Tiền Giang: Giáo dục mũi nhọn - Hướng đi đúng đắn, gặt hái quả ngọt

Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia (HSGQG) THPT năm học 2024 - 2025 đã khép lại với những kết quả đầy khích lệ đối với tỉnh Tiền Giang. Trong tổng số 90 thí sinh tham dự ở 9 môn thi, tỉnh Tiền Giang đã có 44 em đạt giải, chiếm gần 49% số lượng thí sinh dự thi.

Thành tích trên không chỉ phản ánh sự nỗ lực của học sinh Tiền Giang mà còn là kết quả của những đổi mới trong chiến lược đào tạo của ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh nhà. Tuy nhiên, để tiếp tục vươn xa và củng cố vị thế, Tiền Giang cần có chiến lược phát triển giáo dục mũi nhọn bài bản và đột phá hơn nữa.

NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG

Theo Sở GD-ĐT tỉnh Tiền Giang, những năm qua, chất lượng cũng như số lượng HSGQG THPT của tỉnh Tiền Giang đã có những bước đột phá đáng khích lệ. Nếu xét trong khoảng 4 năm học gần đây, tỉnh đạt 9 giải HSGQG trong năm học 2021 - 2022, thì đến năm học 2022 - 2023 tăng lên 18 giải, xếp thứ tư khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Đến năm học 2023 - 2024, với 46 giải HSGQG, Tiền Giang đứng đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long về số lượng giải. Bước sang năm học 2024 - 2025, mặc dù tỉnh Tiền Giang có số lượng giải HSGQG ít hơn 2 giải nhưng chất lượng giải đã được nâng lên rõ rệt. Cụ thể trong 44 giải, Tiền Giang có 6 giải Nhì, 13 giải Ba và 25 giải Khuyến khích.

Lãnh đạo ngành GD-ĐT tỉnh Tiền Giang thăm hỏi, động viên Đội tuyển HSGQG năm học 2024 - 2025 của tỉnh.

Theo đánh giá của Sở GD-ĐT, có được những thành quả trên đó là nhờ sự quan tâm của các cấp lãnh đạo tỉnh, tinh thần cộng đồng trách nhiệm của đội ngũ giáo viên và hơn ai hết đó là sự nỗ lực cố gắng của các em học sinh trong các đội tuyển.

Theo phân tích của thầy Lê Sỹ Thái, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Tiền Giang, một trong nhiều bài học kinh nghiệm được rút ra là tỉnh Tiền Giang đã có chiến lược đúng đắn trong công tác bồi dưỡng HSGQG. Với vai trò đầu tàu, Trường THPT Chuyên Tiền Giang đã xây dựng kế hoạch chi tiết, phù hợp hơn với điều kiện và hoàn cảnh thực tế; rà soát và tìm ra những bất cập, hạn chế trong việc xây dựng, soạn giảng chương trình bồi dưỡng học sinh giỏi; chỉ đạo việc thực hiện kế hoạch ôn luyện...

Số lượng HSGQG tỉnh Tiền Giang qua từng năm học.

Số lượng HSGQG tỉnh Tiền Giang qua từng năm học.

Số lượng giải HSGQG của tỉnh Tiền Giang năm học 2024 - 2025.

“Cụ thể như trong năm học 2024 - 2025, thời gian bồi dưỡng HSGQG được xây dựng 12 tuần với 3 giai đoạn chính, gồm: Giai đoạn 1 với hơn 4 tuần củng cố kiến thức, giai đoạn 2 với khoảng 4 tuần bồi dưỡng chuyên sâu và giai đoạn 3 ôn tập tổng hợp các chuyên đề với khoảng 4 tuần. Giáo viên giảng dạy các đội tuyển học sinh giỏi là những thầy cô có trình độ chuyên môn tốt, nhiệt tình và có kinh nghiệm giảng dạy lâu năm ở các bộ môn, đặc biệt là có kinh nghiệm bồi dưỡng HSGGQ nhiều năm. Trong giai đoạn nước rút, sau khi bàn bạc, được sự đồng thuận từ phía phụ huynh, học sinh các đội tuyển dự thi Kỳ thi HSGQG đã được học tập, bố trí ăn ở tại Trường THPT Chuyên Tiền Giang”, thầy Thái cho biết.

HƯỚNG ĐI TRONG THỜI GIAN TỚI

Thực tế nhiều năm qua đã chứng minh, tỉnh Tiền Giang đã có những bước đi đúng đắn trong công tác bồi dưỡng HSGQG, gặt hái được nhiều thành tích đáng tự hào.

Đầu tiên, muốn có học sinh giỏi, trước hết cần có một chiến lược cũng như phương pháp phát hiện và bồi dưỡng tài năng thật sự hiệu quả. Thay vì chỉ tập trung vào việc luyện thi ở năm cuối cấp, các trường cần có chiến lược phát hiện và rèn luyện học sinh có tố chất ngay từ những năm đầu bậc THCS, THPT.

Theo thầy Võ Hoài Nhân Trung, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu (TP. Mỹ Tho), không chỉ đánh giá qua điểm số, công tác tuyển chọn học sinh giỏi cần chú trọng đến tư duy sáng tạo, khả năng giải quyết vấn đề và niềm đam mê với môn học. Việc xây dựng hệ thống học tập chuyên sâu, kết hợp giữa kiến thức lý thuyết và thực hành sẽ giúp học sinh phát huy tối đa năng lực, thay vì chỉ tiếp cận theo hướng học thuộc lòng hay luyện giải đề một cách máy móc.

Bên cạnh đó, các trường cần tổ chức nhiều kỳ thi thử theo định dạng quốc gia, giúp học sinh làm quen với áp lực phòng thi và có chiến lược làm bài hiệu quả. Điều này không chỉ giúp các em nâng cao kỹ năng mà còn tạo tâm thế vững vàng khi bước vào những cuộc thi lớn.

Có thể thấy, chất lượng học sinh giỏi phụ thuộc rất lớn vào đội ngũ giáo viên. Một giáo viên giỏi không chỉ truyền đạt kiến thức mà còn khơi dậy niềm đam mê, giúp học sinh phát triển tư duy và khả năng tự học. Do đó, trong chiến lược phát triển đội ngũ nhà giáo của tỉnh trong thời gian tới, Tiền Giang sẽ tiếp tục đầu tư vào công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên giỏi chuyên môn và giàu kinh nghiệm.

Theo đó, Tiền Giang sẽ tổ chức các lớp tập huấn chuyên sâu ở các bộ môn để giáo viên nâng cao phương pháp giảng dạy. Ngoài ra, các trường tăng cường giao lưu, trao đổi kinh nghiệm với các trường có thành tích cao để trao đổi chuyên môn, chất lượng giảng dạy. Về lâu dài, ngành GD-ĐT sẽ có chính sách tối ưu cho giáo viên bồi dưỡng học sinh giỏi, giúp họ yên tâm cống hiến và sáng tạo trong giảng dạy.

Một vấn đề nữa là trong công tác nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn là tỉnh sẽ tăng cường đầu tư cơ sở vật chất. Theo đó, cùng với việc triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018, Tiền Giang đã và đang đầu tư hệ thống cơ sở vật chất, đầu tư vào hệ thống phòng thí nghiệm hiện đại, trang thiết bị dạy học tiên tiến, tạo điều kiện cho học sinh có cơ hội thực hành nhiều hơn thay vì chỉ học lý thuyết. Bên cạnh đó, việc số hóa tài liệu học tập, xây dựng thư viện điện tử cũng là một giải pháp giúp học sinh tiếp cận nguồn tài liệu phong phú, phục vụ tốt hơn cho quá trình học tập và nghiên cứu.

Thành tích tại Kỳ thi HSGQG trong nhiều năm qua được xem là động lực để Tiền Giang tiếp tục nâng tầm giáo dục mũi nhọn. Tuy nhiên, để duy trì và phát triển thành tích này, ngành GD-ĐT tỉnh nhà cần một chiến lược dài hơi, đồng bộ và mang tính đột phá hơn nữa.

ĐỖ PHI

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/giao-duc/202502/tien-giang-giao-duc-mui-nhon-huong-di-dung-dan-gat-hai-qua-ngot-1033375/
Zalo