Tiến sĩ kể chuyện làm giáo dục ngày đầu giải phóng
Kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất đất nước, Nhà giáo ưu tú, PGS.TS Cao Minh Thì (nguyên Giám đốc Sở giáo dục - Đào tạo TP Hồ Chí Minh) lại bồi hồi nhớ lại những ngày tháng 4 của năm 1975, ông trở lại miền Nam tiếp quản Sài Gòn và bắt tay vào công cuộc 'trồng người' những năm đầu giải phóng.
“Có phải bò tôi cũng vào miền Nam”
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng tại Cần Thơ, khi vừa học xong lớp tiểu học và đang là anh bộ đội thuộc biên chế của Trung đoàn Tây Đô thì một ngày cuối tháng 11/1954 Cao Minh Thì nhận lệnh tập kết miền Bắc.
Trở thành học sinh miền Nam trên đất Bắc, Cao Minh Thì xuất sắc thi đỗ vào Khoa vật lý của trường Đại học sư phạm Hà Nội và được giữ lại trường làm giảng viên vào năm 1960. Mặc dù có công việc và gia đình ổn định ở Hà Nội nhưng thầy giáo Cao Minh Thì vẫn luôn nung nấu trong lòng ý muốn đi B vì nỗi nhớ miền Nam luôn nóng bỏng trong tim. Năm 1964, ông làm đơn gửi Ban Thống nhất Trung ương trình bày nguyện vọng của mình nhưng được trả lời “không đi B, chuẩn bị sang Liên Xô nghiên cứu sinh”.

PGS.TS Cao Minh Thì (bên phải) thời điểm làm Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo TP Hồ Chí Minh.
Tạm gác lại nỗi niềm khắc khoải về quê hương miền Nam, thầy giáo Cao Minh Thì lên tàu sang Liên Xô. Sau 4 năm miệt mài học tập, nghiên cứu, cuối cùng ông đã bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ Vật lý tại trường Đại học tổng hợp Lomonoxop với 40/40 phiếu đồng ý công nhận của toàn hội đồng.
Tháng 2/1975, TS. Cao Minh Thì vẫn đang trong quá trình dưỡng bệnh ở Hà Nội thì ông Hồ Trúc, Thứ trưởng Bộ Đại học đến thăm và truyền đạt chủ trương: “Chuẩn bị đi Nam, đi được không?” Mừng quá, TS. Thì trả lời ngay: “Bây giờ có phải bò tôi cũng đi”.
Ngày 25/4/1975, đoàn cán bộ đi tiếp quản lên chuyến bay từ sân bay Gia Lâm vào Đà Nẵng. Sau hai ngày nghỉ lại, đoàn di chuyển bằng xe ô tô trên Quốc lộ 1A thẳng tiến vào Nam. “Tôi nhớ rõ không khí của Sài Gòn ngày giải phóng hân hoan khó tả. Buồn vui lúc đó nhiều lắm. Ngày chiến thắng nghĩ đến hòa bình, mình được sống trong đất nước thống nhất rồi. Tôi gặp lại mẹ, vừa mừng, vừa thương, bà nghẹn ngào: “Ngày hôm qua mẹ có bảy đứa con, ba đứa hy sinh rồi, hai đứa bị giam ở Tổng Nha cảnh sát, hai đứa ngoài Bắc, tụi giặc tuyên truyền bị bỏ bom chết hết. Bỗng hôm nay về một lúc 4 đứa. Đây là niềm hạnh phúc lớn nhất trong suốt 20 năm chờ đợi của mẹ”.
Làm giáo dục ngày đầu giải phóng
Trở vào miền Nam tiếp quản Sài Gòn, TS. Cao Minh Thì đã bắt tay ngay vào nhiệm vụ được giao. Ông cùng hơn 10 anh em về Bộ giáo dục của chế độ cũ ở đường Lê Thánh Tông (quận 1 ngày nay).
Công việc tiếp quản đi vào ổn định, TS. Cao Minh Thì được phân công làm Trưởng Ban quân quản Trường Đại học giáo dục Sài Gòn (sau này là Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh). Sau đó được phân công làm Phó hiệu trưởng Trường Đại học sư phạm TP Hồ Chí Minh. Thời điểm này, trường còn vô cùng thiếu thốn, không có các cơ sở và trang thiết bị cần thiết để dạy và làm thí nghiệm. TS. Cao Minh Thì đã nhiều lần ra Hà Nội để xin và mua trang thiết bị rồi chất lên xe tải chở vào Sài Gòn. Ông mắc võng ngủ trên xe nhiều ngày đêm để giám sát những chuyến hàng cập bến an toàn, đầy đủ. Tuy nhiên, thiếu trang thiết bị không phải là việc khó khăn nhất vào thời điểm đó, mà vấn đề nan giải chính là thiếu đội ngũ giáo viên đủ năng lực và phẩm chất để đáp ứng yêu cầu tào đạo trong giai đoạn chuyển giao này. Việc đầu tiên, TS. Cao Minh Thì trực tiếp phụ trách khoa Tại chức, mở các khóa đào tạo giáo viên. Liên tục từ năm 1975 – 1981, trường đã hoàn thành các khóa đào tạo giáo viên cho thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.
Năm 1981, TS. Cao Minh Thì được phân công làm hiệu trưởng Trường Cao đẳng sư phạm TP Hồ Chí Minh. Lúc này, đời sống của đội ngũ giáo viên vẫn còn nhiều thiếu thốn, phần đông đều phải làm thêm nghề tay trái để có thêm thu nhập. Bản thân hiệu trưởng Cao Minh Thì cũng phải mở một tiệm may nhỏ ở nhà, để “sáng thầy, chiều thợ, tối làm thơ”.

Tháng 3/2025, Nhà giáo Cao Minh Thì (bên phải) vinh dự đón nhận huy hiệu 65 năm tuổi Đảng.
Dù khó khăn, thiếu thốn thì tình yêu nghề giáo trong trái tim và huyết quản của TS. Cao Minh Thì chưa bao giờ nguội lạnh. Ngay cả khi ông giữ chức vụ Giám đốc sở Giáo dục và Đào tạo thành phố vào năm 1989, ông vẫn gác lại mọi thứ của riêng mình, vẫn miệt mài đi về cơ sở, làm những việc tỉ mỉ nhất như: tìm đất xây nhà trẻ, mở lớp bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nâng cao thu nhập cho giáo viên… Suốt cuộc đời làm nhà giáo của mình, ông luôn trăn trở ba điều: Thiếu trường, thiếu lớp, thiếu thầy. Chính vì những đau đáu ấy mà ông, dù đã 88 đời, 65 năm tuổi Đảng, cơ thể mang nhiều thương tật nhưng chưa bao giờ ông cho phép bản thân thôi cống hiến cho sự nghiệp “trồng người” của thành phố mang tên Bác.