Tiền Giang: Phát triển đa ngành, đa lĩnh vực, hướng đến phát triển công nghiệp, thu hút đầu tư
Sau mấy mươi năm tập trung thực hiện các giải pháp hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế, cùng với cả nước Tiền Giang đã gặt hái được nhiều thành tựu quan trọng. Không những đảm bảo lương thực, chuyển hướng xuất khẩu gạo, kinh tế Tiền Giang bắt đầu phát triển đa ngành, lĩnh vực hướng đến phát triển công nghiệp, thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước, trở thành động lực mới cho phát triển.
QUY MÔ KINH TẾ TĂNG NHANH
Sau 50 năm ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, từ những nỗ lực không ngừng, tỉnh Tiền Giang đã có sự vươn mình mạnh mẽ trên mọi lĩnh vực. Nhờ sự chủ động đổi mới trên tất cả lĩnh vực, bức tranh kinh tế - xã hội tỉnh nhà đã gặt hái nhiều kết quả tích cực. Minh chứng nổi bật nhất trong quá trình vươn lên của tỉnh chính là thông qua tăng trưởng kinh tế GRDP. Theo phân tích của Sở Tài chính tỉnh Tiền Giang, trong giai đoạn 2010 - 2019, GRDP của tỉnh Tiền Giang thường xuyên duy trì ở mức tăng trưởng dương, dao động từ 4,8% - 10,6%.

Dự án Đường D7 và Khu dân cư hai bên đường góp phần thay đổi diện mạo Mỹ Tho. Ảnh: TRUNG HẬU
Dưới tác động của đại dịch Covid-19, GRDP tỉnh chỉ tăng 0,3% vào năm 2020 và giảm -0,9% trong năm 2021. Sau đại dịch, từ năm 2022 đến năm 2024, GRDP của Tiền Giang phục hồi và tăng trưởng nhanh chóng, đạt ở mức 7,1% năm 2022; 5,7% năm 2023 và 7,02% năm 2024. Như vậy, dù bị ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19, nền kinh tế Tiền Giang nói chung và các khu vực kinh tế nói riêng đã cho thấy sự phục hồi đáng kể trong 3 năm gần đây (2022 - 2024).
Những năm gần đây, tăng trưởng kinh tế GRDP của Tiền Giang phục hồi mạnh mẽ, đặc biệt là trong khu vực 2 và khu vực 3. Các khu vực này đóng vai trò quan trọng và có mức độ phục hồi nhanh hơn khu vực 1, đóng góp lớn vào sự tăng trưởng chung của tỉnh. Với mức tăng trưởng này, so với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long năm 2024, quy mô GRDP của tỉnh Tiền Giang đứng thứ 3, chỉ sau tỉnh Long An và Kiên Giang.
Trong giai đoạn chuyển dịch mô hình kinh tế, mặc dù nông nghiệp vẫn giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế tỉnh Tiền Giang, nhưng xu hướng giảm tỷ trọng là một dấu hiệu của quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa.
Tiền Giang đang chuyển từ nền kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp sang một nền kinh tế đa dạng hơn với sự đóng góp mạnh mẽ của các ngành Công nghiệp và Thương mại - dịch vụ. Sự gia tăng mạnh mẽ của khu vực công nghiệp là một tín hiệu tích cực cho sự phát triển của nền kinh tế Tiền Giang, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa.
Tỉnh cũng đang thúc đẩy phát triển, tập trung thu hút đầu tư công nghiệp chế biến, sản xuất hàng hóa có giá trị gia tăng cao, giúp nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế và tạo ra nhiều cơ hội việc làm. Trong khi đó, thương mại - dịch vụ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế, đặc biệt trong các lĩnh vực thương mại, vận tải, logistics và tài chính.

Một góc TP. Mỹ Tho hôm nay. Ảnh: TRUNG HẬU
Một trong những điểm nhấn đáng chú ý của tỉnh trong phát triển kinh tế - xã hội là thực hiện tốt công tác đầu tư công. Những năm qua, Tiền Giang luôn nằm trong nhóm các tỉnh, thành dẫn đầu cả nước về giải ngân vốn đầu tư công. Nhiều dự án, công trình được triển khai đã tạo sức lan tỏa, là động lực quan trọng để thúc đẩy kinh tế - xã hội tỉnh nhà phát triển.
Theo lãnh đạo Sở Tài chính, giai đoạn 2011 - 2015, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư (ICOR) của tỉnh tương đối tốt với ICOR là 2,89. Điều này cho thấy rằng, tỉnh Tiền Giang đã có thể sử dụng vốn khá hiệu quả trong giai đoạn đầu của quá trình phát triển kinh tế. Giai đoạn 2016 - 2020, ICOR tăng mạnh lên 4,62, phản ánh sự giảm hiệu quả trong việc sử dụng vốn.
Nguyên nhân chủ yếu là do đầu tư vào các dự án lớn, kéo dài thời gian hoàn vốn và không tạo ra sự tăng trưởng GDRP tương xứng trong ngắn hạn. Giai đoạn 2021 - 2025, mặc dù ICOR giảm xuống 4,43, nhưng hiệu quả sử dụng vốn vẫn chưa tối ưu. Điều này cũng đặt ra những thách thức không nhỏ trong việc triển khai các giải pháp thực hiện trong tương lai.
CHUYỂN MÌNH MẠNH MẼ
Nhìn ở khía cạnh khác hơn, một trong những kết quả ấn tượng trong hành trình đổi mới của Tiền Giang nằm ở lĩnh vực xuất khẩu. Theo đó, giai đoạn 2010 - 2019, Tiền Giang đã có sự tăng trưởng xuất khẩu ấn tượng, với kim ngạch xuất khẩu tăng gấp 5 lần trong suốt 10 năm. Điều này phản ánh sự chuyển mình mạnh mẽ của tỉnh, từ nền kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp sang nền kinh tế công nghiệp chế biến và xuất khẩu. Các ngành như chế biến thực phẩm, thủy sản, gạo và trái cây xuất khẩu đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế tỉnh.

Dự án Đường và Kè sông Bảo Định đang được thi công. Ảnh: MINH THÀNH
Còn trong giai đoạn 2020 - 2021 là thời gian đầy thử thách đối với xuất khẩu của Tiền Giang, khi dịch bệnh làm gián đoạn các chuỗi cung ứng toàn cầu, hạn chế sản xuất và vận chuyển. Tuy nhiên, tỉnh Tiền Giang đã vượt qua được những khó khăn này và phục hồi mạnh mẽ trong giai đoạn 2022 - 2024.
Sau khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, Tiền Giang đã chứng kiến một sự phục hồi mạnh mẽ, với kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng mạnh từ hơn 3,1 tỷ USD năm 2021 lên 6,5 tỷ USD năm 2024.
Chưa kể, Tiền Giang đang tập trung vào các sản phẩm xuất khẩu chủ lực có giá trị gia tăng cao như: Thực phẩm chế biến, gạo, trái cây, thủy sản. Đồng thời, Tiền Giang chú trọng mở rộng thị trường xuất khẩu, đặc biệt là sang các thị trường khó tính như: Châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc. So với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, năm 2024, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Tiền Giang đứng thứ 2, chỉ sau tỉnh Long An.
Kinh tế Tiền Giang ngày càng phát triển đã giúp tăng nguồn thu ngân sách tỉnh nhà. Theo phân tích thêm của Sở Tài chính, giai đoạn 2010 - 2019, thu ngân sách của tỉnh Tiền Giang duy trì mức tăng trưởng ổn định và bền vững, nhờ vào sự phát triển mạnh mẽ của các ngành Công nghiệp, Xây dựng và Dịch vụ, góp phần quan trọng giúp tỉnh duy trì nguồn thu ngân sách cho tỉnh. Đại dịch Covid-19 đã gây ra sự giảm sút đáng kể trong thu ngân sách vào năm 2020, 2021.
Tuy nhiên, các biện pháp hỗ trợ của Chính phủ và sự phục hồi dần của nền kinh tế đã giúp tỉnh vượt qua giai đoạn khó khăn này. Từ năm 2022, thu ngân sách bắt đầu phục hồi mạnh mẽ, cho thấy nền kinh tế tỉnh Tiền Giang bắt đầu phục hồi.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng có những chiến lược thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp và dịch vụ để tăng trưởng thu ngân sách trong dài hạn. Năm 2024, thu ngân sách của tỉnh đạt 11.384 tỷ đồng, đứng thứ 4 khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, chỉ xếp sau tỉnh Long An, Kiên Giang và TP. Cần Thơ.
Một khi nền tảng kinh tế được xây dựng trên nền móng khá vững chắc, Tiền Giang tính toán đến mục tiêu công nghiệp hóa - hiện đại hóa theo tiến trình chung của đất nước thông qua việc phát huy nội lực và tận dụng tối đa ngoại lực.