Tiếng trống rộn rã của lân - sư - rồng đón Tết
Trong cái se lạnh của những ngày cuối năm, đêm nào cũng vậy, ở một góc sân nhỏ, tiếng trống rộn ràng vang lên hòa cùng tiếng cười nói của những thành viên đoàn lân - sư - rồng. Những màn trình diễn uyển chuyển và đầy sức sống đang được họ dày công tập luyện, chuẩn bị cho mùa tết Nguyên đán sắp tới.
Dù nằm khuất trong con hẻm nhỏ trên đường Đoàn Thị Điểm, thuộc Phường 3, thành phố Sóc Trăng (Sóc Trăng), nhưng hằng đêm, tiếng trống hội, chập chõa của Đoàn Nghệ thuật lân - sư - rồng Phú Quý Đường đã vang lên, kéo theo sự háo hức của mọi người trong khu vực. Những tay trống điêu luyện luyện tập không ngừng để tạo ra nhịp điệu mạnh mẽ, hào hứng, làm nền cho những màn múa lân - sư - rồng đầy màu sắc.
Các thành viên trong đoàn tập luyện rất nhịp nhàng, uyển chuyển; con lân, sư hay con rồng cuốn gió và bài trống hội thật sôi động. Anh Triệu Văn Khuôn - Trưởng Đoàn Nghệ thuật lân - sư - rồng Phú Quý Đường chia sẻ: “Tết là dịp quan trọng nhất trong năm của chúng tôi. Đoàn muốn mang đến những màn biểu diễn đẹp mắt, ý nghĩa để cầu chúc may mắn cho mọi nhà. Chuẩn bị phục vụ Tết năm nay, chúng tôi đã quy tụ hơn 30 thành viên đến tập luyện mỗi đêm, được khoảng 3 tháng nay. Thời gian tập cứ từ 17 - 20 giờ, các thành viên trong đoàn tập luyện duy trì các bài tập từ lân múa đơn giản dưới đất đến lân leo cây cao và tập trống hội”.
Các thành viên trong đoàn tập trung luyện từng bước nhảy, từng động tác leo trèo phức tạp trên cột cao. Bộ trang phục lân - sư - rồng rực rỡ sắc màu càng làm tăng thêm phần cuốn hút. Em Trần Hoàng Thuận - thành viên lâu năm trong đoàn cho biết: “Tụi em không chỉ múa theo bài mà còn phải phối hợp ăn ý với nhạc, thể hiện được tinh thần của con lân - con rồng, mang đến may mắn cho mọi người”.
Công việc chuẩn bị không chỉ là luyện tập động tác mà còn chăm chút từng chi tiết cho trang phục và đầu lân. Những chiếc đầu lân với màu sắc rực rỡ được sửa sang, tô điểm thêm, trong khi trống, lá cờ cũng được thay mới để tăng phần hoành tráng.
Anh Triệu Văn Khuôn cho hay: “Năm nay, chúng tôi đầu tư mua sắm trang bị, dụng cụ mới 4 con lân, 1 con rồng. Phục vụ bà con vui xuân đón Tết, đoàn sẽ tham gia Hội diễn lân - võ thuật xuân Ất Tỵ 2025 vào đêm 28 Tết, sau đó từ mùng 1 - 3 Tết đi diễn phục vụ cho Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thanh thành phố Sóc Trăng”.
Để có những bước nhảy mạnh mẽ, những pha múa đầu lân khéo léo, các thành viên trong đoàn phải luyện tập không ngừng nghỉ. Em Đỗ Hoàng Tuấn - một thành viên gắn bó với đoàn suốt 8 năm qua, bộc bạch: “Để giữ được nhịp và sự đồng bộ, mỗi đêm chúng em phải tập ít nhất 2 - 3 tiếng. Những động tác nâng đầu lân hoặc leo cột đều đòi hỏi kỹ thuật cao và sức khỏe tốt”.
Với một bài múa thành công, ngoài việc tạo sự rộn rã, vui tươi còn mang đến ý nghĩa phồn vinh, may mắn, an khang, thịnh vượng cho gia chủ, các thành viên trong đoàn đều biết “đa hệ” từ đánh trống, múa ông địa cho đến múa lân - sư - rồng. “Không chỉ là một hình thức giải trí, múa lân - sư - rồng còn mang ý nghĩa văn hóa sâu sắc. Đoàn không chỉ biểu diễn phục vụ bà con trong dịp Tết, mà còn ở chùa chiền mang lời chúc phúc đến cho cộng đồng. Chúng tôi đã xây dựng kế hoạch phục vụ Tết, như: lân, rồng chúc xuân, tứ quý hưng long leo cột hái lộc, lân địa bửu...”, anh Triệu Văn Khuôn thông tin.
Dưới ánh sáng của bóng đèn trên sân, mọi người đều nỗ lực không ngừng để chuẩn bị cho những màn biểu diễn phục vụ Tết. Với những tiết mục đặc sắc được dày công chuẩn bị, đoàn lân - sư - rồng hy vọng sẽ mang đến không khí vui tươi, náo nhiệt và nhiều may mắn cho cộng đồng trong dịp đầu năm mới.
Theo đồng chí Lâm Thanh Dũng - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội diễn lân - võ thuật xuân Ất Tỵ sẽ được tổ chức 2 đêm (ngày 26 và 27/1/2025, nhằm ngày 27 và 28 tháng Chạp), tại Quảng trường Khu Đô thị 5A, Phường 4, thành phố Sóc Trăng, với các nội dung biểu diễn lân - sư - rồng, võ thuật, thể dục dưỡng sinh, các tiết mục múa của 3 dân tộc (Kinh - Khmer - Hoa) đến từ các đoàn, câu lạc bộ trong và ngoài tỉnh tham gia.
Tết đến gần, tiếng trống, tiếng cồng và hình ảnh những con lân, con rồng uốn lượn đã trở thành biểu tượng không thể thiếu, góp phần tô điểm cho mùa xuân thêm rực rỡ và đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc.