Tiền Giang thực hiện tốt công tác trẻ em

Trong chuyến làm việc tại Tiền Giang, đồng chí Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đã dành cho Báo Ấp Bắc buổi phỏng vấn về công tác trẻ em của tỉnh.

* Phóng viên (PV): Cục trưởng đánh giá thế nào về công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em của tỉnh Tiền Giang?

* Đồng chí Đặng Hoa Nam: Vừa qua, Cục Trẻ em có tổ chức Đoàn kiểm tra, trao đổi và tìm hiểu về những kinh nghiệm trong việc triển khai công tác trẻ em trên địa bàn tỉnh Tiền Giang. Đặc biệt, Đoàn cũng thực hiện kiểm tra chuyên đề đối với việc thực hiện 3 quyết định thực hiện đề án của Chính phủ mà Tiền Giang đã xây dựng kế hoạch và đang triển khai thực hiện. Đó là Đề án Chăm sóc phát triển toàn diện trẻ em trong giai đoạn đầu đời, tiếp cận các dịch vụ chăm sóc phát triển toàn diện tại gia đình và cộng đồng; Đề án Chăm sóc, bảo vệ trẻ khuyết tật tại cộng đồng và gia đình; Đề án Phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em, đặc biệt trong đó là phòng, chống tai nạn đuối nước cho trẻ em.

Qua kiểm tra, chúng tôi thấy rằng, tại Tiền Giang, công tác bảo vệ và chăm sóc và giáo dục trẻ em rất được quan tâm. Về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, Tiền Giang đã triển khai rất tốt về cơ cấu tổ chức, hội đồng bảo vệ chăm sóc trẻ em thành lập ở tất cả các cấp. Cấp tỉnh, cấp huyện đều kịp thời xây dựng kế hoạch thực hiện đề án và triển khai đến tận các địa bàn dân cư. Công tác bảo vệ và chăm sóc và giáo dục trẻ em tại Tiền Giang còn thu hút được sự đồng tâm hợp lực của cộng đồng.

Qua kiểm tra thực tế tại huyện Gò Công Tây, chúng tôi ghi nhận HĐND huyện đã có nhiều đầu tư cho trẻ em. Ví dụ, trên địa bàn huyện đã xây dựng được 10 hồ bơi từ nguồn kinh phí địa phương và 3 bể bơi tư nhân. Tất cả được huy động vào công tác dạy bơi, dạy kỹ năng an toàn trong môi trường nước nhằm phòng, chống đuối nước cho trẻ.

Ở Tiền Giang, tình trạng đuối nước nằm ở mức trung bình thấp của cả nước. Trong đó, huyện Gò Công Tây những năm gần đây hầu như không xảy ra đuối nước trẻ em. Mô hình phòng, chống đuối nước của huyện Gò Công Tây cần được nhân rộng ra các địa phương khác trong tỉnh. Chúng tôi cũng nhận thấy rằng, các đoàn thể như: Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh và các tổ chức xã hội khác có rất nhiều sáng kiến, nhiều mô hình để triển khai việc bảo vệ và chăm sóc trẻ em tại các cộng đồng dân cư. Ví dụ tại huyện Gò Công Tây, qua thống kê nhanh của chúng tôi thì huyện có đến 13 mô hình khác nhau của các tổ chức đang triển khai trực tiếp cho trẻ em hoặc liên quan đến trẻ em đang được duy trì.

* PV: Qua làm việc tại tỉnh và kiểm tra, giám sát thực tế tại cơ sở, Cục trưởng có khuyến nghị gì đối với công tác bảo vệ và chăm sóc và giáo dục trẻ em của Tiền Giang?

* Đồng chí Đặng Hoa Nam: Tôi mong rằng các mô hình bảo vệ và chăm sóc trẻ em tại cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh Tiền Giang sẽ có sự tham gia của chính quyền địa phương tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm. Từ đó, có sự điều chỉnh để nhân rộng các mô hình hiệu quả ở cộng đồng, của tổ chức chính trị - xã hội nhằm bảo vệ và chăm sóc trẻ em tốt hơn.

Cục trưởng Cục Trẻ em Đặng Hoa Nam cung cấp kiến thức và thảo luận với thành viên Hội đồng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em các cấp trên địa bàn tỉnh Tiền Giang về thực trạng công tác bảo vệ trẻ em tại các địa phương.

Cục trưởng Cục Trẻ em Đặng Hoa Nam cung cấp kiến thức và thảo luận với thành viên Hội đồng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em các cấp trên địa bàn tỉnh Tiền Giang về thực trạng công tác bảo vệ trẻ em tại các địa phương.

Một khuyến nghị nữa là, chúng tôi thấy hiện nay kinh phí, ngân sách địa phương đầu tư cho công tác trẻ em thông qua hệ thống Sở LĐ-TB&XH và các cơ quan chính trị - xã hội các cấp hiện nay vẫn còn rất hạn chế. Mức đầu tư này của tỉnh hiện ở mức trung bình thấp so với các địa phương khác trong cả nước. Tất nhiên, về mặt tổng thể, ngân sách địa phương đã chi rất lớn cho chính sách khác nhau như: Giáo dục, y tế hoặc đầu tư vào các thiết chế văn hóa phục vụ cho trẻ em.

Tuy nhiên, kinh phí đầu tư phân bổ cho Sở LĐ-TB&XH hằng năm cho công tác trẻ em thể hiện ở chỗ phần lớn kinh phí này sẽ được sử dụng cho việc bảo vệ và chăm sóc trẻ em, đặc biệt là cho công tác phòng ngừa xâm hại, phòng ngừa bạo lực đối với trẻ em. Cho nên, tôi mong rằng trong những năm tới, đặc biệt là trong những chu kỳ phát triển kinh tế - xã hội sau, Tiền Giang sẽ tăng mức đầu tư này lên, phù hợp với chi công ngân sách trên địa bàn tỉnh. Để làm sao chúng ta có thể mang lại những lợi ích tốt nhất cho trẻ em trên địa bàn tỉnh. Chúng ta có thể thực hiện tốt hơn nữa công tác phòng, chống tai nạn thương tích, tai nạn đuối nước cho trẻ em cũng như thực hiện các quyền khác của trẻ.

Một khuyến nghị nữa đó là, hiện nay chúng ta đang thực hiện Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị về thực hiện Đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIX, tôi mong là những nội dung, những quan điểm tại Chỉ thị 28 ngày 25-12-2023 của Bộ Chính trị về “Tăng cường công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” sẽ được cụ thể hóa trong nội dung nghị quyết, trong các văn kiện Đại hội đảng bộ các cấp, đặc biệt là trong văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh Tiền Giang nhiệm kỳ mới. Làm sao trong văn kiện, trong nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh thể hiện rõ hơn trách nhiệm bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và giải quyết các vấn đề về trẻ em trên địa bàn tỉnh, cũng như là trách nhiệm phân bổ nguồn lực, bao gồm ngân sách địa phương và nguồn nhân lực hợp lý cho công tác trẻ em.

Tôi mong rằng Tiền Giang sẽ trở thành điểm sáng của khu vực Nam bộ về chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ em trong thời gian sắp tới.

* PV: Xin cảm ơn Cục trưởng!

THỦY HÀ (thực hiện)

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/phong-van-doi-thoai/202411/dong-chi-dang-hoa-nam-cuc-truong-cuc-tre-em-tien-giang-thuc-hien-tot-cong-tac-tre-em-1027685/
Zalo