khó giải thích, tuyên truyền, cổ động mà còn phải bàn bạc với quần chúng, hỏi han ý kiến, gom góp sáng kiến của quần chúng. Lãnh đạo quần chúng, hoan nghênh quần chúng phê bình”. Nói cách khác, về bản chất, mỗi cán bộ sẽ tuân thủ nghiêm túc “đường lối quần chúng” nếu họ luôn tôn trọng nhân dân, lắng nghe và thấu hiểu nguyện vọng của nhân dân và hành động gắn bó mật thiết với lợi ích của nhân dân, của đất nước, của dân tộc.

Đặt trong lịch sử, truyền thống văn hóa và chính trị và trình độ phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam hiện nay thì quan điểm coi trọng yếu tố con người vẫn là một “chân lý nhất định”. Khác với người dân ở nhiều nước phát triển vốn quan tâm nhiều hơn đến những điều chỉnh thể chế hay chính sách, người dân Việt Nam hiện nay vẫn quan tâm hàng đầu đến phẩm chất, năng lực của cá nhân cán bộ lãnh đạo, quản lý để đưa ra nhận định về khả năng thay đổi tích cực của cơ quan, đơn vị, hay địa phương cũng như trên phương diện quốc gia.

Dưới lăng kính hiện đại, hệ thống thể chế chính trị ở nước ta được tổ chức và vận hành theo nguyên tắc “tập trung và thống nhất quyền lực” cũng củng cố thêm cho niềm tin vào vai trò quyết định của yếu tố con người, cụ thể là đội ngũ cán bộ, với sự thành hay bại trong quản trị cộng đồng. Cho dù đó là cấp độ địa phương hay cấp độ quốc gia, đặc trưng “quyền lực tập trung và thống nhất” của hệ thống chính trị khiến nguy cơ lạm quyền vụ lợi luôn hiện hữu. Vì thế, những cán bộ với các phẩm chất then chốt như: Đạo đức - Tài năng - Liêm chính sẽ trở thành những điểm tựa vững chắc nhất cho sự vận hành vì lợi ích chung của cả hệ thống chính trị.

Nhận thức rõ vai trò then chốt của đội ngũ cán bộ với sự nghiệp cách mạng và phát triển đất nước, các văn kiện đại hội Đảng gần đây luôn khẳng định “Công tác cán bộ là nhiệm vụ 'then chốt' của công tác xây dựng Đảng, có liên quan đến sự sống còn của Đảng và vận mệnh của chế độ”. Công tác nhân sự càng trở nên đặc biệt hơn khi thông điệp và quyết tâm đưa đất nước bước vào “kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” đã được lãnh đạo Đảng và Nhà nước tuyên bố công khai và nhận được sự ủng hộ rộng rãi của người dân trong nước cũng như sự quan tâm của bạn bè quốc tế.

Do đó, một nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Đảng trong năm 2025 là phải chuẩn bị tốt nhất cho cái “gốc của mọi công việc” sẽ được triển khai trong giai đoạn 2026 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tuy nhiên, đất nước trước ngưỡng cửa bước vào giai đoạn phát triển bứt phá, chúng ta cũng phải đối diện với một câu hỏi mà bấy lâu nay vẫn chưa có câu trả lời thấu đáo: Làm thế nào để có đội ngũ cán bộ tốt, không chỉ cho nhiệm kỳ sắp tới?

Hướng về tương lai với niềm tin tích cực nhưng chúng ta cũng không thể phớt lờ thực tế không mong muốn đã xảy ra trong thời gian gần đây. Quyết tâm xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nỗ lực bài trừ tham nhũng, tiêu cực đã khiến hàng vạn cán bộ, đảng viên bị xử lý, thậm chí bị truy tố trước pháp luật. Chính thực tế này buộc chúng ta phải suy nghĩ và hành động nghiêm túc hơn cho tương lai nhằm giảm thiểu tình trạng “quy trình đúng nhưng bổ nhiệm sai”, để lại nhiều hậu quả cho đất nước.

Từ nhiều thập kỷ trước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những suy nghĩ hết sức thuyết phục: “Làm việc nước bây giờ là hy sinh, là phấn đấu, quên lợi ích riêng mà nghĩ lợi ích chung. Những ai muốn làm quan cách mạng thì nhất định không nên bầu”. Đặt trong bối cảnh thế giới hiện đại, quan điểm của Bác Hồ vẫn hoàn toàn đúng đắn bởi lẽ, các cơ quan Nhà nước (hay khu vực công) không phải là nơi để cá nhân tìm kiếm và gia tăng lợi ích vật chất cho bản thân.

Thay vào đó, không cần đợi đến khi trở thành cán bộ lãnh đạo, quản lý mà ngay từ khi nộp hồ sơ xin việc tại các cơ quan Nhà nước, mỗi người cần ý thức rằng sự nghiệp mà họ sẽ theo đuổi là phục vụ cộng đồng, chứ không phải tìm kiếm lợi ích vị kỷ. Thay vào đó, Nhà nước có sự chính danh cao nhất để công nhận sự cống hiến của mỗi người cho sự phát triển của địa phương, của đất nước và dân tộc.

Cũng có nghĩa, lợi ích lớn nhất mà mỗi cá nhân có thể nhận được khi làm việc cho Nhà nước là những giá trị tinh thần chứ không phải vật chất. Đặc điểm này không chỉ đặt ra nhu cầu tiếp tục đổi mới quy trình công tác cán bộ theo hướng đề cao ý thức phụng sự, cống hiến, mà còn phải bảo đảm những người có năng lực và khát vọng cống hiến được lựa chọn, được trao cơ hội và được đáp ứng các điều kiện thuận lợi để thực hiện những điều mà họ mong muốn, theo đuổi.

TS. Nguyễn Văn Đáng

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/nam-2025-chuan-bi-tot-nhat-cho-goc-cua-moi-cong-viec-302913.html
Zalo