Tiễn biệt nhạc sĩ Nghiêm Bá Hồng
Dường như thuộc thế hệ chúng tôi, những người sinh vào giữa thế kỷ trước, tuổi là ông bà, cha mẹ, thày cô giáo… từng lấy âm nhạc để chơi đùa, dậy con, dạy cháu thì đều biết nhạc sĩ Nghiêm Bá Hồng.
Trong CD của ca sĩ nhí Xuân Mai (hồi còn bé) rất nổi tiếng, có tới 3 bài của người nhạc sĩ ấy.(Trước đó nữa là Hồng Nhung và sau này là Nguyệt Ánh, Candy Ngọc Hà):Bàn tay xíu xíu trông như năm cánh hoa/ Đây bàn tay cha, còn đây bàn tay mẹ/ Em muốn luôn được khen ngoan/ Mai này khôn lớn dựng xây non nước nhà ( "Bàn tay xíu xíu" thơ Trần Duy Hưng)… Hay: "Dậy đi thôi mau nào bạn ơi, chim hót vang với ông mặt trời, dậy ra sân em tập em chơi, cùng với chim em hát em cười" ("Thật đáng yêu").
Hoặc ca khúc"Lời chào của em" (thơ Nguyễn Hoàng Sơn, ca sĩ Hồng Nhung thể hiện năm chị 11 tuổi):
Đi đến nơi nào lời chào đi trước; Lời chào dẫn bước con đường bớt xa Lời chào thành quà khi gặp các cụ già; Lời chào thành hoa nở ra bao việc tốt; Lời chào của em, là cơn gió mát; Mang theo tiếng hát mỗi sớm từng ngày; Lời chào của em, là cơn gió mát; Nên dẫu đi đâu, em cũng mang theo…
Các bài hát khác của Nghiêm Bá Hồng cho thiếu nhi: "Mùa xuân", "Em đi trong nắng mùa thu"… cũng vậy, cho đến bây giờ trong các lớp mẫu giáo, các chương trình ca nhạc trên sóng phát thanh truyền hình vẫn thường xuyên sử dụng. Âm nhạc của Ông có sức khích lệ, hướng dẫn và tạo không khí vui tươi phấn khởi cho lứa tuổi thiếu niên nhi đồng. Không nhiều tác phẩm cho thiếu nhi như các nhạc sĩ Phạm Tuyên, Hoàng Lân, Hoàng Long, Phong Nhã nhưng Nghiêm Bá Hồng cũng đặt một dấu ấn không nhỏ trong dòng chảy âm nhạc tuổi thơ… Cách đây 2 năm, ở tại không gian văn hóa "Phố Hoài" của tôi, đáp ứng mong mỏi của bạn bè, của các thày cô giáo (những người cùng dạy học với Ông và dạy nhạc của Ông một thời), gia đình Ông đã tổ chức một mini show kỷ niệm 80 năm ngày sinh và 60 năm hoạt động âm nhạc, nghệ thuật của ông. Show diễn đã có gần trăm khán giả đến dự. Có những người cũng đã 80 tuổi không quản xa xôi, từ tỉnh khác đều có mặt mặc dù thời tiết cũng rét đậm như hôm nay. Ai nấy mong muốn có mặt để được hòa vào dòng ký ức âm nhạc Nghiêm Bá Hồng, như: vợ chồng nhà văn Đỗ Chu, nhạc sĩ Hoàng Lân, Hoàng Long, Hồng Liên…nhiều nhà văn, nhà thơ, họa sĩ, ca sĩ và bè bạn của vợ chồng nhạc sĩ…
![Nhạc sĩ Nghiêm Bá Hồng](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_11_101_51444261/36a18e80bace53900adf.jpg)
Nhạc sĩ Nghiêm Bá Hồng
*
Tôi thân thiết với vợ chồng ông đã 50 năm. Ngày họ còn ở căn nhà 20m2 ở phố Sinh Từ (nay là Nguyễn Khuyến) và cũng nghèo như bao gia đình trí thức Hà Nội thời bấy giờ. Sau khi chuyển công tác dạy học từ Sơn Tây, Ông về làm cán bộ công đoàn của Công ty Xây dựng Thực nghiệm, Sở Xây dựng Hà Nội. Giám đốc Công ty ấy là người yêu âm nhạc nghệ thuật nên mời Ông về dạy nhạc và thể dục thể thao cho đoàn viên. Công ty lập hẳn một đội hợp xướng mặc áo xanh, Ông là người hướng dẫn cho các đoàn viên công đoàn- những người thợ xây, thợ điện, thợ khoan… biết hát có bè, biết lĩnh xướng những bài hát rất khó như Tổ khúc hợp xướng Tổ Quốc ta (của Hồ Bắc- Hoàng Vân. Phạm Tuyên), biết hát đơn bài Tình ca (Hoàng Việt), "Bài ca người thợ xây" (Hoàng Vân)… Hồi bao cấp đó, dù vật chất thiếu thốn nhưng công nhân viên chức của Công ty có đời sống tinh thần rất vui vẻ, một phần là công của Nghiêm Bá Hồng. Vợ ông học tổng hợp văn, ra trường về làm ở Ủy Ban khoa học Nhà Nước. Cả hai vợ chồng đều có lòng với văn nghệ sĩ luôn "chứa chấp" những người gần như nghèo nhất nhưng sôi nổi nhất trong những chuyện thời sự, đóng góp ý kiến xây dựng đất nước…
Lúc đó tôi cũng chập chững viết văn, và hay lui tới nhà ông, "con chấy cắn đôi" với bà vợ bỏ dở văn chương của Ông. Thân với vợ chồng Ông đến nỗi tôi thường cùng đứng trong căn bếp nhỏ 1m2 lợp giấy dầu, mưa thì cả hai đều ướt lướt thướt. Tôi chứng kiến nhiều cuộc say rượu của các thi nhân. Càng say nói càng hăng và càng hay. Đủ các thứ chuyện trên đời. Rượu mua chịu của hàng xóm (loại rượu sắn đựng trong săm ô tô hỏng vá chằng vá chịt, buộc túm một đầu bằng lạt giang). Thuốc lá cuốn thì mua 3 điếu một… Nhờ có người vợ đảm và hiếu khách, cộng với tinh thần liên tài nên Nghiêm Bá Hồng có khá đông bạn bè. Nhà của họ là nơi tụ hội của nhiều văn nghệ sĩ: Hoàng Ngọc Hiến, Đỗ Chu, Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Thụy Kha, Văn Tấn, Phạm Tiến Duật, Trịnh Đình Khôi, Lê Văn Thân, vợ chồng Bế Kiến Quốc, Nguyễn Văn Sửu, Trần Hòa Bình... Ông luôn là trung tâm, giải quyết mọi bất đồng, và cuối cùng là hát lên những bài hát mới cho nhau nghe trước, để góp ý, để khích lệ lẫn nhau.
Đã đẹp trai lại "cầm kỳ thi họa", có tài dẫn dắt (khiếu ăn nói) nên Ông là "trung tâm" của sa-lông nghệ thuật với những tên tuổi kể trên. Sau khi tốt nghiệp Khoa Sáng tác Nhạc viện Hà Nội (hàm thụ) ông thôi làm cán bộ công đoàn chuyển sang làm báo làm báo, biên tập viên âm nhạc, chuyên viên bản quyền tác giả âm nhạc Hội Nhạc sĩ…
![Bài hát Thật đáng yêu của nhạc sĩ Nghiêm Bá Hồng (ảnh minh họa)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_11_101_51444261/61e6a4c7908979d72098.jpg)
Bài hát Thật đáng yêu của nhạc sĩ Nghiêm Bá Hồng (ảnh minh họa)
*
Nghiêm Bá Hồng sinh trong một gia đình 7 người con. Ông là con cả. Thời đó cha mẹ thường trao cho người con cả nhiệm vụ dìu dắt, định hướng và chăm sóc tinh thần cho các em. Nghiêm Bá Hồng đã làm trọn trách nhiệm đó khiến mẹ ông rất hài lòng. Các em của ông dù mỗi người có cuộc sống khác nhau và khác anh mình, nhưng gia đình Ông giữ được nề nếp kính trên nhường dưới, sống hài hòa với nhau và với cộng đồng xã hội là nhờ ở sự khắt khe giáo dưỡng của Ông- người anh cả.
Ông có hai người con. Các con của Ông đã yên bề gia thất. Hai con trai của Ông thành đạt và sống đúng chất của gia đình trí thức, có tài trong sự nghiệp riêng. Họ đều thành đạt, vững vàng trong cuộc sống. Cháu nội của Ông đứa thì theo học nghệ thuật ở Mỹ, đứa thì học âm nhạc ở Hà Nội. Vợ ông, bà Đào Mỹ Dung vẫn giữ gìn truyền thống gia đình Việt, là dâu cả chăm lo mọi việc gia đình nhà chồng đúng nghĩa, chăm lo gia đình riêng chu toàn, và chăm sóc đủ đầy cho người chồng mang bệnh sau tai biến nhiều năm đến nay…
*
Những tác phẩm của Nghiêm Bá Hồng giai điệu đẹp, đúng tâm lý của thiếu niên nhi đồng, vừa hay, vừa dễ thuộc và nhớ được lâu, tác động vào nhận thức thơ ngây của các bé những điều đẹp đẽ… Ông say mê âm nhạc hơn tất cả những tài năng bẩm sinh khác như: làm thơ, viết văn, thể thao. Ông từng biên tập thơ văn cho không ít những người nổi tiếng. Ông cũng từng đoạt nhiều Giải bóng bàn của các hội thi của ngành giáo dục. Giải thưởng Âm nhạc Hội Nhạc sĩ…
Ông luôn làm khó với chính ông trong sáng tác, thế nên ông viết không nhiều, nhưng có bài nào thì bài đó được xã hội đón nhận và phổ biến. Giai đoạn tuổi trung niên Ông dành thời gian đi nhiều nơi để tìm chất liệu và cảm xúc cho sáng tác mới. Đặc biệt là chất liệu dân gian vùng cao. Ngoài ra còn tham gia giảng dạy ở các khóa học vùng cao.
Những ca sĩ đã lựa chọn hát bài của ông, cho thiếu nhi có Hồng Nhung, Xuân Mai, ca khúc người lớn có Hồng Vy, Thu Lan, Trọng Tấn. Những tác phẩm âm nhạc cho thiếu nhi có thể kể đến: "Thật đáng yêu", "Mùa xuân", "Em đi trong nắng mùa thu", "Lời chào của em"; một số nhạc cảnh thiếu nhi: "Cơn mưa đằng đông", "Mèo con và chuột nhắt", và các ca khúc người lớn: "Tiếng hát từ những cánh rừng", "Kỷ niệm Trường Sơn, "Vĩnh Phúc yêu thương", "Lời then phố núi", "Đêm trắng Khau Vai", "Mùa xuân quê núi", "Hoa ban đêm xòe", "Hành khúc Điện Biên"…
Kể từ năm 2015 Ông bị tai biến do cú trượt dốc khi dắt xe máy từ nhà xuống đường. Lúc đó ông đã 74 tuổi. Ông định đi đến lớp để dạy nhạc. Sau lần ấy, ông không ra khỏi nhà, nhưng vẫn không ngừng mong mỏi có thêm những sáng tác mới, những bản khí nhạc mà ông đang theo đuổi…
Công lao sinh thành và dưỡng dục của Ông đã tạo cho xã hội những công dân có phẩm chất đạo đức, năng lực, học thức để đảm nhận các công việc khác nhau của xã hội.
Bây giờ con, cháu đông đúc sum vầy tất cả đều đoàn kết thương yêu nhau, một lòng hiếu thảo với Ông bà, cha mẹ, đấy cũng là nhờ công đức của người cha- nhạc sĩ Nghiêm Bá Hồng.
*
Nằm liệt giường mươi năm nay, mỗi khi đến thăm, chúng tôi không thấy ở ông sự tiếc nuối, ông vẫn bảo, Giời cho ông một cuộc sống không có gì đáng ân hận. Đôi khi ông bảo người nhà mở những bản nhạc của ông ra để chúng tôi cùng nghe…
Mới mồng 4 Tết vừa rồi chúng tôi còn tụ hội ở nhà Ông, một căn hộ chung cư rất đẹp và rộng ở 57 Láng Hạ. Hôm ấy thấy Ông có vẻ muốn yên tĩnh hơn là những cái nắm tay mọi lần… Những lần trước ấy, Ông vẫn bảo, sống hơn 80 tuổi là Ông đã lãi lắm rồi, Ông có đủ lộc trời, viên mãn về gia đình, sẵn sàng đón tiếng gọi từ miền cao xanh…
Ấy vậy mà chỉ 2 hôm sau vào buổi trưa ngày 3 tháng 2, tức mồng 6 âm năm Ất Tỵ, Ông đã rời bỏ tất cả… "Nhân sinh tự cổ Thùy vô tử", trong cuộc đời này đến và đi là một tất yếu. Ông đã sống trọn tuổi trời trong sự yêu thương, chu đáo, tận tình của vợ con, anh chị em.. Tuổi 83, Ông ra đi thanh thản, trút gánh nặng hồng trần để về miền cực lạc.
Ông sinh ngày 13 tháng 10 năm 1943 tại Tây Mỗ, Từ Liêm, Hà Nội.
Bài viết này như một nén nhang tiễn ông về miền mấy trắng, nơi nhiều người bạn của Ông có lẽ cũng đang vui vẻ cao đàm khoát luận, như hồi họ còn sống ở bên nhau. Ông đi nhé. Bên kia tường rào nhà tôi, trường mầm non Phùng Khoang trẻ em vẫn đang hát "Bàn tay xíu xíu trông như năm cánh hoa…".