Tiến sĩ trẻ người Nùng đam mê văn hóa dân tộc xứ Lạng
Đó là anh Lý Viết Trường (sinh năm 1994), Tiến sĩ Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, Đại học Quốc gia Hà Nội, 1 trong 9 gương mặt 'vàng' được vinh danh tại giải thưởng 'Khuê Văn Các' do Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức.
Có dịp trò chuyện cùng anh Lý Viết Trường vào những ngày cuối tháng 11/2024, chúng tôi ấn tượng bởi gương mặt sáng, thần thái tự tin của anh. Anh Trường sinh ra và lớn lên tại xã Thạch Đạn, huyện Cao Lộc. Ngay từ nhỏ, anh đã có niềm đam mê và yêu thích với văn hóa dân tộc, đặc biệt là văn hóa dân tộc của người Nùng, Tày. Sau khi học hết THPT, năm 2012, anh thi đại học và đỗ vào Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội. Năm 2016, anh tiếp tục theo học Thạc sĩ tại trường.
Với nhiều bài viết, công trình nghiên cứu được đăng tải trên Tạp chí Văn nghệ Xứ Lạng, năm 2018, anh được kết nạp vào Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Lạng Sơn. Từ năm 2018 đến nay, anh trở thành nghiên cứu viên của Phòng Nghiên cứu Khu vực học, Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển - Đại học Quốc gia Hà Nội. Năm 2019, anh tiếp tục theo học tiến sĩ chuyên ngành Dân tộc học, Học viện Dân tộc học và Xã hội học, Đại học Dân tộc Quảng Tây, Trung Quốc.
Chúng tôi biết đến anh Trường từ Giải thưởng Khuê Văn Các. Đây là giải thưởng lớn nhằm tôn vinh các nhà khoa học trẻ trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, không quá 35 tuổi. Giải thưởng là nơi hội tụ những nhà khoa học trẻ đang học tập, nghiên cứu và làm việc ở trong hoặc ngoài nước có thành tích xuất sắc trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn như: luật học, giáo dục học, kinh tế học, văn hóa - nghệ thuật, triết học - chính trị học - xã hội học và sử học - khảo cổ học - dân tộc học - nhân học. Vượt qua gần 50 thí sinh trên cả nước, anh Lý Viết Trường đã xuất sắc trở thành 1 trong 9 gương mặt “vàng” được vinh danh tại giải thưởng.
Anh Lý Viết Trường chia sẻ: Xuất thân là người dân tộc Nùng (Phàn Slình) nên ngay từ khi còn nhỏ, tôi đã được lớn lên trong không gian văn hóa, hiểu được những nếp sống, nếp nghĩ và nếp sinh hoạt của người dân tộc Nùng. Đó cũng là lý do khi bước vào con đường khoa học, tôi đã lựa chọn nghiên cứu về văn hóa dân tộc của người Nùng, Tày. Đến với giải thưởng vừa rồi, bên cạnh việc thử sức ở một giải thưởng về khoa học xã hội và nhân văn, tôi cũng muốn truyền cảm hứng tới nhiều bạn trẻ, tình yêu đối với văn hóa dân tộc của quê hương xứ Lạng. Để chuẩn bị tốt cho giải thưởng, tôi đã lựa chọn, nghiên cứu những đề tài khoa học tiêu biểu, có tính thực tiễn cao, mang đậm nét văn hóa dân tộc để dự thi.
Với sự nỗ lực không ngừng nghỉ, đến nay, anh Trường đã công bố hơn 30 công trình khoa học với 9 đầu sách, hơn 30 bài tạp chí và kỷ yếu hội thảo quốc tế, quốc gia. Toàn bộ các công trình khoa học đều tập trung vào lĩnh vực nghiên cứu văn hóa vùng biên giới Việt - Trung nói chung và văn hóa các dân tộc Nùng và Tày nói riêng. Những nghiên cứu này đã góp phần cung cấp một góc nhìn toàn diện, chuyên sâu về các lĩnh vực đời sống văn hóa, xã hội của các dân tộc thiểu số vùng biên giới Việt - Trung. Tiêu biểu trong đó là các công trình về di sản phi vật thể được viết chung và riêng như: “Nghi lễ cưới hỏi của người Nùng Phàn Slình” (Nhà xuất bản Hội Nhà văn, xuất bản năm 2019), “Tri thức địa phương của dân tộc Nùng trong chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em” (Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội, xuất bản năm 2021), “Tương trợ cộng đồng trong nghi lễ vòng đời của người Nùng Phàn Slình ở Lạng Sơn” (Nhà xuất bản Văn hóa Dân tộc, xuất bản năm 2020),“Từ điển văn hóa Then” (Nhà xuất bản Thế giới, xuất bản năm 2021), “Ngôn ngữ các dân tộc Thái - Kadai ở Việt Nam” (Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội, xuất bản năm 2023)…
Bên cạnh những nghiên cứu tập trung vào khía cạnh di sản văn hóa Nùng và Tày, từ năm 2019 đến nay, anh Lý Viết Trường còn đam mê nghiên cứu, so sánh văn hóa giữa người Nùng và Tày ở Việt Nam với người Choang ở Trung Quốc. Các dân tộc Nùng, Tày, Choang vốn là những dân tộc có nhiều điểm tương đồng về mặt văn hóa và ngôn ngữ. Trong bối cảnh hai dân tộc sống ở hai vùng biên giới Việt – Trung, việc nghiên cứu này mang ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển hòa bình, hữu nghị của mối quan hệ láng giềng Việt Nam - Trung Quốc.
Chia sẻ thêm về mục tiêu thời gian tới, anh Lý Viết Trường sẽ tiếp tục nâng cao trình độ chuyên môn, mở ra những hướng phát triển mới. Anh cũng xác định sẽ kiên trì trên hành trình nghiên cứu dân tộc học, để có nhiều hơn sự đóng góp với công cuộc bảo tồn, quảng bá và phát huy giá trị văn hóa của các dân tộc thiểu số.
Bà Vi Thị Thu Đạm, Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Lạng Sơn nhận xét: Là người con của đồng bào dân tộc thiểu số ở Lạng Sơn, Lý Viết Trường đã chọn hướng đi đúng là tìm hiểu, nghiên cứu về văn hóa của người dân tộc Nùng, Tày. Những bài viết, công trình nghiên cứu của tiến sĩ trẻ Lý Viết Trường đã và đang góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc của người dân Xứ Lạng nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung. Đây là một trong những nhiệm vụ rất quan trọng để bảo tồn di sản văn hóa, đóng góp vào sự đa dạng văn hóa toàn cầu, định danh các giá trị văn hóa Việt Nam trên bản đồ văn hóa thế giới.
Với niềm đam mê nghiên cứu văn hóa và trách nhiệm lớn lao, hy vọng rằng, tiến sĩ Lý Viết Trường sẽ luôn giữ được nhiệt huyết tuổi trẻ để tiếp tục phát triển, hoàn thiện bản thân, cống hiến nhiều công trình khoa học về văn hóa dân tộc và đạt được nhiều thành công trong cuộc sống.