'Tiếng đàn bầu mộc mạc gửi trọn tình cảm với Bác Hồ'

Nhân kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19.5.1890 - 19.5.2025), chương trình nghệ thuật đặc biệt 'Quà tháng 5 dâng Người' quy tụ những nghệ sĩ đến từ nhiều loại hình nghệ thuật. Một trong những gương mặt quen thuộc sẽ góp phần làm nên dấu ấn cho chương trình là NSƯT Lệ Giang – nghệ sĩ đàn bầu đã nhiều năm qua gắn bó với những giai điệu viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc.

Trong cuộc trò chuyện với Báo Văn Hóa trước buổi biểu diễn, NSƯT Lệ Giang đã chia sẻ cảm xúc khi được chơi đàn trong chương trình đặc biệt này, vai trò của nhạc cụ dân tộc trong việc lan tỏa tình yêu với Bác Hồ.

P.V: Quà tháng 5 dâng Người là tiếng lòng tri ân sâu nặng, thể hiện sự kính yêu vô hạn của nhân dân cả nước đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chị có thể chia sẻ cảm xúc khi được mời tham gia chương trình nghệ thuật đặc biệt này?

- NSƯT Lệ Giang: Khi nhận lời mời tham gia chương trình “Quà tháng 5 dâng Người” mừng sinh nhật Bác, tôi cảm thấy may mắn và vinh dự.

Đây là chương trình nghệ thuật lớn, được dàn dựng công phu, hoành tráng, quy tụ nhiều nghệ sĩ tài năng của các loại hình nghệ thuật khác nhau. Với tôi, được góp một phần tiếng đàn, điệu nhạc để dâng lên Người là một niềm hạnh phúc rất đặc biệt.

Trong sự nghiệp của mình, tôi đã từng biểu diễn nhiều nhạc phẩm viết về Bác, cả solo và hòa tấu tại nhiều chương trình nghệ thuật lớn của đất nước.

Nhưng lần nào cũng vậy, được chơi đàn trong không gian nghệ thuật mang chủ đề về Bác Hồ, tôi cũng đều đong đầy cảm xúc. Các ca khúc viết về Bác luôn có giai điệu và ca từ rất sâu sắc, lay động trái tim của cả nghệ sĩ lẫn khán giả.

Trong chương trình này, chị sẽ cùng các nghệ sĩ thể hiện tiết mục Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người. Theo chị, tiếng đàn Bầu sẽ đóng vai trò như thế nào và mang lại dấu ấn gì đặc biệt cho phần trình diễn này?

- Điều đặc biệt của tiếng đàn bầu không nằm ở sự khác lạ mà là sự gần gũi. Đàn Bầu là nhạc cụ truyền thống, mang âm hưởng rất đặc trưng của dân ca Việt Nam.

Trong ca khúc Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người, dù tác giả ca khúc chỉ lấy đôi nét phảng phất âm hưởng dân ca miền Trung – quê hương của Bác, nhưng khi kết hợp với âm thanh của tiếng đàn bầu, người nghe sẽ cảm nhận được một không khí rất thân thuộc.

Hình ảnh quê hương Bác hiện lên qua từng nốt nhạc, vừa mộc mạc vừa ấm áp tình người.

Đặc trưng của trình diễn đàn bầu không phải là khoe kỹ thuật, mà quan trọng là giai điệu. Đàn bầu không chỉ “nghe” bằng tai mà còn “cảm” bằng trái tim. Âm thanh của nó mộc mạc nhưng da diết, trữ tình mà sâu lắng, rất dễ chạm đến cảm xúc người nghe.

Trong chương trình, tôi sẽ cố gắng thể hiện tiết mục này bằng tất cả sự thành kính, truyền cảm nhất có thể, để mỗi khán giả đều cảm nhận được tình cảm của nghệ sĩ dành cho Bác Hồ.

NSƯT Lệ Giang – nghệ sĩ đàn Bầu đã nhiều năm qua gắn bó với những giai điệu viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc

NSƯT Lệ Giang – nghệ sĩ đàn Bầu đã nhiều năm qua gắn bó với những giai điệu viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc

Để tiết mục biểu diễn thực sự chạm đến trái tim khán giả, những ngày qua, chị và các nghệ sĩ đã chuẩn bị và tập luyện ra sao?

- Nhiều ngày qua, chúng tôi gần 100 nghệ sĩ đã cùng nhau luyện tập liên tục. Dưới sự dàn dựng và phối khí của NSND Quang Vinh, toàn bộ tiết mục được chuẩn bị rất kỹ càng, nghiêm túc.

Không khí tập luyện lúc nào cũng rộn ràng, đầy cảm hứng. Mọi người đều rất háo hức khi được góp mặt trong một chương trình đặc biệt như thế này.

Chúng tôi không chỉ tập trung vào kỹ thuật mà còn đặt nặng yếu tố cảm xúc, để làm sao khi đứng trên sân khấu, mỗi người đều là một mắt xích truyền tải thông điệp về lòng biết ơn sâu sắc của mình đối với vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc.

Theo chị, nhạc cụ truyền thống đặc biệt là đàn Bầu có vai trò như thế nào trong việc thể hiện tình cảm với Bác Hồ qua nghệ thuật?

- Tôi luôn cho rằng nhạc cụ truyền thống giữ một vai trò đặc biệt trong âm nhạc dân tộc nói chung và trong các chương trình nghệ thuật tưởng nhớ Bác Hồ nói riêng. Đàn Bầu là một nhạc cụ độc đáo của Việt Nam. Âm thanh của nó gần với giọng hát của con người, da diết, mượt mà và rất tình.

Trong các tiết mục mang âm hưởng trữ tình sâu lắng, đàn bầu dễ dàng “hát lên” nỗi niềm, xúc cảm của nghệ sĩ.

Với riêng tôi, khi chơi đàn trong những ca khúc về Bác, không chỉ đơn thuần là biểu diễn, mà đó là lúc tôi thể hiện lòng biết ơn, sự kính trọng dành cho vị lãnh tụ vĩ đại nhất của dân tộc. Đó là cảm xúc khó có thể diễn tả hết được bằng lời.

NSƯT Lệ Giang

NSƯT Lệ Giang

Nếu gửi một thông điệp đến công chúng thông qua chương trình, đặc biệt là thế hệ trẻ, chị muốn nói điều gì?

- Tôi cho rằng, chương trình “Quà tháng 5 dâng Người” không chỉ là một buổi biểu diễn nghệ thuật, mà là dịp để mỗi người dân Việt Nam đặc biệt là giới trẻ lắng lại, chiêm nghiệm về những giá trị lớn lao mà Bác Hồ để lại.

Thông qua âm nhạc, nghệ thuật, đặc biệt là thanh âm từ những nhạc cụ truyền thống như đàn Bầu, chúng tôi mong muốn khơi dậy lòng tự hào, tình yêu quê hương đất nước, và sự tri ân sâu sắc trong trái tim mỗi người. Khi trái tim nghệ sĩ hòa cùng trái tim khán giả, đó là khi nghệ thuật thực sự có sức sống.

NGỌC NHIÊN - ĐÌNH TOÁN

Nguồn Văn hóa: http://baovanhoa.vn/nghe-thuat/tieng-dan-bau-moc-mac-gui-tron-tinh-cam-voi-bac-ho-134438.html
Zalo