Viết tiếp câu chuyện làng mộc Đông Khương

Nghề mộc truyền thống làng Đông Khương tiếp tục được những nghệ nhân tâm huyết phát triển, viết tiếp câu chuyện lịch sử làng nghề cùng với câu chuyện nỗ lực bảo tồn, phát huy và truyền nghề của những thế hệ nghệ nhân ở làng.

Làng Đông Yên xưa nay là làng Đông Khương (phường Điện Phương, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam) là vùng đất lưu giữ nhiều di tích, là chứng tích của nghề mộc truyền thống. Nghệ nhân nhân dân Nguyễn Văn Tiếp (sinh năm 1954) là hậu duệ đời thứ 5 của gia đình làm nghề mộc chạm khắc gỗ của làng Đông Khương.

Từ nhỏ, ông đã được học nghề từ ông nội, một thợ mộc chạm trổ nổi tiếng ở làng. Đầu những năm 80, ông Nguyễn Văn Tiếp quyết tâm gầy dựng xưởng mộc sản xuất các mặt hàng mộc cao cấp, điêu khắc, chạm trổ tinh vi, cầu kỳ, mang tính mỹ thuật cao, dù gặp khó khăn trong việc tiếp cận thị trường, khách hàng ít...

Bên cạnh các mặt hàng điêu khắc, chạm trổ nghệ thuật, cao cấp, ông cũng tập trung chuyên sâu những sản phẩm truyền thống như thiết kế không gian thờ, bàn thờ gia tiên, hoành phi câu đối. Các sản phẩm trang trí nội thất, mang tính nghệ thuật độc đáo như tranh tượng, phù điêu…

Những sản phẩm mộc mỹ nghệ chế tác hoàn toàn thủ công, chạm trổ tinh xảo, mang tính thẩm mỹ cao được khách hàng đánh giá cao, ngày càng nhiều người tìm đến đặt hàng.

Từng sản phẩm được ông cẩn thận lựa chọn từ nguyên liệu, thiết kế tạo dáng, chạm khắc tỉ mỉ để mang lại sức sống, cái hồn riêng lạ độc đáo, không hề trùng lắp nhau ở mỗi sản phẩm. Nghệ nhân Nguyễn Văn Tiếp còn đảm nhận phục chế ở nhiều ngôi chùa, nhà thờ, nhà cổ, nhiều công trình lớn trong và ngoài tỉnh.

Năm 2007, địa phương quy hoạch cụm làng nghề Đông Khương với diện tích 7 ha, nghề mộc và nghề gốm đỏ truyền thống là hai chủ thể chính cho cụm làng nghề với mong muốn hình thành nên những tuyến tham quan, điểm đến du lịch làng nghề, làng quê sinh thái tại thị xã Điện Bàn, vùng đất kết nối hai di sản văn hóa thế giới Hội An - Mỹ Sơn.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Tiếp được nhà nước cấp cho thuê 4.000m2 để xây dựng khu sản xuất mộc mỹ nghệ, xây dựng một không gian thờ tổ nghề. Tại đây nghệ nhân cũng bỏ công sưu tầm những tác phẩm mộc cổ xưa để trưng bày, bên cạnh đó cũng để những tác phẩm được ông sáng tác thời nay, cũng là để cho học trò, thế hệ trẻ có cơ hội tiếp cận, học hỏi những nét chạm trổ nghệ thuật như một sự tiếp biến, kế thừa.

Tại cơ sở mộc của nghệ nhân Nguyễn Văn Tiếp, từ lúc mới lập nghiệp đến lúc phát triển thành cụm du lịch làng nghề có tiếng, quy mô, thời điểm nào ông cũng sẵn lòng nhận dạy nghề miễn phí cho những bạn trẻ có hoàn cảnh khó khăn ở làng nhưng mong muốn theo đuổi nghề mộc truyền thống.

Nhiều lứa thợ trẻ được ông đào tạo miễn phí, thậm chí được hỗ trợ chi phí sinh hoạt, ăn uống, tận tâm cầm tay chỉ việc từng dấu đục, đường điêu khắc. Học trò luôn được ông dặn dò, muốn theo nghề, sống được với nghề, bên cạnh cái tài, sự khéo léo thì phải đặt chữ “tâm” vào nghề, vào từng sản phẩm, có vậy sản phẩm làm ra mới có hồn, sinh động, không rập khuôn. Có thời điểm, cơ sở nhận dạy nghề cho hàng chục bạn trẻ.

KHÁNH CHI

Nguồn Văn hóa: http://baovanhoa.vn/van-hoa/viet-tiep-cau-chuyen-lang-moc-dong-khuong-134529.html
Zalo