Tiến sĩ của làng
(Baoquangngai.vn)- Sinh ra và lớn lên ở xã Nghĩa Trung (Tư Nghĩa), Tiến sĩ, bác sĩ Trần Hữu Dũng (41 tuổi), hiện đang là giảng viên của Trường Đại học Y dược (Đại học Huế) đã góp phần làm rạng danh quê hương khi kiên trì theo đuổi việc học và trở thành tiến sĩ ở tuổi 35.
Ngay từ khi còn là một học sinh trung học cơ sở, người học trò Trần Hữu Dũng đã nuôi dưỡng một khát khao trở thành bác sĩ để cứu người. “Sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm nghề y, tôi sớm tiếp xúc và chứng kiến hành trình chống chọi với bệnh tật của nhiều bệnh nhân. Chính điều này đã tác động sâu sắc và hun đúc trong tôi quyết tâm nối nghiệp cha mình, khoác trên mình chiếc áo blouse trắng để có thể giúp nhiều người thoát khỏi bệnh tật”, anh Dũng bộc bạch.
Tốt nghiệp ngành Y đa khoa của Trường Đại học Y dược (Đại học Huế) năm 2009, người bác sĩ Trần Hữu Dũng đã dành thêm 6 năm học tập miệt mài để trở thành bác sĩ nội trú; thạc sĩ, bác sĩ nội trú, chuyên khoa I và sau đó là tiến sĩ chuyên ngành Chấn thương chỉnh hình.
Hoàn thành chương trình và bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại Trường Đại học Y Hamamatsu, Nhật Bản trước kỳ hạn 1 năm, chàng trai xứ Quảng Trần Hữu Dũng nói, đây là kết quả của những nỗ lực học tập không nhừng nghỉ, để sớm trở lại Việt Nam, tiếp tục với công việc giảng dạy và điều trị bệnh nhân. Trường Đại học Y Hamamatsu, nơi người bác sĩ 8X được nhận học bổng toàn phần nghiên cứu sinh và tốt nghiệp tiến sĩ, hiện ở vị trí 153 trên bảng xếp hạng đại học của Châu Á, trong lĩnh vực Y học, theo EduRank.
Chỉ trong vòng 4 năm (từ năm 2018 - 2021), Tiến sĩ, bác sĩ Trần Hữu Dũng đã tích lũy cho mình 4 công trình khoa học và công nghệ; 3 nghiên cứu khoa học được công bố trên các tạp chí quốc tế được xếp nhóm đầu trong các nhóm tạp chí có tính khoa học và ứng dụng cao trong y khoa.
Có nhiều cơ hội phát triển ở nước ngoài, song, Tiến sĩ, bác sĩ Trần Hữu Dũng quyết định trở về nước, đồng hành cùng tập thể Trường Đại học Y dược (Đại học Huế) trong đào tạo nguồn nhân lực bác sĩ, bác sĩ chuyên khoa I, II, thạc sĩ và tiến sĩ cho nước nhà. Đồng thời, kiêm nhiệm bác sĩ điều trị tại Khoa Chấn thương chỉnh hình của Trường Đại học Y Dược (Đại học Huế).
Năm 2022, với đề tài nghiên cứu về “Quá trình thoái hóa khớp gối liên quan đến sinh cơ học và động học của khớp háng”, Tiến sĩ, bác sĩ Trần Hữu Dũng đã xuất sắc đoạt giải Nhất tại Hội nghị khoa học và công nghệ tuổi trẻ ngành y tế lần thứ XXI do Bộ Y tế phối hợp với Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức.
“Sau khi học xong tiến sĩ, có nhiều bệnh viện mời tôi về làm việc với mức đãi ngộ cao và vị trí tốt. Song, Trường Đại học Y dược là nơi đã giữ tôi ở lại sau khi tôi tốt nghiệp đại học và tạo nhiều cơ hội để tôi được học tập và phát triển. Tôi đã xem đây như mái nhà thứ 2 của tôi. Vì vậy, tôi lựa chọn trở về ngôi trường mà mình đã học tập và làm việc để cống hiến”, anh Dũng bộc bạch.
Trên hành trình từ một học sinh của Trường THPT Tư Nghĩa 1 (Tư Nghĩa), trở thành tiến sĩ, bác sĩ của Trường Đại học Y Dược (Đại học Huế), người tiến sĩ sinh ra từ làng Trần Hữu Dũng giản dị tâm sự rằng, trong suốt chặng được đã qua, dù là học tập hay làm việc, tôi không bỏ sót bất cứ cơ hội nào để được học. Tôi đã từng là một cậu học trò học tập bình thường đến mức, khi thi vào lớp 10 của Trường THPT Tư Nghĩa 1, ba mẹ và thầy cô giáo sợ tôi thi rớt. Song, chính nhờ thái độ học hỏi không ngừng, đã giúp tôi dần dà trở thành “phiên bản” tốt hơn của chính mình.
Ba năm học tập dưới mái trường cấp 3, để tích lũy cho mình đủ kiến thức bước vào kỳ thi đại học, cậu học trò Trần Hữu Dũng thường xuyên mang sách vở đến nhà các thầy cô để học và hỏi những chỗ mình còn khúc mắc. Sáu năm học ngành Y đa khoa tại Trường Đại học Y dược (Đại học Huế), chàng sinh viên Trần Hữu Dũng vừa học trên trường, vừa xin các thầy cô để được tham gia thực tế nhiều hơn tại các phòng mổ. Bởi, với sinh viên y khoa, đây là cơ hội để họ được tiếp cận với quá trình phẫu thuật và tham gia hỗ trợ các bác sĩ phẫu thuật. Sự chuyên cần và ham học hỏi này đã giúp chàng sinh viên y khoa Trần Hữu Dũng rèn luyện sớm cho mình nhiều kỹ năng quan trọng trong phẫu thuật.
“Với tôi, dù là đi học, hay đi làm, nếu muốn thành công, thì ngoài việc phải lựa chọn đúng môn học, công việc mà mình yêu thích, mỗi người còn cần có một người thầy tốt. Tôi may mắn khi từ lúc còn là sinh viên năm 2 đại học, đã được tham gia thực tế các ca mổ của PGS.TS Lê Nghi Thành Nhân. Ông là người thầy khiến tôi nể phục và quyết tâm theo đuổi ngành Chấn thương chỉnh hình. Sự chỉn chu của thầy ở từng khâu trong ca phẫu thuật, cái tâm luôn đặt bệnh nhân là trung tâm của thầy là những bài học quý giá mà tôi mãi khắc ghi và quyết tâm noi theo”, anh Dũng tâm sự.
Sau khi trở thành tiến sĩ tuổi 35, vừa “chinh phục” thành công nhiều ca bệnh khó và là người thầy hướng dẫn cho rất nhiều các lứa sinh viên, bác sĩ khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước hoàn thành các chương trình khi theo học tại Trường Đại học Y dược (Đại học Huế); Tiến sĩ, bác sĩ quê ở Quảng Ngãi Trần Hữu Dũng vẫn tiếp tục học hỏi, rèn luyện không ngừng để nâng cao trình độ chuyên môn.
“Đam mê học tập về chấn thương chỉnh hình, nhưng không vì thế, mà tôi giới hạn bản thân. Tôi trau dồi năng lực chuyên môn và học hỏi từ những đồng nghiệp đi trước để thực hiện các ca phẫu thuật đa khoa. Bởi, tôi hiểu rằng, một bác sĩ có chuyên môn tốt, sẽ giúp bệnh nhân nâng cao được tỷ lệ sống và khỏe mạnh trở về với gia đình. Vì vậy, tôi luôn đòi hỏi cao ở chính bản thân mình; luôn học hỏi, trau dồi chuyên môn”, Tiến sĩ, bác sĩ Trần Hữu Dũng bộc bạch.