Tiếp lửa vinh quang - Bài 2: Bức thư 'thiêng' của liệt sĩ Thành cổ
Nhiều năm qua, bức thư của liệt sĩ Lê Văn Huỳnh trưng bày tại Bảo tàng Thành cổ Quảng Trị đem đến cho bao du khách tham quan niềm xúc động.
Nhiều năm qua, bức thư của liệt sĩ Lê Văn Huỳnh trưng bày tại Bảo tàng Thành cổ Quảng Trị đem đến cho bao du khách tham quan niềm xúc động. Thư không chỉ mang dự cảm thiêng liêng về ngày ra đi của liệt sĩ, còn thể hiện tinh thần, khí phách hiên ngang, anh hùng của người chiến sĩ Thành cổ.
Dâng trọn cuộc đời cho Tổ quốc
Liệt sĩ Lê Văn Huỳnh (quê ở huyện Kiến Xương, Thái Bình), từng tham gia chiến dịch 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị “mùa Hè đỏ lửa” năm 1972. Tháng 9/1972 - trước ngày hy sinh hơn 3 tháng, chiến sĩ Lê Văn Huỳnh khi đó đang tham gia chiến đấu ở chiến trường Thành cổ Quảng Trị, đã viết một bức thư gửi cho mẹ và người vợ ở quê. Trong thư chan chứa những lời tâm huyết, kèm theo dự cảm mình sẽ nằm lại trên mảnh đất này. Nhờ bức thư đó, sau ngày hòa bình, người thân đã tìm thấy hài cốt của liệt sĩ.
Nhiều du khách đến dâng hương tri ân liệt sĩ tại Thành cổ Quảng Trị, vào thăm bảo tàng - nơi trưng bày các hiện vật, tư liệu về trận chiến Thành cổ năm 1972 đều được nghe hướng dẫn viên giới thiệu về bức thư của liệt sĩ Lê Văn Huỳnh với những ngôn từ lắng đọng. Bức thư được trưng bày trong tủ kính, dài 10 trang giấy với 1.271 chữ.
Nội dung bức thư là những lời tâm huyết của chiến sĩ Lê Văn Huỳnh gửi về với mẹ, với vợ trước lúc hy sinh. Những dòng đầu bức thư thể hiện tâm thế bình tĩnh của người lính, sẵn sàng đón nhận sự hy sinh có thể xảy đến với mình: “Toàn gia đình kính thương! Hôm nay, con ngồi đây biên vài dòng chữ cuối cùng, phòng khi đã “đi nghiên cứu bí mật trong lòng đất”, thì gia đình khỏi thấy đó là điều đột ngột”.
Khi viết về mẹ, liệt sĩ Lê Văn Huỳnh bày tỏ niềm day dứt vì chưa báo đáp công ơn sinh thành đã phải ra đi: “Mẹ kính mến! Thư này tới mẹ là con đã đi xa rồi. Chắc mẹ đau buồn lắm. Lớn lên trong vòng tay mẹ từ khi còn trứng nước, chưa kịp báo đáp công ơn sinh thành, giờ con đi xa là để lại cho mẹ nỗi buồn nhất trên đời”. Đặc biệt, trong bức thư, liệt sĩ Lê Văn Huỳnh cũng nhắn nhủ mẹ đừng buồn, coi như “con đã sống trọn đời cho Tổ quốc mai sau”.
Đối với người vợ thân yêu, liệt sĩ Lê Văn Huỳnh cũng dành những tình cảm ân cần, sâu lắng: “… Em yêu thương. Mọi lá thư đến với em đều là nguồn động viên em khi xa anh. Song, lá thư này đến tay em sẽ là nỗi buồn lớn nhất. Chúng ta sống với nhau chưa được bao lâu, thì chiến tranh đã cướp đi của em biết bao yêu thương, trìu mến. Người ta lấy chồng thì được chiều chuộng mọi điều. Em chưa được hưởng diễm phúc ấy đã phải xa anh…”.
Đặc biệt, liệt sĩ còn hướng dẫn gia đình, nếu có điều kiện thì vào mang hài cốt của mình về quê hương: “Sau này hòa bình lập lại, nếu có điều kiện vào Nam, hãy mang hài cốt anh về. Đường đi như sau: Đi tàu vào thị xã Quảng Trị, qua sông Thạch Hãn là nơi anh đã hy sinh khi đưa hàng qua sông vào ngày 2/1/1973. Từ thị xã qua cầu, ngược trở lại, hỏi thăm thôn Nhan Biều. Em cứ đi đến đó, tính xuôi theo dòng nước thì ở cuối làng. Đến đó sẽ tìm thấy tấm bia ghi tên anh đục trên mảnh tôn…”.
Trong dòng người tham quan Thành cổ Quảng Trị, anh Lê Văn Hoàng (Hà Nội) xúc động khi nghe cán bộ thuyết minh về bức thư của liệt sĩ Lê Văn Huỳnh cũng như tinh thần anh dũng, quả cảm của chiến sĩ Thành cổ: “Bản thân tôi lớn lên sau ngày đất nước hòa bình, nhưng khi đến thăm Thành cổ Quảng Trị tôi mới hiểu được cuộc chiến tranh khốc liệt đến mức nào. Tôi càng hiểu được khí phách hiên ngang, anh hùng, tâm thế bình tĩnh trước hiểm nguy của người lính, dù khi đó mới tuổi đôi mươi. Với biết bao sự hy sinh, mất mát, tôi hiểu được giá trị của nền hòa bình, thống nhất hôm nay”, anh Hoàng bày tỏ.
Lan tỏa khí chất hiên ngang
Bức thư trên được xem như là bản “di chúc” của liệt sĩ Lê Văn Huỳnh để lại cho người thân trước khi ra đi. Nhiều năm sau, bức thư ấy mới được cộng đồng biết đến khi được đưa về trưng bày ở Bảo tàng Thành cổ. Người có vai trò trong việc phát hiện và thuyết phục gia đình liệt sĩ để đưa bức thư về trưng bày tại Thành cổ là ông Trần Khánh Khư (trú ở phường 2, thị xã Quảng Trị, Quảng Trị). Ông Khư nguyên là Trưởng ban Quản lý Di tích quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị (1998 - 2007).
Theo ông Trần Khánh Khư, năm 2002, nhân chuyến công tác ra Hà Nội, ông được một số cựu sinh viên chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị tổ chức chuyến đi về thắp hương liệt sĩ Lê Văn Huỳnh. Chuyến đi ý nghĩa trên trùng với dịp 49 ngày tìm thấy và đưa hài cốt của liệt sĩ từ Quảng Trị về quê hương. Trong nhóm có người trực tiếp chôn cất liệt sĩ sau khi anh hy sinh.
Sau khi viếng tại nghĩa trang và tham gia các nghi lễ ở nhà của liệt sĩ, mọi người ở lại dùng cơm cùng với gia đình. Ông Khư dò hỏi thì người thân mới tiết lộ về bức thư của liệt sĩ Lê Văn Huỳnh để lại. Bức thư được người thân cất giữ cẩn thận dưới bát hương trên bàn thờ. Đọc xong bức thư khiến người ông Khư “chùng lại, run lên, giọng có lúc nghẹn ngào”.
Nhận thấy thư này không chỉ đơn giản là thông tin gửi cho mẹ, cho vợ và những người thân mà còn là một vật kỷ vật linh thiêng nhất còn lại của liệt sĩ. Ông Khư cảm nhận rằng, ngoài những dòng tâm sự gửi cho gia đình, còn có một điều gì đó lớn hơn, thiêng liêng hơn mà liệt sĩ như muốn nhắn nhủ lại các thế hệ mai sau. Do đó, ông Khư mạnh dạn đề xuất với gia đình xin đưa bức thư về Thành cổ trưng bày.
“Đây là kỷ vật của liệt sĩ để lại với người thân. Nếu như gia đình lưu giữ thì đó chỉ là kỷ niệm riêng, còn nếu như đưa về Di tích Thành cổ Quảng Trị lưu giữ, thì chắc chắn bức thư sẽ được lan tỏa rộng hơn, sâu hơn và có ý nghĩa giáo dục lớn hơn cho các thế hệ mai sau”, ông Khư chia sẻ.
Được nhiều người cùng đi thuyết phục nên mẹ, vợ và anh trai liệt sĩ đã thuận tình để ông Khư đưa bức thư về Thành cổ trưng bày. Tuy nhiên, để trưng bày bức thư tại bảo tàng và công bố rộng rãi cũng không phải chuyện dễ dàng. Cuối năm 2002, nhân buổi lễ tất niên tại Thành cổ với sự có mặt của lãnh đạo Sở Văn hóa - Thông tin và thị xã Quảng Trị cùng cán bộ, nhân viên, ông Khư mang bức thư của liệt sĩ ra đọc. Mọi người nghe xong đều vô cùng xúc động.
Thời gian sau, vào mỗi lần đón khách đến viếng tại Thành cổ, ông Khư tranh thủ giới thiệu bức thư với các đoàn khách và chỉ đạo anh em hướng dẫn viên trong phần thuyết minh về Di tích Thành cổ, tranh thủ giới thiệu thêm về bức thư của liệt sĩ Lê Văn Huỳnh. Các đoàn khách đều rất cảm động, chăm chú lắng nghe từng câu, từng chữ. Nhiều người không cầm được nước mắt.
Ngoài bức thư của liệt sĩ Lê Văn Huỳnh, ở Bảo tàng Thành cổ cũng lưu những kỷ vật, lá thư của liệt sĩ Lê Binh Chủng, quê ở xã Quỳnh Mỹ (Quỳnh Lưu, Nghệ An). Vào cuối năm 2000, trong quá trình thi công nâng cấp một số hạng mục công trình tại khu di tích Thành cổ, công nhân phát hiện hầm ngầm kiên cố, với nắp bê tông dày tới 30cm, bị sập từ lâu. Khi các tấm bê tông được khoan cắt, đưa lên, người ta phát hiện 7 bộ hài cốt còn nguyên vẹn.
Đặc biệt, bộ hài cốt nằm tựa vào thành hầm vẫn đeo chiếc túi, trong đó chứa đựng những di vật và tài liệu quý giá: Sổ công tác, lý lịch đảng viên, các tài liệu và hai lá thư của vợ anh ký tên là Biển Khơi và một lá thư anh viết cho vợ nhưng chưa kịp gửi. Sau đó, các di vật được cho là của liệt sĩ Lê Binh Chủng, Trung úy, Chính trị viên phó Tiểu đoàn 3, Tỉnh đội Quảng Trị. Một lá thư chị gửi đề ngày 20/4/1972 thông báo họ đã có con trai. Lá thư cuối cùng chị gửi cho chồng ngày 15/5/1972, hiện được trưng bày tại Bảo tàng Thành cổ Quảng Trị.
Đáng chú ý, có một bức thư anh viết cho vợ, có thể là lá thư cuối cùng, chưa kịp gửi đã cùng anh đi vào lòng đất: “Anh ra đi, nếu có hy sinh tính mạng cho Tổ quốc, thì em cũng phải can đảm, bớt đau khổ, đừng khóc lóc buồn nản… Đó là lẽ dĩ nhiên trong cuộc sống của người lính chiến đấu”. Đó như là dự cảm của liệt sĩ có thể bản thân sẽ hy sinh. Sau này, những bức thư, tấm ảnh mà liệt sĩ Lê Binh Chủng trân quý như sinh mệnh của mình đã giúp chị Biển Khơi và người con trai đoàn tụ với gia đình, họ nội.
Dù chiến tranh đã đi qua hơn nửa thế kỷ, những kỷ vật như bức thư của liệt sĩ Lê Văn Huỳnh, Lê Binh Chủng cùng các liệt sĩ Thành cổ luôn mang ý nghĩa thiêng liêng, lan tỏa khí chất và tinh thần bất khuất của người chiến sĩ, dẫu đối diện với cái chết vẫn không hề sợ hãi. Mỗi kỷ vật, mỗi bức thư được lưu giữ hôm nay đều thấm đẫm bao nước mắt, hy sinh.
Giữa tháng 10, thị xã Quảng Trị ra mắt tập sách “Thành cổ Quảng Trị - một số câu chuyện linh thiêng và xúc động”. Sách tập hợp các bài viết của nhiều tác giả để bạn đọc biết thêm về các câu chuyện linh thiêng và xúc động trên đất Thành cổ. Qua đó, các tác giả cùng chia sẻ nỗi đau thương và chiêm nghiệm về những cái chết và lẽ sống mang giá trị của khát vọng hòa bình. Đây là tác phẩm có ý nghĩa rất lớn về giáo dục các thế hệ mai sau.