Tiến sĩ khai khoa xứ Đàng Trong

Từ một thiếu niên không được đi học, không biết chữ nhưng chỉ 12 năm đèn sách đã đỗ Tiến sĩ, trở thành nhà khoa bảng đầu tiên của xứ Đàng Trong.

Đình – chùa Câu Nhi là những nơi còn lưu giữ dấu tích về Tiến sĩ Bùi Dục Tài.

Đình – chùa Câu Nhi là những nơi còn lưu giữ dấu tích về Tiến sĩ Bùi Dục Tài.

Đó là Tiến sĩ Bùi Dục Tài (1477 - 1518), người làng Câu Nhi, xã Hải Phong (Hải Lăng, Quảng Trị). Sau 12 năm đèn sách, năm 24 tuổi ông bắt đầu ứng thí, vượt qua 4 trường thi trong 20 ngày để tranh tài với 5.000 sĩ tử bốn phương trong khoa thi Hội tại Thăng Long và tiến vào thi Đình trong sân rồng điện Kính Thiên.

13 tuổi vẫn chưa biết chữ

Theo gia phả họ Bùi làng Câu Nhi, từ thế kỷ 14 tằng tổ họ Bùi là Bùi Thung gốc ở Nam Định tham gia quân đội nhà Trần vào đánh dẹp quân Champa ở phương Nam. Khi đến xứ trung đô Thanh Hóa thì lâm bệnh nặng. Nhờ có thầy thuốc đưa về nhà chạy chữa, qua được cơn thập tử nhất sinh, sau lại được thầy thuốc và xóm làng mến phục cho đăng vào danh tịch địa phương, dựng vợ gả chồng, bầu làm đầu mục. Trải ba đời sinh hạ con cháu, làm ăn phát đạt.

Ở đời thứ tư có ông Bùi Trành tư chất thông minh, hào hiệp, nghĩa lý tinh thông, văn chương mẫn tiệp, nói năng hoạt bát nên được vua giao nhiệm vụ hiệp lực với Úy lạo sứ Nguyễn Văn Chánh, Đô hành kiểm soát sứ Phạm Duyến vào Nam thương thuyết với quân Chiêm; đồng thời quan sát địa hình phòng khi có chiến sự.

Bùi Trành nhiều lần vào xứ Thuận Hóa, thông thạo ngôn ngữ, phong tục tập quán và giao tiếp mật thiết với người Chiêm, được người bản xứ tôn kính, mến phục. Nhân triều đình thông báo việc chiêu dân vào xứ Ô Châu, trương khẩn vùng đất mới, ông liền khởi ứng chiêu mộ được 21 người, tương ứng với 12 họ có công đầu trong việc lập làng.

 Sau sự kiện Huyền Trân công chúa lấy vua Chế Mân, đèo Hải Vân trở thành biên giới giữa hai nước Đại Việt và Champa.

Sau sự kiện Huyền Trân công chúa lấy vua Chế Mân, đèo Hải Vân trở thành biên giới giữa hai nước Đại Việt và Champa.

Gia phả cũng cho biết, Bùi Dục Tài là cháu đời thứ 5 của Bùi Trành. Bố là Bùi Sĩ Phường, bấy giờ làm xã trưởng nhưng cảnh nhà thanh bần. Năm 13 tuổi, Bùi Dục Tài vẫn chưa được đi học. Nhân chưa thu nộp đủ thuế, quan huyện thân hành đến nhà đốc thúc, quở mắng thậm tệ. Ông Bùi Sĩ Phường phải cúi đầu chịu tội, xin quan trên lượng thứ và hứa làm đúng theo lời răn dạy của thượng quan.

Bùi Dục Tài chứng kiến cảnh tượng ấy nên khi quan huyện ra về, Bùi Dục Tài liền hỏi thân phụ rằng: “Cha ơi, ông nớ làm chi mà vô nhà mình mắng nhiếc cha dữ rứa?”. Phụ thân ông đáp: “Con ơi, ông nớ là quan huyện, cố tình trách mắng dân tình ai cũng được”. Bùi Dục Tài hỏi thêm: “Ông nớ làm răng mà làm được quan huyện hả cha?”. Người cha lại bảo với con rằng: “Ông ấy học cao thi đỗ thì được bổ ra làm quan”.

Bùi Dục Tài phân vân nói với cha: “Con tưởng ông ta có tài chi, chứ còn học cao thi đỗ rồi được ra làm quan thì con cũng làm được, cha cho con đi học, con sẽ quyết chí thi đỗ và làm quan cho cha coi”.

Người cha nghe con nói mà chạnh lòng nghĩ suy, thấy con còn nhỏ mà nói có ý thức, chí khí nên đã bàn với vợ: “Nhà mình nghèo, nhưng ý chí của con đã vậy thì mình cố gắng tần tảo để cho con đi học. Có gì khó khăn tôi sẽ trao đổi với các chú, các anh trong gia tộc đỡ đần”. Và may mắn là tất cả các chú, các anh em trong đại gia đình đã đồng tình, khích lệ giúp đỡ cho Bùi Dục Tài trong bước đường học hành.

12 năm đèn sách đỗ ngay Tiến sĩ

Xứ Thuận Hóa là địa danh hành chính cũ của vùng đất bao gồm Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng và phía Bắc Quảng Nam. Đây nguyên là đất các châu Bố Chính, Địa Lý, Ma Linh, Châu Ô, Châu Rí của Chiêm Thành.

Sau rất nhiều biến thiên lịch sử, năm 1307 vua Trần Anh Tông tiếp thu hai châu là châu Ô, châu Rí (vốn là quà sính lễ của vua Chiêm là Chế Mân khi lấy công chúa Huyền Trân), và đổi tên là châu Thuận và châu Hóa. Sau này hai châu được gom lại thành phủ Thuận Hóa dưới thời nội thuộc nhà Minh.

 Văn bia Tiến sĩ khoa thi năm Nhâm Tuất (1502) – Bùi Dục Tài đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân.

Văn bia Tiến sĩ khoa thi năm Nhâm Tuất (1502) – Bùi Dục Tài đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân.

Năm 1466, vua Lê Thánh Tông phân chia địa giới hành chính cả nước Đại Việt thành 12 đạo thừa tuyên và chính thức đặt Thuận Hóa làm thừa tuyên Thuận Hóa. Như vậy, tính từ mốc năm 1307 đến khi Bùi Dục Tài đi học thì vùng đất này nhập vào Đại Việt chưa đến 200 năm.

Là vùng đất mới nên cử nghiệp, học hành, đèn sách vùng Thuận Hóa còn mỏng manh, sơ khai. Trong khi sĩ tử từ vùng Thanh - Nghệ trở ra đã trải qua mấy thế kỷ học hành, thi cử và thừa hưởng những điều kiện học tập tốt hơn. Thế mà trong vòng 12 năm (khoảng 1490 - 1502), Bùi Dục Tài từ một thiếu niên không biết chữ trở thành một nho sinh danh chấn thiên hạ.

Năm Tân Dậu, niên hiệu Cảnh Thống thứ 4 đời vua Lê Hiến Tông (1501) Bùi Dục Tài lều chõng đi thi Hương. Thuở ấy cả nước chia làm 13 xứ, Bùi Dục Tài thi tại trường thi Hương xứ Thuận Hóa. Ông vượt qua 4 trường thi trong 20 ngày. Mùa Xuân năm 1502, ông lặn lội từ Hải Lăng ra Thăng Long thi Hội, tranh tài với 5.000 thí sinh cả nước.

Trải qua bốn trường thi, 61 người được vào thi Đình ở sân điện Kính Thiên, là cuộc thi cao nhất để chọn Tam khôi. Vua Lê Hiến Tông đích thân ra đề văn sách hỏi về công việc đế vương trị nước. Người đỗ Trạng nguyên khoa ấy là Lê Ích Mộc người Thanh Lãng, huyện Thanh Đường (nay là Thủy Nguyên, Hải Phòng). Trong 24 người ở hàng Đệ nhị giáp Tiến sĩ, có tên Bùi Dục Tài, 34 người còn lại đều đạt học vị Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân.

Bùi Dục Tài và các tân khoa được ban áo chầu bằng vải ô sa, một mũ phác đầu hai cánh, lá đề tam sơn bằng bạc giống mũ tam khôi, đai bịt thau làm bằng gỗ hương bọc lụa màu tím than và cành hoa bạc, 1 cây 6 cành nặng 6 đồng cân, được cả huyện đi rước.

Tiến sĩ Bùi Dục Tài đã đem về cho quê hương Câu Nhi nói riêng, cho xứ Thuận Hóa nói chung vẻ vang chưa từng có. Ông trở thành Tiến sĩ khai khoa, dựng mốc son học vấn, khoa cử cho cả Đàng Trong suốt hơn 400 năm về sau.

Sự kiện này, trong “Ô Châu cận lục” có bình rằng: “Đặng Tất thắng trận Bô Cô quân uy lừng lẫy, Bùi Dục Tài đỗ Tiến sĩ khai khoa cho một địa phương danh tiếng tuyệt vời… Cái tài văn chương chính sự của Bùi Dục Tài thật là người giỏi của cả nước chứ không phải là người giỏi của xứ Ô Châu”.

Bùi Dục Tài ra làm quan lúc 25 tuổi, trải 15 năm, sử cũ chép vắn tắt: “Ông nổi tiếng văn học, làm quan trải các chức Hàn lâm Hiệu lý (1502). Tham chính đạo Thanh Hoa. Năm Hồng Thuận I, đời Lê Tương Dực (1509) ông được thăng chức Lại bộ Tả thị lang.

Dưới thời Lê Chiêu Tông, niên hiệu Quang Thiệu (1546 - 1522), ông giữ chức Tham tướng. Khi trở về kinh lý ở xứ Thuận Hóa bị gian đảng sát hại” (Ô Châu cận lục). Một số nguồn tư liệu ghi rõ hơn: “Triều đình giao ông chức Tham tướng và đưa về Thuận Hóa vận động nhân dân và sĩ phu chống lại âm mưu chiếm ngôi của Mạc Đăng Dung. Khi trở ra Thăng Long ông đã bị bọn tay chân của họ Mạc sát hại”.

Tiến sĩ khai khoa anh dũng giết giặc

Gia phả ghi về cái chết của Bùi Dục Tài như sau: Năm 1518, đời vua Lê Chiêu Tông, niên hiệu Quang Thiệu thứ 3 có bọn Đô Kiềm, Đô Chức nổi lên làm loạn nhiễu hại quân dân, triều đình giao cho ông kiêm chức Tham tướng đem quân đi dẹp loạn.

Ông giết được tên Đô Kiềm còn Đô Chức chạy thoát nuôi chí báo thù. Khi mang quân trở về Thăng Long, ngang địa phận Bàu Đá, huyện Võ Xương (nay thuộc làng Cẩm Thạch, xã Cam Giang, Cam Lộ, Quảng Trị) là nơi hoang vắng, gặp quân Đô Chức xuất trận bất ngờ.

Biết bị mai phục vẫn dũng cảm đánh quân phản nghịch đến hơi thở cuối cùng. Nhân dân làng Cẩm Thạch dựng miếu lớn thờ ông tại chỗ. Sách “Ô Châu cận lục” chép rằng: “Cái chết của ông Bùi Dục Tài chẳng phải là sự bất hạnh của ông Bùi Dục Tài, mà chính là sự bất hạnh của triều Lê...”.

Trong phổ hệ của gia tộc dòng họ Bùi cũng đã ghi chép lưu truyền rõ ràng bằng mấy câu đối: Nam kỳ khoa giáp thụ tiền mao, kỳ sanh bất ngẫu/ Cẩm thạch sơn hà lưu chính khí, thị tử du (Văn chương lừng lẫy xứ Nam kỳ, bia còn tạc/ Khí tiết lưu truyền làng Cẩm Thạch, chết thơm danh).

 Lăng mộ Tiến sĩ Bùi Dục Tài.

Lăng mộ Tiến sĩ Bùi Dục Tài.

Là người tiết nghĩa trung quân, Bùi Dục Tài được vua Lê Chiêu Tông truy tặng chức Lễ bộ Thượng thư. Làng rước sắc phong và cả thi hài của ông đưa về chôn cất ở cồn cát Yên Biều, Câu Nhi, hưởng thọ 41 tuổi. Làng Câu Nhi dựng miếu thờ ông trong khuôn viên chùa lớn của làng. Năm Tự Đức thứ 11 (1858) nhân triều đình kiểm kê khen thưởng những người có công với nước, làng chép sự tích của ông nộp lên, được truy phong “Tuấn lương tôn thần”.

Sách “Ô Châu cận lục” cho biết, con trai của Tiến sĩ Bùi Dục Tài là Bùi Vĩ đậu nho sinh trúng thức. Khi giặc Liễn nổi loạn, Vĩ bởi có em gái bị giặc dụ dỗ đi theo, vì thế nên Mạc Thái Tổ ghét sĩ phu kiêu bạc ghép tội xử tử. Bởi thế nên nếp nhà bị sa sút đi.

Khái quát về Tiến sĩ Bùi Dục Tài, nhà nho Dương Văn An (đỗ Tiến sĩ năm 1547) đánh giá: “Bùi Dục Tài về chính trị và văn chương xứng đáng là bậc hiền tài trong thiên hạ”. 200 năm sau, nhà bác học Lê Quý Đôn khen Bùi Dục Tài: “Văn mạch một phương dằng dặc không dứt”. Ngày nay, trong từ điển văn hóa Việt Nam xác nhận “Bùi Dục Tài nổi tiếng là một tri thức xuất sắc”. Nhưng trên hết, Bùi Dục Tài là tấm gương tiêu biểu về lòng ham học và ý chí khổ học để thành tài.

Sau 200 năm Thuận Hóa nhập vào nước Đại Việt, Bùi Dục Tài là người đầu tiên ở Đàng Trong đỗ Tiến sĩ, ra làm quan, là ngọn cờ đầu dấy lên ở mảnh đất phương Nam khai nghiệp văn phong khoa mục. Từ khi Bùi Dục Tài đỗ Tiến sĩ, làng Câu Nhi cũng sản sinh thêm nhiều người ưu tú, đỗ đạt và làm quan dưới các triều đại.

Dưới triều Mạc có vị tướng nổi tiếng là Hoàng Bôi từng giữ chức Phó tướng đạo Thuận - Quảng, được phong Viêm đàm bá, thăng Đồng tri Thiêm vệ; triều Tây Sơn có Lễ bộ Thượng thư Bùi Văn Tú; Huấn đạo Chánh đô ty Bùi Văn Chương; thời vua Tự Đức nhà Nguyễn có nhà khoa bảng Nguyễn Tăng Doãn, làm quan đến chức Thượng thư.

Sau 5 thế kỷ, hiện khu mộ Tiến sĩ Bùi Dục Tài vẫn được bảo lưu trong nghĩa trang làng Câu Nhi, và được xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh vào năm 2017. Liên quan đến Bùi Dục Tài còn có nhiều địa điểm di tích như: Khu Văn thánh, nhà thờ họ Bùi, miếu thờ làng Cẩm Thạch, chùa Quan Khố.

Trong tất cả các địa điểm này thì chùa Quan Khố được xem là di tích điển hình hơn cả. Dưới thời vua Lê Tương Dực (1509 - 1516), Bùi Dục Tài đã xin triều đình cho tu bổ một trong các quan khố trong làng để làm chùa và được gọi tên là chùa Quan Khố.

Trong khuôn viên chùa trước đây có 4 ngôi miếu được xây dựng theo lối kiến trúc là bộ khung gỗ theo kiểu nhà rường, dạng sàn gác lửng có 4 cột, mái lợp ngói liệt. Đó là ngôi miếu thờ Bùi Dục Tài - người sáng lập ra chùa; miếu thờ Hoàng Bôi - một viên tướng thời Mạc cùng 2 ngôi miếu thờ cô hồn và các họ thất truyền. Những ngôi miếu này hiện không còn, tất cả đã bị hư hại; duy chỉ còn một bệ đá hình rùa vốn là bệ bia ghi danh Bùi Dục Tài.

Đình làng Câu Nhi và chùa Quan Khố cũng như cuộc đời sự nghiệp của vị Tiến sĩ khai khoa Bùi Dục Tài trong quá trình tồn tại đã qua nhiều biến thiên thăng trầm. Những gì còn lại so với ngày xưa dẫu có quá ít nhưng đó là những sản phẩm văn hóa được tích hợp sau một chặng đường khá dài của đất và người làng Câu Nhi trên hành trình chinh phục và đấu tranh để tạo dựng quê hương, làng xóm.

Tri ân công đức bậc tiên hiền - Tiến sĩ Bùi Dục Tài, ngày 4/8/2003 UBND tỉnh Quảng Trị đã ra Quyết định số 1513/2003/QĐ-UB về việc Ban hành quy chế giải thưởng Bùi Dục Tài tỉnh Quảng Trị để khen thưởng cho các học sinh, sinh viên có kết quả cao trong các kỳ thi học sinh, sinh viên giỏi. Tên của ông cũng được chọn để đặt cho một số tuyến đường và trường học tại tỉnh Quảng Trị.

Trần Siêu

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/tien-si-khai-khoa-xu-dang-trong-post714553.html
Zalo