Thí điểm mua bán điện mặt trời mái nhà: Đừng đánh giá thiếu xây dựng, khiến dư luận hiểu sai bản chất

Thông điệp về thí điểm mua bán điện mặt trời mái nhà khá rõ ràng, thế những vẫn xuất hiện những phân tích, đánh giá thiếu tính xây dựng với mục đích câu view.

Thông điệp rõ ràng và cầu thị

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về nhiệm vụ xây dựng Nghị định quy định cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN), thời gian qua, Bộ Công Thương đã tập trung nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện dự thảo Nghị định trên cơ sở tuân thủ đầy đủ, đúng quy định Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà.

Cụ thể, thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại Thông báo số 278/TB-VPCP ngày 24/6/2024 của Văn phòng Chính phủ, ngày 01/7/2024 Bộ Công Thương đã có báo cáo số 163/BC- BCT để báo cáo và giải trình ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà. Báo cáo số 163/BC- BCT Bộ Công Thương đã thể hiện quan điểm chưa xem xét giá mua bán điện dư trong thời điểm hiện nay vì: mục tiêu ĐMTMN để nhằm mục đích tự sản, tự tiêu cho chính tổ chức, cá nhân.

Tuy nhiên với mong muốn khuyến khích phát triển điện sạch, trong đó có ĐMTMN, Phó Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Công Thương nghiên cứu thí điểm việc sản xuất điện dư không dùng hết thì được bán lên lưới điện quốc gia không quá 10% tổng công suất. (Văn bản số 4844/VPCP-CN ngày 10/7/2024 của Văn phòng Chính phủ)

Ngay sau khi nhận được Văn bản số 4844, Bộ Công Thương đã triển khai và mời các Bộ Tư pháp (cử chuyên viên tham dự), Bộ Tài chính (Bộ Tài chính không tham dự) và Tập đoàn Điện lực Việt Nam họp tại trụ sở của Bộ. Trên cơ sở tiếp thu các ý kiến, Bộ Công Thương đã đề xuất 3 phương án gồm:

- Phương án 1: ĐMTMN tự sản, tự tiêu sẽ bị khống chế công suất phát điện dư lên lưới điện quốc gia không quá 10% công suất lắp đặt, việc này có thể thực hiện bằng giải pháp lắp đặt bổ sung thiết bị điều khiển công suất phát (Limit export).

- Phương án 2: ĐMTMN tự sản, tự tiêu được thanh toán 10% sản lượng điện trên tổng sản lượng điện dư phát lên lưới điện quốc gia được ghi nhận bởi hệ thống đo đếm điện năng mua bán với khách hàng.

- Phương án 3: ĐMTMN tự sản, tự tiêu được thanh toán 10% sản lượng trên tổng sản lượng điện khách hàng mua từ lưới điện quốc gia được ghi nhận bởi hệ thống đo đếm điện năng mua bán với khách hàng.

Tại từng phương án, Bộ cũng đã đưa ra các phân tích, so sánh, đánh giá và các đề xuất sao cho vừa đảm bảo an toàn cho Hệ thống điện quốc gia, sự tiếp nhận của lưới điện, vừa phù hợp với khả năng, lợi ích của các bên tham gia như Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và chủ đầu tư ĐMTMN và toàn xã hội; đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành và chỉ đạo của Chính phủ.

Như vậy từ quan điểm, dự thảo ban đầu, Bộ Công Thương đã cầu thị lắng nghe, tiếp thu ý kiến của các chuyên gia, doanh nghiệp và dư luận. Cụ thể đã nêu rõ giai đoạn đầu là không mua bán, giai đoạn sau sẽ mua ĐMTMN phù hợp với điều kiện phát triển của hệ thống; sửa đổi một số thuật ngữ, bổ sung, giải thích rõ hơn về dự thảo để tránh sự hiểu lầm của dư luận; Đồng thời thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ.

Cần tránh câu chữ gây hiểu sai lệch vấn đề

Có thể khẳng định, thông điệp trong dự thảo cũng như việc thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ về một chính sách quan trọng về ĐMTMN là khá rõ ràng, thế nhưng trên một số phương tiện thông tin đại chúng vẫn xuất hiện những câu chữ như “quay xe”, thậm chí cho rằng nhận thức và góc nhìn của người tham gia soạn thảo nên dự thảo Nghị định vẫn theo kiểu “nắm dao đằng chuôi” trong khi nội dung vẫn chỉ là phản ánh theo cơ quan chức năng…

Việc sử dụng những câu từ như trên có thể dẫn dắt dư luận hiểu sai lệch bản chất vấn đề, cho rằng Bộ Công Thương tự ý quyết định chính sách trong khi quy trình xây dựng văn bản pháp luật đã được tuân thủ; Dự thảo Nghị định đã được lấy ý kiến rộng rãi, công khai của cả cơ quan quản lý nhà nước, các chuyên gia, doanh nghiệp, người dân và cộng đồng xã hội. Vì thế cho rằng Bộ Công Thương “quay xe” là hoàn toàn không có cơ sở, cách đánh giá, nhìn nhận thiếu tính xây dựng.

Với những cơ chế, chính sách có ảnh hưởng lớn tới nhiều doanh nghiệp, người dân, thậm chí là cả đất nước thì việc xây dựng cần được nghiên cứu kỹ lưỡng trên cơ sở khoa học, kinh nghiệm trong, ngoài nước và đặc biệt là phù hợp với tình hình thực tiễn của Việt Nam, đảm bảo hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia, phù hợp với quy định của pháp luật, cao hơn là lợi ích của quốc gia, dân tộc. Cơ chế, chính sách khi ban hành cần mang tính thực tế, hạn chế kẽ hở để lợi dụng, tiêu cực hay lãng phí nguồn lực xã hội. Bài học nhỡn tiền từ một số quy định về điện năng lượng tái tạo, trong đó có điện mặt trời mái nhà thời gian qua cũng đã để lại hậu quả mà chúng ta đang phải giải quyết.

Nhiều ý kiến cho rằng, trong bối cảnh thông tin, mạng xã hội phát triển nhanh chóng, khó kiểm soát… thì các thế lực thù địch đang tìm mọi cách, mọi thủ đoạn để chống phá Đảng, Nhà nước trên mặt trận thông tin, vì thế việc giật tít câu view càng tạo cơ hội cho chúng đả kích, phê phán về các cơ chế chính sách phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Vũ Sơn

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/thi-diem-mua-ban-dien-mat-troi-mai-nha-dung-danh-gia-thieu-xay-dung-khien-du-luan-hieu-sai-ban-chat-332206.html
Zalo