Tiếng vọng xuân trên phố núi
Tôi đến Cầu Đất lần đầu cách đây hơn một thập niên. Từng ấy năm, dù có nhiều đổi thay, dù khoác lên mình chiếc áo hiện đại hơn, đời sống nhộn nhịp hơn, nơi ấy vẫn trong trẻo yên lành, vẫn mang dáng vẻ chân chất của vùng canh nông Đà Lạt từ thuở thành làng lập ấp.
Vẫn mây giăng sương phủ sớm chiều. Vẫn con đường quanh co dẫn lên những ngọn đồi xanh mướt điểm sắc mai anh đào mỗi độ xuân về. Vẫn chiếc cổng bạc thếch màu thời gian đưa lữ khách đến với nhà máy trà cổ. Không gian, thời gian lắng cả vào khung cảnh êm đềm.
Nhắc đến Cầu Đất, không thể không nhắc đến xứ trà hơn trăm năm tuổi, nổi tiếng nhất là “Sở Trà Cầu Đất” do người Pháp xây dựng từ năm 1927. Đây là nhà máy trà cổ nhất không chỉ của Việt Nam mà của cả Đông Nam Á còn tồn tại đến ngày nay. Tuy nhiên, vùng trà Cầu Đất đã hình thành trước đó nhiều năm, với nhiều biến thiên dâu bể gắn phận đời phận người với đất, với trà.
Để xây dựng Sở trà, người Pháp tuyển mộ những lực điền ở các vùng Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên khai khẩn lập đồn điền. Thời điểm đó, đường sá giao thông chưa phát triển, dựa toàn bộ vào sức lực của các nông phu, từ vận chuyển nguyên vật liệu lên những ngọn đồi trùng điệp, đến phát hoang lập trang trại. Dưới bàn tay lao động cần cù, những cây trà dần phủ xanh cả một dải núi rừng mênh mông. Lúc nhà máy bắt đầu hoạt động, diện tích trà lên đến 600 hecta.
Trà đen OTD là loại trà truyền thống của Cầu Đất. Đến nay những đồi trà cổ có tuổi đời hơn cả đời người vẫn còn tươi tốt, như những chứng nhân của lịch sử. Xen kẽ với những giống mới theo xu hướng thị trường, Ô Long, Shan Tuyết, Tứ Quý… tạo nên những đồi trà mênh mang xanh ngắt chân trời. Đến giờ tôi vẫn còn nhớ cảm giác lần đầu đứng ở đây, cảm giác mình thật nhỏ bé giữa bạt ngàn trà. Trên đầu trời cao vời vợi, dưới đất lênh loang màu xanh ngăn ngắt. Vài bông hoa trà mộc mạc tinh khôi hé nở thu hút lũ bướm ong rập rờn. Xa xa núi đồi trùng điệp mê mải gối vào nhau, những ngôi nhà gỗ thấp thoáng dưới rặng thông già, gợi lên bức tranh lãng đãng của thời xa xôi nào đó.
Trải qua nhiều biến thiên thời cuộc, sang tên đổi chủ bao lần, Sở Trà ngày nay ngoài chức năng ban đầu, còn là một bảo tàng trà cổ độc đáo, kể lại câu chuyện trăm năm của xứ trà, từ những chiếc máy trơ màu thời gian được người Pháp đưa sang vào ngày đầu thành lập, đến câu chuyện những người làm trà cổ, bàn tay điệu nghệ của cô gái hái trà, cách lắng nghe mùi hương, cách pha một ấm trà tinh tế…
Nhưng Cầu Đất không chỉ có trà, mà còn nổi tiếng với giống cà phê Arabica được ưa chuộng nhất thế giới. Ngày nay, thương hiệu cà phê Cầu Đất tạo tiếng vang trong lẫn ngoài nước, được giới sành cà phê săn lùng. Lúc còn ở Sài Gòn, thỉnh thoảng bạn bè phương xa đến rủ rê cà phê, tôi thường đưa bạn đến những quán có bán cà phê Cầu Đất, để bạn thưởng thức trọn vẹn hương vị của thức uống mê hoặc này.
Một giống cà phê được mệnh danh là “nữ hoàng cà phê” cũng được tìm thấy tại Cầu Đất, là cà phê Moka, có nguồn gốc từ thành phố Mocha của Yemen hơn sáu trăm năm trước. Không phải tự nhiên mà Moka được xưng tụng danh hiệu này. Tôi không phải dân nghiền cà phê, nhưng lần đầu tiên thưởng thức ly cà phê Moka, tôi đã sửng sốt bởi hương vị thanh tao quyến rũ của nó. Không đắng gắt như Robusta, Moka có vị chua thanh tự nhiên, hậu vị đắng ngọt kéo dài, hương thơm phức hợp giữa mùi trái cây, chocolate và hạt dẻ.
Người giàu tưởng tượng thì cho rằng Moka thơm ngon và tinh khiết như khu vườn trái cây chín mọng vào buổi sớm mai. Còn với người trồng cà phê tại Cầu Đất, họ nói mỗi hạt Moka là kết tinh của đất trời. Cũng phải thôi. Cầu Đất sở hữu địa hình đồi núi cao 1.650 mét, khí hậu ôn đới mát mẻ quanh năm, đất đỏ bazan màu mỡ, nguồn nước đầu nguồn trong lành, ban ngày hạt cà phê được sưởi ấm bằng tia nắng mềm nhẹ, đêm xuống lại được vỗ về bằng hơi sương của núi rừng, sao không tạo ra được hạt cà phê thơm ngon tuyệt hảo.
Lần gần nhất đến Cầu Đất, tôi được chủ quán đãi món cà phê Moka rang xay tại chỗ. Nhìn cách anh nâng niu từng hạt cà phê, tỉ mỉ trong từng công đoạn, nên khi cầm tách cà phê thơm lừng trên tay, tôi không nỡ uống mà cứ hít hà mãi mùi hương say đắm. Thưởng thức loại cà phê hảo hạng ngay trên mảnh đất của nó, còn gì tuyệt bằng.
Và Cầu Đất còn gì nữa? Thật “ghen tị” khi danh sách đặc sản Cầu Đất không chỉ dừng lại ở trà, cà phê. Cầu Đất còn nổi danh với những vườn hồng trĩu trịt. Mỗi độ thu về, trên những con đường đèo dốc bạt ngàn thông xanh, ánh lên sắc cam đỏ của những trái hồng đang kỳ chín mọng. Hồng có mặt khắp Đà Lạt, và nhiều nơi khác ở miền Bắc, nhưng hồng Cầu Đất mang hương vị rất riêng bởi độ ngọt thanh, giòn tan và màu sắc của nó. Mỗi khi cần hồng làm quà biếu người thân bạn bè phương xa, tôi nhất định tìm cho được trái hồng từ Cầu Đất mới yên lòng.
Cây hồng còn tạo nên khung cảnh như mộng lúc vào mùa. Những trái hồng vàng ươm mở mắt dưới tán lá xanh biếc lúc mới chuyển mình vào mùa thu. Cả vùng đồi rực sắc đỏ khi những phiến lá hình tim đổi màu, chuẩn bị rời cành, để lại những trái hồng đỏ rực trên nhánh cành khô mốc, như đốm lửa giữa trời đông giá rét, liêu xiêu trên mái ngói rêu phong, tạo nên khung hình liêu trai huyền hoặc. Đến lượt những trái hồng sấy dẻo, hồng treo gió mang hơi thở núi rừng chu du khắp mọi miền, là thức quà nhâm nhi thú vị mỗi buổi sớm mai bên tách trà ấm nóng.
Đến mùa xuân, Cầu Đất khoác lên mình tấm áo hồng của sắc mai anh đào. Loài hoa gọi xuân về trên phố núi, lúc khoe sắc ở vùng đất canh nông lại mang vẻ giản dị thân thương. Màu hồng ngọt ngào bên cạnh màu xanh của những tán thông già, những đồi trà cổ, những gốc cà phê lâu năm làm nên bảng phối màu kì diệu. Cánh hoa rung rinh trước gió, nhẹ nhàng tung bay trên bầu trời xuân xanh trong rồi khẽ khàng rơi xuống nền đất bazan đỏ lựng. Cảnh thực mà như mộng. Có lần, dù đi công việc gấp, tôi không kiềm được đã dừng chân, chụp vài tấm hình lưu lại khoảnh khắc đất trời bừng nở ấy.
Cầu Đất còn có một đặc sản khác do thiên nhiên ban tặng, là mây. Cụm từ “thiên đường săn mây Cầu Đất” chắc không lạ gì với nhiều bước chân xê dịch. Cảm giác đứng trên mây, được mây nâng lên, bồng bềnh trôi giữa sự giao thoa của sáng và tối, của ngày và đêm, thật ấn tượng. Gia đình tôi sống ở trung tâm Đà Lạt, nhưng để săn mây, chúng tôi đến đây từ đêm trước, ngủ ở một homestay đơn sơ mà xinh xắn để hôm sau mở cửa là thấy mây là đà, như chốn bồng lai trong những thước phim lãng mạn. Không chỉ mây, Cầu Đất còn lắm sương mù, cả ngày lẫn đêm, như trò chơi ú òa giấu cảnh vật vào không gian mờ ảo. Lần nào đi qua dốc Sương Mù, xe đang bon bon chạy, bên này thoáng đãng, bên kia lại mờ mịt sương như muốn đưa tất cả vào cõi mộng.
Cùng với sự phát triển của kinh tế, du lịch, những mái nhà gỗ mang dáng dấp xưa dần được thay thế bằng những ngôi nhà tường khang trang hiện đại, cùng nhiều hàng quán homestay mọc lên đón khách phương xa. Dù phát triển, ẩn sâu trong lòng Cầu Đất vẫn là những nét xưa, những tâm hồn chân chất, tình xóm giềng của những người ngày đầu đi mở đất. Ngồi giữa chợ Cầu Đất, nhìn những chị những cô bày bán rau quả địa phương, uống ly cà phê thơm lừng hay tách trà nóng hổi, nghe người xưa kể chuyện, ngắm núi đồi chìm khuất trong màn sương trắng, nhẹ điểm chút sắc hồng mộng mơ, chợt thấy mùa xuân như vĩnh cửu…