Tiếp nối, nhân lên mạch nguồn văn hóa xứ Thanh

Có câu nhìn vào kinh tế để nể, còn nhìn vào văn hóa để trọng. Trong giai đoạn phát triển hiện nay nhiều địa phương đã khai thác tốt những giá trị văn hóa, lấy văn hóa làm 'giá đỡ', chất dẫn truyền để phát triển kinh tế, mở rộng quan hệ ngoại giao.

Đánh giá, nhìn nhận về tầm quan trọng của văn hóa, từ buổi ban đầu, trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng năm 1930, Đảng ta đã đề cập đến vấn đề phát triển văn hóa, con người. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đánh giá toàn diện kết quả công tác, bài học kinh nghiệm của những nhiệm kỳ trước, trong đó, phát triển văn hóa, con người Việt Nam là một trong những nội dung đặc biệt quan trọng trong định hướng phát triển đất nước trong thời kỳ mới. Quan điểm của Đảng ta là phát triển văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội; đầu tư cho văn hóa, con người là đầu tư để phát triển nhanh và bền vững. Nhiều chuyên gia cũng khẳng định, muốn phát triển kinh tế, trước tiên phải đẩy mạnh xây dựng văn hóa.

Những năm gần đây, Thanh Hóa đang nổi lên không chỉ là địa phương điểm sáng phát triển kinh tế, mà còn được biết đến bởi những giá trị văn hóa, công trình văn hóa, phong trào xây dựng đời sống văn hóa tầm cỡ, có sức lan tỏa, người dân xứ Thanh thân thiện, quả cảm... Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015-2020 đã xác định nhiệm vụ: “Phát triển văn hóa, xây dựng hình ảnh đẹp về mảnh đất và con người Thanh Hóa trong lòng bạn bè trong nước và quốc tế”; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX cũng đặt ra yêu cầu: “Phát triển mạnh văn hóa, thể thao, tạo nền tảng để Thanh Hóa trở thành một trong những trung tâm lớn về văn hóa, thể thao của khu vực và cả nước”.

Đến nay, công tác xây dựng, phát triển văn hóa, con người Thanh Hóa nhìn chung đã có rất nhiều nỗ lực, nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, kỳ vọng và yêu cầu của tỉnh. Phát triển văn hóa, con người chưa có định hướng lớn đồng bộ và mang tính dài hạn; chưa khai thác và phát huy tốt sức mạnh của cộng đồng trong xây dựng và phát triển văn hóa trở thành ý chí, quyết tâm của cả hệ thống chính trị và toàn dân. Nhiệm vụ này vẫn tiếp tục đặt ra những yêu cầu cao hơn trong giai đoạn phát triển hiện nay.

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế và kế thừa, phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp, truyền thống lịch sử, cách mạng của quê hương, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa của dân tộc và nhân loại; xây dựng, phát triển toàn diện văn hóa, con người, trở thành động lực, sức mạnh nội sinh thúc đẩy Thanh Hóa phát triển nhanh và bền vững, ngày 4/7/2024 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 17-NQ/TU về tiếp tục xây dựng, phát triển văn hóa và con người Thanh Hóa trong thời kỳ mới.

Một sự tiếp nối mạch nguồn văn hóa, nhiệm vụ phát huy các giá trị văn hóa và con người Thanh Hóa trong giai đoạn phát triển mới đã bắt đầu. Trên cơ sở nhiệm vụ đề ra tại nghị quyết, đòi hỏi các ngành, địa phương, đơn vị phải quán triệt đầy đủ các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp chủ yếu, xây dựng kế hoạch cụ thể triển khai từng mục tiêu, nhiệm vụ. Dành nguồn lực đầu tư thỏa đáng cho văn hóa, gồm cả việc tăng mức đầu tư, hỗ trợ của ngân sách Nhà nước cũng như kêu gọi sự vào cuộc tích cực của Nhân dân, để văn hóa thực sự trở thành động lực thúc đẩy tỉnh Thanh phát triển.

Lam Vũ

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/tiep-noi-nhan-len-mach-nguon-nbsp-van-hoa-xu-thanh-218789.htm
Zalo