Tiền Giang: Tập trung phát triển doanh nghiệp, thu hút đầu tư
Cùng với chủ trương giữ vững mặt trận nông nghiệp, đẩy mạnh phát triển công nghiệp, Tiền Giang đã tập trung nhiều giải pháp để phát triển doanh nghiệp, thu hút đầu tư. Đây là tiền đề rất quan trọng, được xem là bước ngoặt để Tiền Giang bước vào kỷ nguyên mới.
TẠO ĐÀ VỮNG CHẮC
Cùng với cả nước, Tiền Giang đã và đang tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để thu hút đầu tư. Phó Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Đình Thông cho biết, trong giai đoạn 2010 - 2019, số lượng doanh nghiệp thành lập mới của Tiền Giang có sự tăng trưởng ổn định, phản ánh môi trường kinh doanh của tỉnh ngày càng hấp dẫn và thuận lợi cho các nhà đầu tư.
Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, cùng với sự phát triển của các ngành công nghiệp chế biến, đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp mới ra đời và phát triển. Song, đại dịch Covid-19 đã gây ra sự giảm sút trong số lượng doanh nghiệp thành lập mới trong năm 2021.

Ước tính giá trị sản lượng năm 2025 của Nhà máy Want Want Việt Nam có thể đạt 40 triệu USD. Ảnh: MINH THÀNH
Tuy nhiên, nhờ vào các biện pháp hỗ trợ từ Chính phủ và sự thích ứng linh hoạt của các doanh nghiệp, tỉnh Tiền Giang đã nhanh chóng phục hồi và duy trì mức độ tăng trưởng doanh nghiệp. Từ năm 2022, số lượng doanh nghiệp thành lập mới của Tiền Giang đã có sự phục hồi mạnh mẽ, cho thấy nền kinh tế tỉnh đã bắt đầu trở lại ổn định.
Các ngành công nghiệp chế biến, công nghệ và dịch vụ tiếp tục là những lĩnh vực thu hút đầu tư mạnh mẽ, tạo ra nguồn lực dồi dào cho sự phát triển bền vững. So với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, năm 2024, số lượng doanh nghiệp thành lập mới của tỉnh đứng thứ 5.
Cùng với những bước tiến trong phát triển doanh nghiệp, công tác thu hút đầu tư của tỉnh cũng là một trong các điểm sáng trong phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, năm 2023, tỉnh thu hút được 17 dự án mới với tổng mức đầu tư 7.830 tỷ, trong đó có 11 dự án trong nước và 6 dự án FDI; có 9 dự án đăng ký tăng vốn mới tổng mức đầu tư 3.559 tỷ đồng.
Năm 2024, tỉnh thu hút đầu tư 18 dự án mới, với tổng mức đầu tư 10.335 tỷ, trong đó có 11 dự án trong nước và 7 dự án FDI; có 14 dự án đăng ký tăng vốn mới tổng mức đầu tư 9.998 tỷ đồng. Đặc biệt, tỉnh đã thu hút được nhiều dự án có vốn đầu tư nước ngoài lớn, góp phần thúc đẩy xuất khẩu và tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương.
Đây cũng được xem là kết quả của thời gian dài nỗ lực xây dựng môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch và công bằng đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Tiền Giang sẵn sàng bước vào kỷ nguyên mới. Ảnh: TRUNG HẬU
Một trong những dự án nổi bật mà tỉnh thu hút được là Nhà máy Want Want Việt Nam (KCN Long Giang, huyện Tân Phước) thuộc Tập đoàn Want Want. Đây là một tập đoàn đa quốc gia. Qua quá trình khảo sát chuyên sâu ở nhiều nước, Tập đoàn Want Want quyết định chọn KCN Long Giang làm nơi để xây dựng và đầu tư nhà máy đầu tiên ở nước ngoài. Tập đoàn thành lập nhà máy sản xuất Want Want Việt Nam, với tổng vốn đầu tư là 70 triệu USD trên diện tích 75.000 m2. Các sản phẩm chính là: Bánh gạo, đồ uống, sản phẩm từ kem, sản phẩm ăn vặt…
Ông Thẩm Hồng, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Want Want Việt Nam cho biết, giai đoạn 1 của công ty đã hoàn thành và đi vào sản xuất. Hiện nay, ngoài việc bán hàng và sản xuất tại Việt Nam, sản phẩm của doanh nghiệp đang dần nhận được các đơn hàng xuất khẩu sang châu Âu và Hoa Kỳ.
Năng suất nhà máy đang dần được tăng lên. Công ty tin tưởng vào thị trường Việt Nam và tiếp tục đầu tư 30 triệu USD để bổ sung cho dây chuyền sản xuất đồ uống, bánh gạo, kẹo và sẽ đưa vào vận hành trong năm nay. Ước tính giá trị sản lượng năm 2025 có thể đạt 40 triệu USD, tăng 60% so với năm 2024.
TIẾP TỤC ĐI TỚI
Chủ trương thực hiện cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh được Tiền Giang tập trung thực hiện nhằm thu hút nhiều nhà đầu tư mới trong và ngoài nước. Chưa dừng lại ở đó, Tiền Giang cũng không ngừng gỡ khó, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, phát triển bền vững. Còn trong ngắn hạn, theo UBND tỉnh, trong thời gian tới, các sở, ngành tỉnh sẽ tập trung đôn đốc, hỗ trợ để các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà máy, sớm đưa dự án đi vào hoạt động; hỗ trợ nhà đầu tư triển khai ngay 18 dự án FDI, DDI mới thu hút được trong năm 2024. Đồng thời, Tiền Giang cũng sẽ tiếp tục hỗ trợ nhà đầu tư hoàn thành các thủ tục pháp lý có liên quan, sớm đi vào hoạt động theo đúng tiến độ đã đăng ký…

Điểm kết nối giữa cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và cao tốc Cao Lãnh - An Hữu. Ảnh: MINH THÀNH
Cùng với cả nước, Tiền Giang đã và đang tạo nên những tiền đề rất quan trọng để bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, với nhiều lợi thế hiện hữu. Bởi Tiền Giang là tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đã tham gia hợp tác, liên kết với 2 tiểu vùng Đồng Tháp Mười và tiểu vùng Duyên hải phía Đông Đồng bằng sông Cửu Long.
Với vị trí địa lý thuận lợi cả đường thủy, đường bộ và dự kiến đường sắt trong tương lai, Tiền Giang có đủ điều kiện để bứt phá đi lên. Còn theo Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1762, ngày 31-12-2023, nhiệm vụ được đặt ra là đến năm 2030 Tiền Giang sẽ cơ bản trở thành một tỉnh công nghiệp, có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, có các vùng động lực, trung tâm kinh tế về công nghiệp, du lịch, kinh tế biển và đô thị; là tỉnh có vị trí thuận lợi “trên bến dưới thuyền”, có vai trò kết nối quan trọng giữa vùng Đồng bằng sông Cửu Long với TP. Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam bộ; quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; người dân có cuộc sống ấm no, văn minh, hạnh phúc.
Để cụ thể hóa chủ trương chung, theo Sở Tài chính, giai đoạn 2026 - 2030, đột phá phát triển của Tiền Giang là tập trung nguồn lực để đầu tư, xây dựng và phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại tại 3 vùng, hành lang kinh tế trọng điểm gồm: Vùng kinh tế biển Gò Công, vùng công nghiệp Tân Phước và hành lang kinh tế dọc sông Tiền để phục vụ phát triển 4 trụ cột (công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch), chuyển đổi số, chuyển đổi xanh… thích ứng với biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, Tiền Giang sẽ đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.
Đồng thời, Tiền Giang tập trung đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số với 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Ngoài ra, tỉnh sẽ phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; đổi mới căn bản, toàn diện công tác cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; thu hút, đào tạo, bồi dưỡng, phát triển, trọng dụng nhân tài, cán bộ có năng lực vượt trội làm động lực chủ yếu cho sự phát triển nhanh, bền vững…
Vậy là, sau 50 năm chuyển mình cùng dân tộc, Tiền Giang đã nỗ lực vượt qua khó khăn, từng bước phát triển kinh tế trên nền tảng vững chắc. Đây là tiền đề rất quan trọng đề Tiền Giang đi tiếp chặng đường mới, thích ứng với tình hình hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng. 50 năm qua chưa phải là thời gian quá dài nhưng cũng đủ để chiêm nghiệm về những bước thăng trầm, thử thách và cũng đủ để tự hào về một Tiền Giang kiên cường, bất khuất trong chiến tranh cũng như giai đoạn kiến thiết quê hương sau này.