Tiền BHYT có thể được hoàn lại tiền nếu bạn thuộc 1 trong 3 diện này
Người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) có thể được hoàn trả tiền đã đóng trong một số trường hợp nhất định. Hiểu rõ các quy định này sẽ giúp người dân đảm bảo quyền lợi, tránh mất tiền oan.
Chuyển đổi nhóm đối tượng BHYT có ưu tiên cao hơn
Người đang tham gia BHYT theo diện hộ gia đình hoặc thuộc nhóm được ngân sách nhà nước hỗ trợ một phần hoặc toàn phần (quy định tại Khoản 4, 5 Điều 17 Quyết định 595/QĐ-BHXH) sẽ được hoàn lại tiền nếu chuyển sang nhóm đối tượng BHYT khác có thứ tự ưu tiên cao hơn theo Điều 12 Luật BHYT.
Ví dụ: Một người tham gia BHYT hộ gia đình, sau đó đi làm và được doanh nghiệp đóng BHYT bắt buộc, sẽ được hoàn trả phần tiền đã đóng cho thẻ hộ gia đình, tính từ thời điểm thẻ mới có hiệu lực đến khi thẻ cũ hết hạn. Mức hoàn trả dựa trên phần phí đã nộp và thời gian còn lại chưa sử dụng.

Ảnh minh họa.
Tăng mức hỗ trợ đóng BHYT từ ngân sách nhà nước
Khi chính sách điều chỉnh tăng mức hỗ trợ đóng BHYT cho các nhóm được hỗ trợ, người dân cũng sẽ được hoàn phần chênh lệch. Chẳng hạn, nếu người thuộc hộ cận nghèo được hỗ trợ 70% mức đóng BHYT, sau đó được nâng lên 100%, thì sẽ được hoàn phần 30% còn lại, tương ứng với thời gian còn hiệu lực của thẻ BHYT. Điều này giúp người tham gia không bị thiệt thòi khi chính sách thay đổi.
Người tham gia mất trước khi thẻ BHYT có hiệu lực
Trường hợp người tham gia BHYT qua đời trước thời điểm thẻ có giá trị sử dụng, toàn bộ số tiền đã đóng sẽ được hoàn trả. Theo quy định, thẻ BHYT thường có hiệu lực sau 30 ngày kể từ ngày đóng đối với người lần đầu tham gia hoặc sau khi gián đoạn trên 3 tháng. Nếu người đóng BHYT mất trong khoảng thời gian chờ này, thân nhân có thể làm thủ tục để nhận lại tiền.
Gia đình cần nộp Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin (mẫu TK1-TS) cùng giấy chứng tử hợp lệ tại cơ quan BHXH cấp huyện trong vòng 5 ngày để được giải quyết.
Hồ sơ cần chuẩn bị
Để được hoàn trả tiền BHYT, người dân cần chuẩn bị các giấy tờ sau:
Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT (mẫu TK1-TS, 1 bản/người).
Thẻ BHYT (bản chính hoặc bản sao).
Giấy chứng tử (bản sao chứng thực hoặc bản sao kèm bản chính để đối chiếu) đối với trường hợp người đã qua đời.
Sổ BHXH (nếu có liên quan đến trùng thời gian đóng).
Hồ sơ nộp tại cơ quan BHXH cấp huyện nơi cấp thẻ. Cơ quan BHXH sẽ xử lý trong vòng tối đa 5 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
Việc nắm rõ các trường hợp được hoàn trả tiền BHYT không chỉ giúp người dân tránh thiệt thòi mà còn góp phần sử dụng đúng quyền lợi theo quy định pháp luật.