M&A ngân hàng và Những cuộc 'kén rể' còn để ngỏ
Năm 2024, dấu ấn đặc biệt nhất của thị trường mua bán - sáp nhập (M&A) ngân hàng có lẽ là những thương vụ chuyển giao bắt buộc. Trong khi đó, những thương vụ bán vốn tỷ USD của ngân hàng Việt vẫn đang trên bàn đàm phán và có thể sẽ sôi động hơn vào năm 2025.
Những thương vụ M&A đặc biệt
Giữa tháng 10/2024, hai cuộc chuyển giao ngân hàng bắt buộc đã diễn ra êm đẹp. Theo đó, Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (CB) và Ngân hàng Đại Dương (Ocean Bank) chính thức được chuyển giao bắt buộc cho Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và Ngân hàng TMCP Quân đội (MB). Đây là lần đầu tiên, hình thức M&A đặc biệt này diễn ra tại Việt Nam.
Chia sẻ về hình thức M&A chưa từng có tiền lệ này, PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng, sở dĩ chuyển giao các ngân hàng yếu kém trước đây chưa thực hiện được là do chưa có hành lang pháp lý. Từ ngày 1/7/2024, Luật Các tổ chức tín dụng (quy định rõ ràng về hình thức chuyển giao bắt buộc) có hiệu lực thì mới có hành lang pháp lý để thực hiện. Hành lang pháp lý này không chỉ bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền, mà còn giúp ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc yên tâm, không ảnh hưởng đến quyền lợi cổ đông cũng như khách hàng.
Vẫn còn quá sớm để đánh giá hiệu quả của hình thức M&A này, bởi quá trình xử lý ngân hàng yếu kém hậu chuyển giao bắt buộc có thể kéo dài 7 - 10 năm. Sau khi hoàn tất phương án chuyển giao bắt buộc, cả MB và Vietcombank cho biết có thể sáp nhập vào ngân hàng mẹ, duy trì CB và Ocean Bank như một ngân hàng con hoặc chuyển nhượng cho nhà đầu tư mới.
Được biết, ngoài CB và Ocean Bank, Chính phủ cũng đang hối thúc Ngân hàng Nhà nước sớm thực hiện chuyển giao bắt buộc 2 ngân hàng yếu kém khác là GPBank và DongA Bank, dự kiến diễn ra tháng 12/2024. Trước đó, cả VPBank và HDBank đều chia sẻ với cổ đông kế hoạch nhận chuyển giao ngân hàng yếu kém.
Nội áp đảo, ngoại dè dặt
Trong 2 năm gần đây, các thương vụ M&A ngân hàng khá trầm lắng. Tiêu biểu nhất phải kể đến Tập đoàn Thành Công (TC Group) tham gia góp vốn vào PGBank. Được biết, 3 doanh nghiệp liên quan đến Tập đoàn Thành Công (Công ty cổ phần Quốc tế Cường Phát, Công ty cổ phần Thương mại Vũ Anh Đức, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu và Phát triển thương mại Gia Linh) đang sở hữu 40% vốn PG Bank, sau khi mua lại 120 triệu cổ phiếu PGB từ Petrolimex trong phiên đấu giá hồi tháng 4/2023.
Một thương vụ M&A khá ồn ào thời gian gần đây là Gelex - Eximbank. Hiện Gelex nắm giữ 10% vốn điều lệ Eximbank.
Trong khi thị trường ngân hàng trong nước đón nhà đầu tư nội mới, thì các thương vụ đàm phán bán vốn cho nhà đầu tư ngoại không mấy suôn sẻ.
Theo kế hoạch ban đầu, trong năm nay, BIDV và Vietcombank đều có kế hoạch chào bán riêng lẻ cho đối tác ngoại, giá trị mỗi thương vụ lên tới hơn 1 tỷ USD. Tuy vậy, đến thời điểm này, cả hai thương vụ đều được hoãn sang năm 2025.
Vietcombank cho biết, việc thực hiện phương án phát hành cổ phiếu riêng lẻ của Vietcombank vẫn chưa hoàn thành và đang được tiếp tục xúc tiến.
Trong khi đó, chia sẻ với Bloomberg TV gần đây, ông Jens Lottner, Tổng giám đốc Ngân hàng Techcombank cho hay, Ngân hàng đang cân nhắc bán 15% vốn cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài phù hợp.
Những năm qua, nhiều ngân hàng rầm rộ tuyên bố kế hoạch tìm kiếm cổ đông chiến lược, song sau đó lại âm thầm rút lại kế hoạch. Hiện tại, nhiều ngân hàng không còn trình cổ đông kế hoạch bán vốn cho nước ngoài, song vẫn để ngỏ phương án này.
Trả lời cổ đông tại đại hội đồng cổ đông bất thường diễn ra giữa tháng 11/2024, ông Nguyễn Đức Thụy, Chủ tịch HĐQT LPBank cho hay, ngân hàng này chưa có kế hoạch bán vốn cho cổ đông nước ngoài, song xác định cổ đông nước ngoài sẽ là những cổ đông chiến lược, đem lại giá trị tích cực cho ngân hàng.
Theo các chuyên gia phân tích, sở dĩ các thương vụ bán vốn của ngân hàng nội cho các nhà đầu tư ngoại ngày càng khó khăn hơn là có hai lý do.
Thứ nhất, ngân hàng trong nước ngày càng khó tính hơn trong việc tìm kiếm nhà đầu tư ngoại, với tiêu chí “kén rể” không chỉ đòi hỏi về vốn, mà còn cả về công nghệ, năng lực quản trị, khả năng mở rộng khách hàng, hệ sinh thái…
Thứ hai, nhà đầu tư ngoại đã chọn lọc hơn trong tìm kiếm cơ hội đầu tư. Yếu tố mà nhà đầu tư ngoại quan tâm là các ngân hàng có nền tảng quản trị rủi ro tốt và khả năng sinh lời khả quan.
Trong khi các thương vụ bán vốn cho nhà đầu tư ngoại diễn ra không mấy suôn sẻ, thì từ đầu năm đến nay, nhiều nhà đầu tư ngoại lại cơ cấu danh mục hoặc rút vốn khỏi Việt Nam. Mới nhất, cuối tháng 10/2024, Ngân hàng Commonwealth Bank of Australia (CBA) ra thông báo bán ra khoảng 10% vốn điều lệ VIB sau khi đã bán ra 5% cuối tháng 9/2024.
Theo các chuyên gia kinh tế, trên thực tế, lĩnh vực ngân hàng Việt vẫn hấp dẫn nhờ làn sóng thu hút FDI và triển vọng tăng trưởng kinh tế sáng sủa. Việc một loạt cổ đông ngoại thoái vốn khỏi ngân hàng Việt không có nghĩa là thị trường ngân hàng Việt Nam kém hấp dẫn, mà chủ yếu do các tập đoàn tài chính, ngân hàng quốc tế cơ cấu lại danh mục đầu tư.