Tiếp nối truyền thống hộ quốc an dân
Những ngày qua, đồng bào Phật giáo cả nước và những người mến mộ Phật giáo đang hoan hỷ đón chào mùa Phật đản Phật lịch 2569 với nhiều hoạt động ý nghĩa.Đây là lần thứ 4 Việt Nam đăng cai tổ chức Vesak Liên Hợp quốc với sự kiện đặc biệt là cung thỉnh xá lợi Đức Phật đến Việt Nam và trưng bày xá lợi trái tim Bồ tát Thích Quảng Đức. Thượng tọa Thích Quảng Lộc, Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Tiền Giang chia sẻ về hoạt động chào mừng Đại lễ Phật đản Phật lịch 2569 tại tỉnh Tiền Giang.
* Phóng viên (PV): Thượng tọa có thể chia sẻ về ý nghĩa của Vesak năm 2025 do Việt Nam đăng cai tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh?

* Thượng tọa Thích Quảng Lộc: Có thể nói, đối với đồng bào Phật giáo Việt Nam thì mùa Phật đản năm nay là thiêng liêng và đáng ghi nhớ nhất. Bởi đây là lần đầu tiên trong lịch sử, xá lợi Đức Phật được cung thỉnh tới Việt Nam, nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa Chính phủ Việt Nam, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Chính phủ Ấn Độ và các tổ chức Phật giáo quốc tế.
Cụ thể, vào ngày 2-5 vừa qua, xá lợi Đức Phật đã được cung thỉnh từ New Delhi, Ấn Độ, bằng chuyên cơ quân sự C-130J-30, hạ cánh tại sân bay Tân Sơn Nhất (TP. Hồ Chí Minh, Việt Nam) lúc 7 giờ 45 phút. Sau lễ đón, xá lợi được rước diễu hành đến Học viện Phật giáo Việt Nam, tôn trí tại chùa Thanh Tâm (TP. Hồ Chí Minh) và trưng bày tại chùa từ ngày 3 đến 8-5 để phật tử đến chiêm bái. Trưa ngày 8-5, xá lợi Đức Phật được cung tiễn từ chùa Thanh Tâm sang chùa Bà Đen, thuộc Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen, tỉnh Tây Ninh.
Theo kế hoạch, sáng ngày 13-5, xá lợi Đức Phật được cung tiễn từ chùa Bà Đen đến Hà Nội và tôn trí tại chùa Quán Sứ. Sau đó, từ ngày 17-5, chùa Tam Chúc (tỉnh Hà Nam) sẽ cung nghinh xá lợi Đức Phật từ chùa Quán Sứ đến tôn trí tại đây đến ngày 21-5 để tăng, ni, phật tử, du khách chiêm bái. Chiều ngày 21-5, tại chùa Tam Chúc sẽ diễn ra Lễ cung tiễn xá lợi Đức Phật, sau đó đưa xá lợi ra sân bay quốc tế Nội Bài (Hà Nội) để trở về Ấn Độ.
Cũng dịp này, một sự kiện vô cùng ý nghĩa nữa diễn ra chính là xá lợi trái tim của Bồ tát Thích Quảng Đức cũng được trưng bày tại Việt Nam Quốc tự (TP. Hồ Chí Minh) để tăng, ni, phật tử, du khách chiêm bái.
Ý nghĩa Vesak Liên Hợp quốc không chỉ là tôn vinh ba sự kiện thiêng liêng gồm Đản sinh, Thành đạo, Niết bàn của Đức Phật mà còn nhấn mạnh vai trò của Phật giáo trong việc kiến tạo hòa bình, giải quyết các thách thức toàn cầu và xây dựng một thế giới bền vững. Chủ đề của Vesak năm 2025 là “Đoàn kết và bao dung vì nhân phẩm con người - Tuệ giác Phật giáo vì hòa bình thế giới và phát triển bền vững”.
* PV: Chào đón mùa Phật đản năm nay, Phật giáo Tiền Giang có những hoạt động ý nghĩa gì, thưa Thượng tọa?
* Thượng tọa Thích Quảng Lộc: Chương trình tổ chức Phật đản năm nay không chỉ dừng ở một tuần lễ như hằng năm mà có thể gọi là mùa Phật đản, diễn ra từ mùng 1 đến ngày Rằm tháng 4 âm lịch. Trong mùa Phật đản này, như thường lệ, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các huyện, thị, thành và tại tất cả hơn 425 tự viện trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã có những chương trình hướng về cộng đồng vô cùng ý nghĩa như xây dựng nhà ở, cầu, đường, phát học bổng cho học sinh khó khăn… Chúng tôi làm sao để những người được thụ hưởng các chương trình an sinh xã hội này cảm nhận được rằng, ngày ra đời của Đức Phật là ngày an lạc của nhân thế.

Gần 6 tấn cá giống đã được phóng sanh tái tạo nguồn lợi thủy sản do Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Tiền Giang phối hợp với Chi cục Thủy sản, Sở Nông nghiệp và Môi trường thực hiện vào ngày 9-5.
Ngoài ra, trong tuần lễ Phật đản từ ngày 7 đến ngày 15-5, tại Văn phòng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Tiền Giang ở chùa Vĩnh Tràng còn có nhiều hoạt động ý nghĩa khác. Trong đó, Ban Trị sự đã khai mạc Tuần lễ “Ẩm thực chay 0 đồng” phục vụ người dân và phật tử gần xa. Việc tổ chức Tuần lễ “Ẩm thực chay 0 đồng” trong mùa Phật đản này, chúng tôi mong muốn gieo duyên ăn chay tốt cho sức khỏe và gửi gắm thông điệp yêu thương về việc ăn chay đến tất cả mọi người.
Ngoài ra, trong tuần lễ Phật đản, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh còn phối hợp với Chi cục Thủy sản, Sở Nông nghiệp và Môi trường tổ chức hoạt động phóng sanh để bảo vệ các loại thủy sản quý hiếm của Việt Nam có nguy cơ tiệt chủng; tổ chức Đoàn trang trọng đến viếng Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh để dâng lên Anh hùng liệt sĩ đã vị quốc vong thân nén hương trong mùa Phật đản. Đại lễ Phật đản Phật lịch 2569 sẽ được tổ chức trang nghiêm tại chùa Vĩnh Tràng vào sáng ngày Rằm tháng 4 âm lịch (nhằm ngày 12-5).
* PV: Qua ánh sáng của đoàn kết, bao dung và tuệ giác mà thông điệp Vesak năm 2025 lan tỏa, Thượng tọa gửi gắm thông điệp gì đến tăng, ni, phật tử trong tỉnh?
* Thượng tọa Thích Quảng Lộc: Ở Việt Nam, trong hành trình ngàn năm văn hiến đã có hình ảnh của đạo Phật. Vì vậy, trong hàng ngàn năm đó, các vị tiền bối Phật giáo đã đưa ra tông chỉ là hộ quốc an dân. Mãi đến ngày hôm nay, hoạt động của Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng không ngoài ý nghĩa này. “Đạo pháp - Dân tộc và chủ nghĩa xã hội” là mục tiêu duy nhất của Giáo hội Phật giáo Việt Nam hiện nay.

Mỗi ngày có hàng ngàn khách thập phương đến thưởng thức thực phẩm chay 0 đồng tại chùa Vĩnh Tràng trong tuần lễ Phật đản Phật lịch 2569.
Nhân dịp này, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Tiền Giang cũng đã nhắc nhở tăng, ni và phật tử phải biết trân quý những giá trị lịch sử để lại, noi bước tiền nhân hộ quốc an dân. Từ mấy tháng nay, chúng ta rất tự hào và tin tưởng tuyệt đối về công tác xây dựng của hệ thống Đảng, chính quyền và đặc biệt là chỉ đạo của Bộ Chính trị về tinh gọn bộ máy, cũng như thực hiện rất nhiều quyết sách mới mà lịch sử chưa từng có.
Đối với Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Tiền Giang, chúng tôi luôn làm việc tư tưởng với tăng, ni phải quán triệt sâu sắc vấn đề này. Mọi công việc của Đảng, Nhà nước đang làm cũng như Giáo hội chúng ta đang chuyển mình theo những đề án đó với mục tiêu duy nhất là để cho bá tánh có cuộc sống ấm no, hạnh phúc hơn.
Vì vậy, dù có sáp nhập hay không sáp nhập, dù ở cương vị nào thì cũng phải rõ mục tiêu chúng ta vào đời là để truyền bá chánh pháp chứ không phải bị gắn kết trong một ý nghĩa, một cái tên vùng miền nào hết. Chúng ta cố gắng, dù ai cũng có tâm tư nhưng hãy kiềm chế cái tâm tư của mình để làm sao gửi gắm vào niềm tin kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Phật giáo xưa nay đồng hành với dân tộc thì Phật giáo cũng phải có kỷ nguyên vươn mình của Phật giáo cùng dân tộc bằng việc làm trước mắt là chúng ta phải thống nhất, đồng thuận với những gì mà Đảng, Nhà nước đang làm, Giáo hội chúng ta cũng phải làm như vậy. Mong rằng tăng, ni và phật tử có cái khái niệm này, hiểu, cảm thông để cho những công việc lớn lao của Tổ quốc, của Giáo hội được thành công viên mãn.
* PV: Xin cảm ơn Thượng tọa!
THỦY HÀ
(thực hiện)