Tiến sĩ điển trai truyền cảm hứng văn hóa Khmer cho sinh viên

Tiến sĩ Sơn Cao Thắng của Trường Đại học Trà Vinh được nhiều sinh viên thán phục nhờ cách giảng dạy nghệ thuật truyền thống Khmer đầy cảm hứng.

Hành trình từ đứa trẻ yêu nghệ thuật đến tiến sĩ

Sơn Cao Thắng là con út trong gia đình có hai anh em. Gia đình Thắng có truyền thống văn hóa nghệ thuật.

Ông bà nội của anh là bầu gánh hát Dù Kê tại phum sóc ấp Điệp Thạch, xã Đa Lộc, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh. Cha anh là Achar dạy chữ Khmer tại chùa Điệp Thạch, cũng là nghệ nhân mộc gia dụng, ông còn biểu diễn được nhiều loại hình nhạc cụ Khmer.

Đặc biệt, mẹ anh có chất giọng ngọt ngào, thuộc nhiều bài dân ca và làn điệu Ba-sắc. Lời ru của mẹ và âm nhạc của cha đã sớm giúp Thắng hình thành tình yêu nghệ thuật từ nhỏ, đặc biệt ở lĩnh vực âm nhạc và múa. Sau khi đi tu báo hiếu, Thắng tiếp tục học tập chữ Việt lẫn chữ Bali để trau dồi kiến thức.

TS Sơn Cao Thắng là Phó trưởng Khoa Ngôn ngữ - Văn hóa - Nghệ thuật Khmer Nam Bộ. Ảnh: NVCC

TS Sơn Cao Thắng là Phó trưởng Khoa Ngôn ngữ - Văn hóa - Nghệ thuật Khmer Nam Bộ. Ảnh: NVCC

Yêu văn hóa nghệ thuật của dân tộc mình nên Sơn Cao Thắng chọn học ngành Văn hóa Khmer Nam bộ của Trường Đại học Trà Vinh. Anh chia sẻ sở dĩ chọn học ngành này vì muốn quảng bá, bồi đắp tâm hồn, niềm đam mê nghệ thuật Khmer Nam bộ cho các bạn trẻ.

Sau khi tốt nghiệp đại học năm 2011, anh được giữ lại trường công tác.

“Trà Vinh là tỉnh có đông đồng bào dân tộc Khmer. Bản sắc văn hóa Khmer ở Trà Vinh được thể hiện sinh động qua tiếng nói, chữ viết, lễ hội, tập quán sinh hoạt và hơn 140 ngôi chùa Phật giáo Nam tông Khmer - những trung tâm tinh thần, tín ngưỡng, văn hóa đặc trưng của cộng đồng.

Tôi đã tìm đến những sư sãi, Achar và người có uy tín để bồi dưỡng, học hỏi thêm nhiều kiến thức… Qua đó, tôi càng ngày càng thấy yêu văn hóa của dân tộc mình” - anh chia sẻ.

TS Thắng (áo xanh) hướng dẫn học trò chế mặt nạ Khmer. Ảnh: NVCC

TS Thắng (áo xanh) hướng dẫn học trò chế mặt nạ Khmer. Ảnh: NVCC

Đi sâu tìm hiểu văn hóa dân tộc, anh Thắng nhận ra kiến thức của mình còn hạn hẹp và quyết định học vượt lên bậc tiến sĩ (TS). Năm 2023, anh tốt nghiệp tiến sĩ với luận án “Múa Khmer Nam Bộ: truyền thống và biến đổi”.

Hiện tại, TS Sơn Cao Thắng là Phó trưởng Khoa Ngôn ngữ - Văn hóa - Nghệ thuật Khmer Nam Bộ của Trường Ngôn ngữ - Văn hóa - Nghệ thuật Khmer Nam Bộ và Nhân văn, Trường Đại học Trà Vinh.

Giảng viên “giữ lửa” cho nghệ thuật Khmer Nam bộ

Là người con của dân tộc Khmer, nhiều năm qua, TS Thắng "trình làng" hàng loạt nghiên cứu khoa học như: Múa của người Khmer ở Trà Vinh; Mão và mặt nạ trong múa Ream kêr: những sáng tạo văn hóa của người Khmer Nam Bộ; Giá trị nghệ thuật “Phlêng Pin Peat” của người Khmer trong đời sống hiện đại; Tri thức dân gian của người Khmer Trà Vinh trong sáng tạo nghệ thuật biểu diễn; Nghệ thuật múa trong sân khấu Rô băm của người Khmer Nam Bộ; Nhận diện biến đổi văn hóa truyền thống qua biến đổi nghệ thuật múa Khmer Nam bộ hiện nay; Nâng cao chất lượng đào tạo âm nhạc truyền thống Khmer tại Trường Đại học Trà Vinh bằng giải pháp ký âm,…

Trong đó, vị TS trẻ tìm ra được căn nguyên và lý giải những câu hỏi hóc búa.

Đặc biệt, để bảo tồn và phát triển văn hóa Khmer Nam bộ, TS Thắng không chỉ nghiên cứu mà còn hiện thực hóa bằng những sản phẩm mão, mặt nạ biểu diễn và dàn nhạc Ngũ âm, ghe Ngo tí hon…

Mô hình chiếc ghe Ngo có kích thước nhỏ gọn cộng thêm mẫu mã bắt mắt, hoa văn đặc trưng đã trở thành sản phẩm quà tặng đầy ý nghĩa. Sản phẩm mô hình mão, mặt nạ biểu diễn Khmer cũng được tạo ra hết sức công phu. Theo đó, TS Thắng vừa làm nguyên bản để cung cấp cho các đoàn nghệ thuật Khmer, vừa chế tác những mô hình nhỏ gọn để làm sản phẩm du lịch.

Thầy Thắng hướng dẫn các bạn trẻ múa truyền thống Khmer. Ảnh: NVCC

Thầy Thắng hướng dẫn các bạn trẻ múa truyền thống Khmer. Ảnh: NVCC

Chia sẻ thêm, anh Thắng cho biết năm 2016, sau khi thực hiện thành công đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường "Nghiên cứu, chế tác mão, mặt nạ múa cổ điển của người Khmer Nam bộ”, anh đã hướng dẫn học trò Thạch Huỳnh Thươne (hiện là học viên cao học ngành Văn hóa học) tham gia cuộc thi khởi nghiệp trong sinh viên, kết quả đạt giải nhất cấp tỉnh.

Ngoài việc giảng dạy, anh còn lập cơ sở chế tác, quy tụ nhiều sinh viên và cựu sinh viên Trường Đại học Trà Vinh, tạo điều kiện để em có thêm thu nhập và nuôi dưỡng tình yêu văn hóa truyền thống.

TS Thắng sửa động tác tay cho các bạn trẻ khi múa. Ảnh: NVCC

TS Thắng sửa động tác tay cho các bạn trẻ khi múa. Ảnh: NVCC

Qua 14 năm công tác, TS Thắng có nhiều bài tham luận, bài viết được xuất bản, chủ nhiệm 2 đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường và là thành viên thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ. Anh cũng là tác giả 1 cuốn sách chuyên khảo được Trường Đại học Trà Vinh đưa vào sử dụng...

Tại trường, TS Thắng giảng dạy những học phần lý luận có liên quan đến múa như nghệ thuật Khmer Nam bộ; thực hành về múa như biểu diễn, âm nhạc và múa Khmer Nam bộ cho sinh viên các ngành biểu diễn nhạc cụ truyền thống và âm nhạc học.

TS Thắng có nhiều đề tài nghiên cứu được công bố. Ảnh: NVCC

TS Thắng có nhiều đề tài nghiên cứu được công bố. Ảnh: NVCC

Bên cạnh đó, anh còn tham gia sinh hoạt và dạy múa Khmer cho thành viên câu lạc bộ văn hóa - nghệ thuật, dạy múa cho học sinh ở các trường...

Anh cũng hỗ trợ dạy múa cho Hội phụ nữ phường 8 và Trung tâm sinh hoạt thanh thiếu nhi tỉnh Trà Vinh vào dịp nghỉ hè; dạy múa cho cộng đồng ở các chùa Phật giáo Nam tông Khmer vào các buổi tối.

Theo TS Thắng, nội dung giảng dạy múa sẽ có: múa cổ điển, múa dân gian Khmer Nam bộ với các bài học như cơ bản, giao lưu và nâng cao…

Đứng quan sát và chỉnh sửa từng động tác, điệu múa cho học trò, TS Thắng cho hay: “Có những em lần đầu tiên tham gia, dù chưa biết gì về động tác múa cơ bản nhưng đều đam mê học hỏi, chăm chỉ, chịu khó luyện tập. Điều đó làm cho tôi cảm thấy rất vui và xua tan mỏi mệt”.

Ngoài ra, anh cùng các giảng viên, sinh viên thường xuyên tham gia sáng tác, biểu diễn tại các hội thi, hội diễn văn nghệ trong, ngoài tỉnh, khu vực, toàn quốc và quốc tế và đạt nhiều giải thưởng cao.

Năm 2019, 2023, 2024, anh dẫn dắt đội văn nghệ Khmer của trường đi biểu diễn tại Ấn Độ và đạt giấy chứng nhận của Trường Đại học Calcutta, chứng nhận của Thống đốc bang Chhattisgarh.

Hoài Thanh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/tien-si-dien-trai-day-mua-truyen-cam-hung-van-hoa-khmer-cho-sinh-vien-2401272.html
Zalo