Tiếp nối bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam trong kỷ nguyên mới
Từ chỗ bị bao vây cấm vận, sau 50 năm, Việt Nam đã hội nhập sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực, có quan hệ đối tác toàn diện và chiến lược với hơn 30 nước.
Theo nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Vinh, với mục tiêu phát triển, hội nhập cao hơn trong kỷ nguyên mới, ngoại giao Việt Nam tiếp tục đóng vai trò quan trọng.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Đại sứ Phạm Quang Vinh.
Tất cả đều có thể là bạn
Vị thế Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao, đó là điều mà ai cũng có thể thấy rất rõ. Tuy nhiên, có lẽ ít người hình dung được ngoại giao Việt Nam đã trải qua những gì, nhất là những năm đầu sau chiến tranh?
Những năm đầu khi vừa kết thúc chiến tranh, chúng ta rất khó khăn về kinh tế, lạm phát lên tới 800%. Dù là đất nước nông nghiệp nhưng chúng ta thậm chí chưa dám nghĩ đến chăn nuôi, nói gì đến hội nhập thế giới.
Đến những năm 80, tôi có một nhiệm kỳ (1987-1990) ở Liên hợp quốc và cảm nhận rõ thực tế các nước vẫn chưa bình thường hóa quan hệ với Việt Nam. Cán bộ ngoại giao ở Liên hợp quốc vì nằm trong danh sách thù địch của Mỹ nên chỉ được đi lại trong bán kính 25 dặm.
Đến năm 1986, chúng ta quyết tâm đổi mới chính sách ngoại giao từ bạn – thù sang làm bạn với tất cả các nước, đa dạng hóa quan hệ. Đây là sự chuyển động rất lớn về tư duy đối ngoại, khi chúng ta nhìn nhận tất cả các nước đều có thể là bạn, mọi vấn đề đều có thể xử lý trên nguyên tắc quốc tế.
Tiếp đó là khoảng giữa những năm 1990, Việt Nam bắt đầu có quan hệ quốc tế rộng và sâu hơn. Giai đoạn này, tôi tiếp tục có một nhiệm kỳ tại Phái đoàn của Việt Nam ở Liên hợp quốc (1996-1999) và may mắn được chứng kiến vị thế Việt Nam đã rất khác.
Chúng ta bắt đầu bình thường hóa quan hệ với các nước lớn, sẵn sàng tham gia vào các cơ chế của Liên hợp quốc, đặc biệt là trở thành thành viên ASEAN. Đây là cơ hội để tập sự, qua đó vững tin hội nhập với thế giới.
Theo ông, giai đoạn Việt Nam bắt đầu hội nhập sâu rộng với thế giới là khi nào?
Từ giai đoạn 1996 đến nay, Việt Nam hội nhập sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực, tham gia các diễn đàn đa phương, quan hệ đối tác toàn diện và chiến lược với hơn 30 nước. Trong đó tất cả các đối tác chủ chốt ở khu vực, các nước lớn đều ở mức chiến lược.

Ông Phạm Quang Vinh khi là Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Hoa Kỳ trình quốc thư lên Tổng thống Barack Obama (Ảnh chụp vào tháng 2/2015).
Tính riêng về đối tác chiến lược toàn diện, Việt Nam đã có quan hệ với 12 quốc gia và nhận được sự đánh giá rất cao từ các nước.
Chúng ta cũng đảm nhận nhiều vai trò Chủ tịch trong các cơ chế của APEC, ASEAN và các tổ chức khác nhau của Liên hợp quốc. Đáng kể nhất là hai lần làm Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an, tham gia cử quân vào phái bộ của Liên hợp, cứu trợ động đất, thảm họa thiên tai ở Thổ Nhĩ Kỳ, Myanmar…
Riêng về kinh tế, đến nay có mạng lưới 17 Hiệp định thương mại tự do (FTA) bao quát hầu hết các đối tác quan trọng nhất; tham gia các FTA thế hệ mới với tiêu chuẩn cao hơn như RCEP, EVFTA, CPTPP…
"Dĩ bất biến, ứng vạn biến"
Nhiều năm qua, ngoại giao luôn được đánh giá là điểm sáng trong thành tựu chung của đất nước. Theo ông, điều gì đã làm nên thành công này?
Đầu tiên phải nói đến chính sách đối ngoại đúng đắn, dựa trên nguyên tắc căn bản trong quan hệ quốc tế. Đó là tôn trọng độc lập chủ quyền, thúc đẩy hòa bình, hợp tác phát triển; xử lý các vấn đề tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế; tăng cường hiểu biết, tôn trọng lẫn nhau.
Thứ hai là kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại. Trong đó, quan trọng nhất là phát huy được sức mạnh tổng hợp từ "sức mạnh cứng" và "sức mạnh mềm" để thế giới biết đến Việt Nam không chỉ ở hiện tại mà còn ở chiều sâu văn hóa, lịch sử phát triển của đất nước.
Một yếu tố căn bản phải kể đến là chính sách đổi mới và thành quả của đổi mới. Nếu không có đổi mới, chúng ta không thể đủ nội lực để hội nhập với thế giới. Đơn cử, khi kinh tế không phát triển, không bắt kịp thế giới thì ta không thể hội nhập. Nếu không có đủ lực, làm sao chúng ta có thể tham gia Hội đồng Bảo an và nhiều diễn đàn quan trọng của Liên hợp quốc.
Cuối cùng, trong quan hệ quốc tế, bao giờ cũng có hai mặt thuận và nghịch, đòi hỏi chúng ta phải "biết mình, biết người", "dĩ bất biến, ứng vạn biến" để thích ứng với mọi tình huống.
Tình hình thế giới luôn có những biến động bất ngờ, phức tạp và ngày càng khó lường. Trong hoàn cảnh đó, bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam đã được thể hiện như thế nào qua chính sách ngoại giao, thưa ông?
Điều đầu tiên chúng ta luôn làm là nắm thông tin, dự báo chiến lược để thấy được chiều hướng của quan hệ quốc tế, chiều hướng diễn biến sự việc để đề ra nguyên tắc hành động từ trước khi sự việc xảy ra.

Ông Phạm Quang Vinh có hai nhiệm kỳ tại Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc (New York).
Tiếp đó là vận dụng lợi ích quốc gia và nguyên tắc trong quan hệ quốc tế để xử lý những diễn biến bất ngờ. Ví dụ, khi có xung đột ở Trung Đông hay Ukraine, bao giờ chúng ta cũng phải tuân thủ nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, hòa bình, ổn định, hợp tác phát triển.
Dựa trên luật pháp quốc tế, chúng ta cân nhắc diễn biến, tính toán đến các yếu tố để cân đo đong đếm.
Chúng ta ủng hộ nguyên tắc của Liên hợp quốc nhưng đồng thời phải ủng hộ yêu cầu chính đáng về an ninh của các bên liên quan, mong muốn các bên giải quyết trên nguyên tắc hòa bình. Khi bỏ phiếu, tùy vào nội dung để thể hiện quan điểm bằng lá phiếu thuận/chống hay phiếu trắng.
Đất nướcđang trên hành trình bước vào kỷ nguyên mới. Theo ông, đâu là những thách thức mà ngoại giao Việt Nam sẽ phải đối mặt và vượt qua?
Mục tiêu đặt ra cho giai đoạn 2030 - 2045 là rất cao và thời gian đã rất sát, đòi hỏi phải nỗ lực hơn rất nhiều.
Thách thức trước mắt là phải ứng xử với những biến động của thế giới như chuyện cạnh tranh nước lớn, thuế quan, chuỗi cung ứng đứt gãy…
Nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn nên trước những vấn đề như trên, cần có những phản ứng kịp thời, đúng đắn. Hành động của chúng ta thời gian qua cho thấy sự chủ động, tích cực để ứng phó với mọi kịch bản.
Về lâu dài, Việt Nam đang đặt ra các mục tiêu phát triển, hội nhập cao hơn. Như Tổng Bí thư Tô Lâm từng nói, hội nhập quốc tế là "đặt đất nước vào dòng chảy chính của thời đại, đập cùng nhịp đập, thở cùng hơi thở của thời đại", gia tăng sức mạnh của mình thông qua việc gắn kết với thế giới.
Đảng đã đề ra chủ trương hội nhập quốc tế toàn diện để mở rộng quan hệ, tranh thủ nguồn lực bên ngoài nhằm phát triển kinh tế và nâng cao vai trò, vị thế của quốc gia.
Với thành quả 40 năm đổi mới và những nỗ lực cải cách hiện nay, tôi tin Việt Nam có thể vươn lên, tiếp tục phát huy vai trò, bắt kịp và vượt qua thách thức trong kỷ nguyên mới.
Cảm ơn ông!
Đại sứ Phạm Quang Vinh là nhà ngoại giao kỳ cựu, từng giữ chức Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, đồng thời là Trưởng SOM ASEAN của Việt Nam, là Đại sứ thứ năm của Việt Nam tại Hoa Kỳ (giai đoạn 2014 - 2018).
Đại sứ Phạm Quang Vinh có nhiều năm công tác tại Vụ Các Tổ chức Quốc tế, Bộ Ngoại giao, đơn vị phụ trách về quan hệ với LHQ trên các lĩnh vực; có hai nhiệm kỳ tại Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc (New York).