Tiền Giang: Những đột phá trong công tác cải cách hành chính

Năm 2024, Tiền Giang ghi dấu ấn nổi bật trong công tác cải cách hành chính (CCHC) với nhiều đổi mới, góp phần quan trọng vào nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước, cũng như sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp.Năm 2024, Tiền Giang xác định 53 nhiệm vụ, hoạt động cụ thể trong công tác CCHC giao cho các cơ quan, đơn vị tổ chức triển khai, thực hiện và đã hoàn thành 53/53 nhiệm vụ, hoạt động, đạt tỷ lệ 100%.NỀN TẢNG CỦA SỰ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

CCHC từ lâu đã trở thành nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược phát triển của tỉnh. Để hiện thực hóa mục tiêu xây dựng một chính quyền hiện đại, chuyên nghiệp, ngay từ đầu năm 2024, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ công tác CCHC nhà nước.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thành Diệu trao Bằng khen của UBND tỉnh cho tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện phong trào thi đua Đẩy mạnh CCHC, chuyển đổi số và thực hiện Đề án 06 của Chính phủ năm 2024.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thành Diệu trao Bằng khen của UBND tỉnh cho tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện phong trào thi đua Đẩy mạnh CCHC, chuyển đổi số và thực hiện Đề án 06 của Chính phủ năm 2024.

Trên cơ sở đó, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã xây dựng kế hoạch để triển khai tại đơn vị. Các cấp, các ngành tập trung chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ, giải pháp, góp phần khắc phục các tồn tại, hạn chế. Bên cạnh đó, công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) được tập trung chỉ đạo, cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” trong tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả hồ sơ hành chính cho tổ chức, cá nhân được duy trì nền nếp; các TTHC đã được thường xuyên kiểm tra, rà soát, công bố, chuẩn hóa và niêm yết công khai.

Tính đến thời điểm hiện tại, đã cập nhật công khai trên cơ sở dữ liệu quốc gia và liên kết trang thông tin điện tử các cơ quan, địa phương với 1.863 TTHC, đạt tỷ lệ 100%; 100% các sở, ngành, UBND cấp huyện đều mở chuyên mục và thực hiện công khai, niêm yết TTHC để tổ chức, cá nhân tra cứu, thực hiện.

Về cải cách thể chế, việc rà soát, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật cơ bản tốt, không có văn bản vi phạm quy định về nội dung và không có văn bản đặt ra quy định TTHC mới. Về cải cách TTHC, quy trình, thủ tục ngày càng hoàn thiện, phục vụ ngày càng tốt hơn việc giải quyết TTHC cho cá nhân, tổ chức.

Tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến một phần và tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến toàn trình đều tăng so với năm 2023 (tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến một phần năm 2024 đạt 48,57%, năm 2023 đạt 21,68%; tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến toàn trình năm 2024 đạt 70,81%, năm 2023 đạt 61,89%).

Song song đó, việc cải cách tổ chức bộ máy hành chính và cải cách chế độ công vụ tiếp tục thực hiện sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy theo hướng ngày càng tinh gọn, đảm bảo nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động. Về cải cách tài chính công, tỉnh duy trì vị trí trong nhóm các địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao nhất cả nước; rà soát, đơn giản hóa TTHC trên các lĩnh vực: Nuôi con nuôi, thú y, bảo vệ thực vật, an toàn thực phẩm, quy hoạch - kiến trúc, xuất bản, in và phát hành, văn bằng, chứng chỉ, thí điểm không tiếp nhận hồ sơ giấy trên địa bàn tỉnh (41 thủ tục); thí điểm cắt giảm thời gian giải quyết khi nộp hồ sơ bằng hình thức trực tuyến trên địa bàn tỉnh từ ngày 1-9-2024 đến hết ngày 31-12-2024 (10 thủ tục).

Bên cạnh đó, với những cải cách lớn trong công tác chỉ đạo, điều hành, năm 2024 xuất hiện nhiều sáng kiến CCHC nổi bật ngay từ cấp cơ sở, mang lại lợi ích đáng kể nâng cao hiệu quả làm việc, chất lượng cung ứng dịch vụ công của cơ quan chính quyền và tối ưu hóa quy trình giải quyết TTHC cho người dân, doanh nghiệp.

Tại các huyện, thị, thành, giải pháp tích hợp “thủ tục liên thông đăng ký khai sinh kết hợp đăng ký nhận thông báo nhắc lịch tiêm chủng cho trẻ từ 0 - 24 tháng tuổi” cũng thể hiện hiệu quả cao khi giúp những gia đình có trẻ nhỏ thực hiện 2 TTHC quan trọng chỉ trong một lần đăng ký, tiết kiệm thời gian, công sức và tăng tính liên thông giữa các TTHC. Đối với ngành Giáo dục, đẩy mạnh triển khai học bạ số; cập nhật thêm mô-đun quản lý nhà trường và học bạ số vào cơ sở dữ liệu ngành Giáo dục để giảm bớt sức lao động cho đội ngũ thực hiện.

Công tác xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, Chính quyền số được quan tâm, đầu tư nâng cấp và ngày càng hoàn thiện. Đồng thời, tiếp tục phát triển hoàn thiện và đưa vào khai thác sử dụng hiệu quả các nền tảng số do tỉnh đầu tư: Hệ thống thông tin quản lý văn bản và điều hành; hệ thống thông tin giải quyết TTHC được triển khai đồng bộ trên phạm vi toàn tỉnh, kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, kết nối các hệ thống thông tin của bộ, ngành, Trung ương... Cùng với đó, việc ứng dụng dữ liệu số, ứng dụng dịch vụ phục vụ người dân, doanh nghiệp, hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ nội bộ được xây dựng, phát triển và kết nối đồng bộ; dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến ngày càng được mở rộng.

XÂY DỰNG NỀN HÀNH CHÍNH HIỆN ĐẠI

Bước vào giai đoạn mới, Tiền Giang tiếp tục xây dựng kế hoạch CCHC nhà nước năm 2025 trên địa bàn tỉnh theo Nghị quyết 76 của Chính phủ về ban hành Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2021 – 2030; xây dựng và triển khai Đề án thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh theo quy định của Chính phủ.

Đồng thời, tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp nâng cao các chỉ số PAR, PAPI, SIPAS, PCI trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2025; công khai minh bạch các quy định, thông tin để người dân, doanh nghiệp biết với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, dễ tiếp cận tìm hiểu, thực hiện.

Đi đôi với đó, tỉnh tập trung thực hiện cải cách TTHC gắn với việc thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin; trong đó, cần tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện số hóa các giấy tờ, TTHC, ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu đất đai, hộ tịch, sử dụng các dịch vụ công trực tuyến… trong quản lý và giải quyết TTHC, từ đó sẽ góp phần giảm giấy tờ hành chính, chi phí thời gian, chi phí không chính thức của người dân, doanh nghiệp.

Bên cạnh đó là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện TTHC qua dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến (trong đó, tập trung tuyên truyền về ý nghĩa, lợi ích và hướng dẫn cách thực hiện để người dân hiểu, tiếp cận, thay đổi tư duy, nhận thức và thực hiện, từ đó tạo sự chuyển biến tích cực và nâng tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến, đảm bảo chỉ tiêu đề ra).

Bên cạnh đó là công bố, công khai lại Bộ TTHC của các sở, ban, ngành tỉnh và nhập kịp thời, đầy đủ, chính xác các TTHC trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC để đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người dân, doanh nghiệp biết, thực hiện và giám sát việc thực hiện...

Tỉnh cũng triển khai thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức theo kế hoạch đã được phê duyệt. Trong đó, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng hoàn thiện tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo, quản lý, tiêu chuẩn ngạch và chức danh nghề nghiệp công chức; tiếp tục kiểm tra công vụ và văn hóa công sở năm 2025, tổ chức kiểm tra định kỳ và đột xuất tại các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính của công chức, viên chức trong giải quyết TTHC, phục vụ người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Việc thực hiện tuyên truyền công tác CCHC bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp để cán bộ, công chức và nhân dân, doanh nghiệp hưởng ứng, góp phần cải thiện các chỉ số của tỉnh; tiếp tục thực hiện các mô hình, sáng kiến trong công tác CCHC trên địa bàn tỉnh...

Những thành tựu đạt được trong công tác CCHC là minh chứng cho quyết tâm của tỉnh trong việc xây dựng một chính quyền hiện đại, minh bạch và thân thiện.

P. MAI

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/chinh-tri/202503/tien-giang-nhung-dot-pha-trong-cong-tac-cai-cach-hanh-chinh-1038095/
Zalo