Nỗ lực 'trồng người' ở những địa bàn đặc thù
Với sự tâm huyết, miệt mài của các thầy cô giáo, những năm qua, chất lượng giáo dục tại các khu vực miền núi, biên giới, vùng ven biển ở Hà Tĩnh đã được nâng lên. Nhiều ngôi trường từng xếp cuối bảng đã bứt phá vươn lên mạnh mẽ, đi đầu trong công tác dạy, học.
Nâng cao chất lượng giáo dục vùng biên
Trường Trung học Phổ thông Cao Thắng (huyện Hương Sơn) là ngôi trường đóng ở địa bàn miền núi, biên giới. Do đặc thù địa bàn, nên có những học sinh phải di chuyển 20 km mới đến được trường, nhiều em có hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Vì vậy, những năm trước, chất lượng giáo dục ở đây chưa có nhiều kết quả nổi bật. Trước những khó khăn, nhà trường đã nỗ lực đưa ra nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dạy và học.
Cô Lê Thị Luận, giáo viên môn Ngữ văn chia sẻ, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 có nhiều điểm mới, nhiều thử thách với học sinh và giáo viên, vì thế nhà trường đang từng bước hoàn thiện dần phương pháp giáo dục. Thời gian qua, các giáo viên đã cố gắng tiếp cận với chương trình mới, tích cực đổi mới để đưa ra phương pháp dạy học phù hợp với đặc thù địa bàn. Đối với bộ môn Ngữ văn, giáo viên đã giúp học sinh thay đổi vị thế trong quá trình học; từ việc thụ động tiếp nhận kiến thức sang chủ động, tự chủ và phát huy được tinh thần tự học cao.
“Học sinh đến trường với mục tiêu chung xây dựng trường học thân thiện, hạnh phúc nên từ ban giám hiệu cho đến đội ngũ giáo viên luôn tạo ra không khí học tập thoải mái. Các em được trau dồi kiến thức, đặc biệt là được phát triển các kỹ năng về nghe, đọc, hiểu”, cô Lê Thị Luận cho hay.
Nhờ những thay đổi trong phương pháp giảng dạy, các giáo viên đã giúp học sinh có tinh thần tích cực hơn trong quá trình học tập.
Em Nguyễn Lê Phương Linh, học sinh lớp 12D chia sẻ, thầy cô giáo bộ môn đã có nhiều thay đổi trong phương pháp dạy học, chúng em trở thành trung tâm của các môn học. Nhờ đó, chúng em có thể sáng tạo trong quá trình học tập, được bày tỏ ý kiến bản thân một cách chủ động, được học hỏi nhiều kỹ năng hơn. Nhờ những cách “mở đường” của thầy cô, chúng em có thể tiếp thu kiến thức một cách sâu sát, khi đến trường cũng thoải mái, tích cực hơn chứ còn không còn nặng nề.
Với những nỗ lực của các thầy cô, Trường Trung học Phổ thông Cao Thắng đã gặt hái nhiều quả ngọt trong sự nghiệp “trồng người”. Trong kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2024, trường xếp thứ 4 toàn tỉnh về điểm bình quân tất cả các môn thi tốt nghiệp. Trong đó, môn Hóa học xếp thứ nhất và có 15 lượt học sinh đạt điểm 10.
Thầy Phạm Thanh Tùng, Phó Hiệu trưởng Trường Trung học Phổ thông Cao Thắng cho biết, dù gặp nhiều khó khăn do địa bàn vùng biên giới, miền núi, nhà trường đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp hiệu quả, đạt được những thành tích đáng ghi nhận trong công tác giáo dục. Cụ thể như xây dựng sự đồng thuận, đoàn kết cao trong toàn thể cán bộ, giáo viên và học sinh; lựa chọn và triển khai Chương trình Giáo dục Phổ thông 2018 phù hợp với điều kiện của trường. Đồng thời, trường đổi mới phương pháp giảng dạy và kiểm tra đánh giá, tạo phong trào dạy và học sôi nổi, phát huy tính tự học của học sinh. Cùng với đó, nhà trường chú trọng xây dựng môi trường trường học xanh, sạch, đẹp và an toàn, hướng tới xây dựng trường học hạnh phúc.
Quan tâm đời sống học sinh
Trường Trung học Phổ thông Nghi Xuân (huyện Nghi Xuân) là ngôi trường đóng ở địa bàn vùng ven biển. Trước đây, học sinh của trường là những em ở tốp cuối, có học lực yếu, không đậu vào các trường Trung học Phổ thông công lập trên địa bàn. Từ năm 2022, trường chuyển đổi sang mô hình công lập, đánh dấu bước chuyển mình trong công tác giáo dục, đào tạo của nhà trường.
Đáng chú ý, do đây là vùng có điều kiện kinh tế khó khăn, nên đa phần người dân đi làm ăn xa hoặc xuất khẩu lao động. Vì vậy, các em học sinh không có sự nuôi nấng trực tiếp của cha mẹ mà chủ yếu sống cùng ông bà, họ hàng. Điều này khiến các em thiếu sự quan tâm của cha mẹ, dẫn đến những hạn chế về khả năng tự lập, ý thức tự học và chấp hành nề nếp của nhà trường. Do vậy, thầy cô là người truyền đạt kiến thức, vừa dạy dỗ học sinh, nhưng cũng là cha, mẹ đồng hành, chia sẻ với các em những niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống.
Cô Đinh Thị Hương Dịu, Bí thư Đoàn Trường Trung học Phổ thông Nghi Xuân cho biết, nhà trường thường xuyên quan tâm, lắng nghe và nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của học sinh thông qua đội an ninh trật tự, các câu lạc bộ, hộp thư điều em muốn nói; tổ chức các câu lạc bộ, thành lập ban tư vấn tâm lý để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của học sinh.
Nhà trường cũng tổ chức các hoạt động như cuộc thi, hội thi, sân khấu, diễn đàn để giúp học sinh thể hiện tâm tư, nguyện vọng; phối hợp với các tổ chức, ban ngành trong nhà trường (công đoàn, ban giám hiệu, giáo viên chủ nhiệm) để đưa ra các biện pháp giáo dục và rèn luyện phù hợp với từng hoàn cảnh của học sinh.
Thời gian qua, trường Trung học Phổ thông Nghi Xuân đã tổ chức các hoạt động thiết thực, phối hợp chặt chẽ với các bên liên quan và luôn lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của học sinh. Nhờ đó, nhà trường đã góp phần giúp các em vượt qua những khó khăn, hình thành và phát triển các kỹ năng cần thiết cho tương lai.
Thầy Nguyễn Văn Hòa, Phó Hiệu trưởng Trường Trung học Phổ thông Nghi Xuân cho biết, để khơi dậy hứng thú trong học tập của học sinh, các thầy cô giáo cũng thường xuyên đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá. Trong Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông 2024, 100% học sinh đậu tốt nghiệp, điểm trung bình đạt 8,073 (xếp thứ nhất của tỉnh). Trong đó, có 4 môn có điểm trung bình xếp thứ nhất toàn tỉnh gồm: Ngữ văn: 8,698; Lịch sử 8,009; Địa lý: 8,940; Giáo dục công dân: 9,097. Trường có 14 điểm 10 ở các môn Lịch sử, Địa lý và Giáo dục công dân; có 121 lượt thí sinh có điểm xét tuyển đại học các khối đạt từ 28 trở lên.