Tiếp cận phân loại dự án xanh, thúc đẩy tài chính xanh cho Việt Nam

Việc ban danh mục phân loại xanh chưa phải là điều kiện đủ để doanh nghiệp tiếp cận nguồn tín dụng xanh, trái phiếu xanh nhưng là điều kiện cần giúp các ngân hàng và nhà đầu tư nhận diện được thế nào là một dự án xanh. Ở Việt Nam có hơn 40 nhóm dự án phân theo 7 lĩnh vực đã được đề xuất ưu tiên đưa vào Danh mục phân loại xanh cho tín dụng xanh, tài chính xanh...

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Phát triển thị trường tín dụng xanh, trái phiếu xanh đang là xu hướng mạnh mẽ trên toàn thế giới, nhận được sự hưởng ứng của nhiều định chế tài chính lớn trên thế giới. Ước tính trong khoảng 20 năm gần đây, thị trường tài chính xanh đã phát triển mạnh trên thế giới. Trong đó, tín dụng xanh, trái phiếu xanh là hai kênh tài chính xanh lớn nhất, có vai trò quyết định cho đầu tư xanh, bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu.

Nhằm hỗ trợ cho thị trường tiềm năng này, nhiều tổ chức của khu vực, quốc gia đã xây dựng và ban hành các danh mục phân loại xanh bao gồm các dự án hoặc hoạt động đầu tư kèm theo các tiêu chí về môi trường để giúp nhận diện mức độ đáp ứng yêu cầu, góp phần vận hành thị trường tài chính xanh minh bạch, hiệu quả.

BA CÁCH TIẾP CẬN PHÂN LOẠI XANH

Hiện có một số quan điểm và cách tiếp cận khác nhau về Danh mục phân loại như danh mục phân loại bền vững, danh mục phân loại xanh, danh mục phân loại khí hậu… TS. Lại Văn Mạnh, Trưởng Ban Kinh tế Tài nguyên và Môi trường, Viện Chiến lược, Chính sách Nông nghiệp và Môi trường, thông tin đến nay có khoảng trên 35 bộ danh mục phân loại đã được công bố hoặc đang trong quá trình hoàn thiện dưới các dạng khác nhau như: khung phân loại, hướng dẫn hoặc quy định có tính pháp lý. Trong đó, các danh mục của EU, Trung Quốc, ASEAN được xem là toàn diện hơn cả.

Tất cả các Danh mục phân loại xanh đều được xây dựng nhằm giúp các tổ chức tài chính, các nhà đầu tư, cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan xây dựng chính sách và các bên liên quan xác định khoản đầu tư nào có thể được gắn nhãn “xanh”, từ đó giúp đưa ra các quyết định về các khoản đầu tư thân thiện với môi trường, khuyến khích và mở rộng việc thực hiện các dự án và hoạt động kinh tế bền vững với môi trường và đóng góp vào các mục tiêu môi trường cụ thể.

Trong các mục tiêu môi trường cụ thể của mỗi Danh mục phân loại xanh có sự khác biệt để thể hiện các mục tiêu môi trường quốc gia và mức độ ưu tiên về phát triển các ngành kinh tế mà các quốc gia hướng đến.

TS. Lại Văn Mạnh

Việc ban danh mục phân loại xanh chưa phải là điều kiện đủ để các doanh nghiệp tiếp cận nguồn tín dụng xanh, trái phiếu xanh nhưng là điều kiện cần để giúp các ngân hàng, nhà đầu tư nhận diện được thế nào là một dự án xanh.

Theo TS. Lại Văn Mạnh, nhìn chung những danh mục phân loại xanh phổ biến nhất trên thế giới hiện nay vẫn được tiếp cận chủ yếu dựa trên 3 nguyên tắc chính.

Thứ nhất, tiếp cận theo nguyên tắc “Danh sách trắng”: tập trung vào việc xác định các dự án đủ điều kiện hoặc các hoạt động kinh tế theo từng ngành hoặc tiểu lĩnh vực. Loại phân loại này liệt kê các công nghệ được coi là xanh hoặc bền vững và cung cấp mô tả chi tiết về tính đủ điều kiện. Cách tiếp cận này được Nga, Trung Quốc sử dụng trong quá trình xây dựng danh mục phân loại xanh của mình.

Thứ hai, tiếp cận dựa trên tiêu chí sàng lọc kỹ thuật: cung cấp thông tin về các ngưỡng và tiêu chí sàng lọc cho các hoạt động kinh tế và sự tuân thủ của chúng với các mục tiêu cụ thể. Theo đó, các danh mục này xác định từng hoạt động kinh tế có ít nhất một đóng góp đáng kể vào mục tiêu môi trường, khí hậu và đồng thời đảm bảo không gây hại đáng kể đến các mục tiêu môi trường khác. Cách tiếp cận này được phản ánh trong các danh mục phân loại xanh của Hàn Quốc, EU và Nam Phi, TS. Lại Văn Mạnh cho biết.

Thứ ba, tiếp cận dựa trên các nguyên tắc: tương tự như Nguyên tắc trái phiếu xanh của Hiệp hội Thị trường vốn quốc tế (ICMA), cách tiếp cận này được áp dụng ở Danh mục phân loại của Malaysia và Nhật Bản. Danh mục xanh áp dụng nguyên tắc tiếp cận này sẽ bao gồm các nguyên tắc hướng dẫn cốt lõi để đánh giá các hoạt động kinh tế nào có thể được tài trợ.

ĐỀ XUẤT CÁCH TIẾP CẬN VÀ DANH MỤC PHÂN LOẠI XANH CHO VIỆT NAM

Ở Việt Nam, trong những năm gần đây, nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, các bộ, ngành cũng đặt ra mục tiêu phát triển thị trường tín dụng xanh, trái phiếu xanh.

Việt Nam là một trong những quốc gia hoàn thiện khung chính sách pháp luật về chuyển dịch xanh khá toàn diện. Trong hệ thống pháp luật, đặc biệt là Luật Bảo vệ môi trường, đã có nhiều công cụ để thúc đẩy chuyển đổi xanh của nền kinh tế tập trung vào đối tượng có nhu cầu vay vốn, đối tượng người tiêu dùng…

Tại Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ ban hành tiêu chí môi trường đối với dự án được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh.

Hiện nay, dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về các tiêu chí môi trường; xác nhận đối với dự án được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh đã được xây dựng trình Chính phủ. Ngày 14/4/2025, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã làm việc với các bộ, ngành để cho ý kiến đối với những nội dung quan trọng trong dự thảo.

Tại Hội thảo “Khơi thông dòng vốn tín dụng xanh” cuối tuần qua, TS. Lại Văn Mạnh thông tin cơ quan soạn thảo đã làm việc với các bộ, ngành liên quan, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước hoàn thiện hồ sơ, trình Chính phủ. Đây là bước đi quan trọng nhằm hoàn thiện khung pháp lý cho thị trường tài chính xanh.

Bản chất tính dụng xanh, trái phiếu xanh là khoản vay của các doanh nghiệp, nhà đầu tư để thực hiện các mục tiêu đầu tư phát triển, bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính. Đây là một trong những nguồn động lực quan trọng để thực hiện các mục tiêu bảo vệ môi trường, cắt giảm khí nhà kính.

Ở Việt Nam, dự thảo được nghiên cứu liệt kê ra hơn 40 nhóm ngành phân theo 7 lĩnh vực với nguyên tắc tiếp cận tạo điều kiện cho bộ ngành cập nhật ban hành bổ sung thêm như cách làm của EU và các nước ASEAN.

Cụ thể, Trưởng Ban Kinh tế Tài nguyên và Môi trường cho hay đã khuyến nghị đề xuất 7 lĩnh vực ưu tiên đưa vào Danh mục phân loại xanh cho tín dụng xanh, tài chính xanh gồm năng lượng; giao thông vận tải; xây dựng; tài nguyên nước; nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và bảo tồn đa dạng sinh học; chế biến, chế tạo; dịch vụ môi trường.

Ví dụ trong lĩnh vực năng lượng là các loại hình dự án đầu tư điện mặt trời, điện gió, năng lượng tái tạo, năng lượng sạch khác (địa nhiệt, sinh khối, thủy triều, sóng biển, hải lưu, chất thải, hydrogen xanh, amoniac xanh)…

Trong giao thông vận tải khuyến nghị các dự án vận tải bằng phương tiện giao thông không phát thải hoặc carbon thấp; cơ sở hạ tầng phục vụ giao thông vận tải không phát thải hoặc carbon thấp; dịch vụ tái nạp năng lượng cho phương tiện giao thông vận tải không phát thải hoặc carbon thấp…

Lĩnh vực chế biến chế tạo là các dự án sản xuất thiết bị điện và máy móc, thiết bị tiết kiệm và hiệu quả năng lượng; sản xuất linh kiện, thiết bị điện tử phục vụ phát triển công nghệ carbon thấp; sản xuất bao bì thân thiện với môi trường...

Danh mục xanh được Bộ xây dựng dựa trên quan điểm tìm ra các loại hình dự án đầu tư mang lại lợi ích cho môi trường; các dự án đầu tư trực tiếp thực hiện mục tiêu bảo vệ môi trường.

Một yêu cầu cốt lõi trong xác định dự án xanh phải đáp ứng tiêu chí về hiệu suất, công nghệ, vật liệu và đặc biệt là không gây hại đáng kể đến các mục tiêu môi trường khác. Các dự án phải tuân thủ quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá tác động môi trường và các quy chuẩn kỹ thuật hiện hành.

Về cơ chế xác nhận dự án xanh, TS. Lại Văn Mạnh cho rằng nên đa dạng hóa hình thức xác nhận, có thể tự xác nhận hoặc thông qua tổ chức tư vấn độc lập. Trường hợp cần thiết để áp dụng chính sách ưu đãi, Nhà nước có thể ủy quyền cho các tổ chức đủ năng lực thực hiện việc xác nhận theo chuẩn quốc tế nhưng vẫn đảm bảo tuân thủ pháp luật Việt Nam.

Tùng Dương

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/tiep-can-phan-loai-du-an-xanh-thuc-day-tai-chinh-xanh-cho-viet-nam.htm
Zalo