Tiên phong bảo tồn nghề truyền thống
Theo dòng thời gian, cuộc sống phát triển len lỏi đến từng ngõ nhỏ của vùng sâu, vùng xa huyện biên giới Lộc Ninh. Đời sống, diện mạo nông thôn nơi đây ngày càng thay đổi. Tuy nhiên, không khó để bắt gặp hình ảnh những chiếc gùi vẫn đong đưa trên lưng theo bước chân của người S'tiêng lên rẫy, ra đồng. Nét văn hóa ấy được gìn giữ đến ngày nay nhờ sự đóng góp của các già làng, người có uy tín nơi đây.
Phát huy giá trị văn hóa truyền thống
Lộc Ninh là huyện biên giới, có 18 dân tộc anh em cùng sinh sống, với 24.840 người, chiếm 21,73% dân số toàn huyện, trong đó dân tộc S’tiêng và Khmer chiếm khoảng 80%. Mỗi dân tộc có một sắc thái văn hóa riêng, tạo nên nền văn hóa truyền thống vô cùng đặc sắc. Trong đó, đồng bào dân tộc S’tiêng chiếm tỷ lệ cao. Việc bảo tồn các nét văn hóa truyền thống, đặc biệt là kỹ thuật đan lát góp phần giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc S’tiêng trong thời kỳ mới. Việc bảo tồn này được đặt lên vai các già làng, người có uy tín trong cộng đồng.
Trên địa bàn huyện Lộc Ninh hiện có 64 già làng, người có uy tín. Các già làng, người có uy tín đều am hiểu phong tục, tập quán của đồng bào mình, có kinh nghiệm sống, là tấm gương sáng, đi đầu trong sinh hoạt, lao động, sản xuất và gìn giữ nét văn hóa truyền thống. Trong số đó có ông Điểu Phun, người có uy tín ở ấp 8B, xã Lộc Hòa, là tấm gương đi đầu trong gìn giữ nghề đan lát truyền thống của người S’tiêng. Dù bận rộn đến đâu ông vẫn luôn giữ thói quen đan lát hằng ngày. Những ngày lên nương rẫy ông thường tranh thủ chặt tre, phơi, lấy cây trâm làm nguyên liệu đan lát. Những ngày rảnh rỗi ông cùng các già làng, người có uy tín, bà con nhân dân tập trung quây quần bên nhau, mỗi người một công đoạn chung tay hoàn thành các sản phẩm đan lát.
Ông Điểu Phun cho biết: Trước kia, người dân trong ấp sống chủ yếu nhờ vào ruộng, rẫy nên rất cần những dụng cụ cho lao động, sản xuất và sinh hoạt bằng mây, tre đan. Từ nhỏ, tôi thường theo cha vào rừng kiếm vật liệu về đan gùi, nia, rổ... Thấy tôi ham học nghề nên cha chỉ dạy tường tận từng cách đan. Theo kinh nghiệm, muốn có sản phẩm tốt, người làm nghề phải biết chọn nguyên liệu là những cây thẳng, dài, ít nhất 1 năm tuổi trở lên. Cây non quá thì giòn, dễ gãy, khó làm được những sản phẩm bền chắc. Những cây già quá thì cứng, khó uốn.
Trong vô những phẩm đan lát của đồng bào S’tiêng, thì chiếc gùi là sản phẩm thông dụng và có mặt ở hầu hết hoạt động, sinh hoạt của người dân. Nó vừa là dụng cụ hữu ích vừa là đặc trưng văn hóa của đồng bào. Vì vậy, việc duy trì nghề truyền thống này được ông Điểu Phun và những người có uy tín ở xã Lộc Hòa đặc biệt quan tâm.

Ông Điểu Vem (bìa phải) cùng các già làng, người có uy tín chuẩn bị nguyên liệu đan lát
Cũng là người có uy tín ở ấp 8B, xã Lộc Hòa, ông Điểu Vem đã duy trì nghề đan lát theo kiểu cha truyền con nối. Ngày nay, ông muốn truyền dạy cho thanh niên trong ấp có niềm đam mê với nghề. Ông Điểu Vem cho biết: Việc sử dụng nguyên liệu phải phù hợp từng sản phẩm, tiết kiệm được nguyên liệu là thể hiện trình độ của người đan. Những đoạn nan tre ngắn thừa ra phải khéo léo tận dụng để đan những vật dụng nhỏ xinh, giúp tiết kiệm tối đa nguyên liệu. Đây là kinh nghiệm của những người làm nghề, thể hiện sự trân trọng với tài nguyên thiên nhiên và sự tận tâm với sản phẩm. Chẻ nan, chuốt nan là công đoạn đòi hỏi sự tỉ mẩn và kinh nghiệm. Dao chuốt nan không được quá sắc cũng không quá cùn, phải vừa đủ để tạo ra những sợi nan mềm mại, nhẵn nhụi, đều nhau thì khi đan không để lại kẽ hở, sản phẩm sẽ chắc chắn, đẹp và hoàn hảo hơn.
Muốn níu giữ “hơi thở của núi rừng”
Những sản phẩm đan lát như rổ rá, giỏ, gùi, nia… không chỉ là đồ dùng mà còn là "hơi thở của núi rừng", là tiếng vọng của truyền thuyết xưa. Mỗi sợi nan, mỗi thanh tre uốn lượn dưới bàn tay người thợ là cả một câu chuyện được kể bằng chất liệu tự nhiên. Đó là sự kiên trì bền bỉ, sự khéo léo, tinh tế, là tình yêu quê hương thắm đượm. Giữ gìn nghề đan lát là giữ gìn hồn cốt văn hóa, những giá trị tinh thần quý báu. Thổi hồn vào từng sản phẩm để nét văn hóa truyền thống sống mãi cùng năm tháng, gắn kết con người với thiên nhiên, với cội nguồn dân tộc. Và những già làng, người có uy tín ngày đêm gắn bó với nghề đan lát, với đôi bàn tay khéo léo, họ đang góp phần thổi hồn vào từng sản phẩm, để nghề truyền thống sống mãi với thời gian.
“Chúng tôi phải gìn giữ nghề đan lát này theo cách truyền thống, từ đường nét đan, hoa văn đến nguyên liệu tạo ra sản phẩm, màu nhuộm để cho ra sản phẩm bền, đẹp, mang đặc trưng riêng có của đồng bào”.
Ông Điểu Phun, người có uy tín ở ấp 8B, xã Lộc Hòa, huyện Lộc Ninh
Lo lắng nét văn hóa truyền thống sẽ bị mai một theo vòng quay cuộc sống hiện đại; những lúc xong việc đồng áng, các già làng, người có uy tín trong ấp ở huyện Lộc Ninh lại tranh thủ kiếm tre, đan gùi với mong muốn lưu giữ những sản phẩm thủ công truyền thống hiện hữu trong đời sống, cũng như lưu giữ nghề đan lát này cho thế hệ mai sau. Vừa chuốt từng nan tre, ông Điểu Vem vừa chia sẻ: Ngày xưa các thế hệ thanh niên đồng bào S’tiêng đều được tiếp xúc từ sớm với nghề đan lát truyền thống. Bởi đồng bào S’tiêng quan niệm: Thanh niên muốn lấy vợ trước tiên phải biết đan gùi để cho vợ mình mang trên vai đi hái rau, lấy nước, gùi gạo… phục vụ sinh hoạt, sản xuất của gia đình. Thứ hai, phải biết đan tranh để lợp nhà. Ngày nay, nhiều thanh niên trẻ không còn biết đến phong tục này nên bỏ qua nghề đan lát. Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy các vật dụng được tạo ra từ nan tre như gùi, rổ, nia, đơm cá… tất cả vẫn còn hiện hữu trong đời sống hằng ngày của người S’tiêng hiện nay. Giá trị sử dụng của sản phẩm này vẫn trường tồn theo thời gian. Và nó được nâng tầm lên thành nét văn hóa truyền thống có giá trị của đồng bào S’tiêng giữa cuộc sống hiện đại.

Ông Điểu Phun ở giữa cùng các già làng, người có uy tín trong xã thường xuyên tập trung đan lát


Ông Điểu Phun mong muốn bảo tồn và phát huy nghề đan lát trong thanh niên dân tộc thiểu số trên địa bàn
Cùng chung quan điểm với ông Điểu Vem, ông Điểu Phun cho biết: Những năm qua, chúng tôi duy trì nghề đan lát và ngày càng tập hợp được nhiều người dân, người có uy tín chung tay thực hiện tạo ra phong trào đan lát trong ấp và trên địa bàn xã. Qua đó, để truyền dạy cho lớp thanh niên trong xã biết đan lát, giữ gìn nét văn hóa truyền thống của dân tộc.
Bà Dương Thị Hạnh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Lộc Hòa cho biết: Các già làng, người có uy tín ở ấp 8B nói riêng và trên địa bàn xã Lộc Hòa nói chung rất tâm huyết trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Họ có những hành động thực tế, tạo được sự quan tâm của cộng đồng, từ đó tập hợp được nhiều người cùng chung tay thực hiện. Từ hiệu quả thực tế này, sắp tới xã có định hướng thành lập tổ hội nghề nghiệp liên quan đến lĩnh vực đan lát để tạo sự liên kết trong cộng đồng; giúp họ có thêm thu nhập từ chính nghề truyền thống, đồng thời phát huy được nét văn hóa truyền thống của đồng bào mình.