Tiêm phòng dại tăng đột biến
Chỉ tính riêng ngày 30/1 (Mùng 2 Tết), Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Huế đã triển khai 49 mũi tiêm vắc-xin dại và uốn ván, 2 ca xử lý huyết thanh kháng dại. Sau tết Nguyên đán, số ca tiêm dại cũng tăng hơn thường lệ do người dân chờ ngày đi làm việc trở lại.
![Người dân tiêm phòng dại sau Tết tại CDC thành phố](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_459_51435158/79fa6c8457cabe94e7db.jpg)
Người dân tiêm phòng dại sau Tết tại CDC thành phố
ThS.BS Ngô Kim Nhã, Phó Trưởng phòng Phòng khám Đa khoa Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố thông tin: “Tiêm dại là một trong hai loại tiêm chủng tăng đầu năm nay, tương ứng số người bị chó, mèo cắn nhiều hơn so với năm trước. Phần lớn vết thương để lại ở tay và chân, một số người bị vết cắn khá nghiêm trọng”.
Bà Nguyễn Thị L. 49 tuổi ở Phú Mỹ, Phú Vang đến CDC tiêm phòng trong tình trạng mệt mỏi. Trên đường đạp xe đi mua ve chai ở phường Vỹ Dạ, một con chó lao vào tấn công và cắn mu bàn chân trái bà chảy máu. Bà L. nhớ lại: “Tôi la hét thiệt to để mọi người giải cứu và lao xe vô vệ đường, tránh va chạm xe ô tô. Chủ vật nuôi có ra đưa tôi vào nhà bôi dầu, liếc dao vào vết thương. Người ta nói chó này đã tiêm vào mùa hè năm ngoái nhưng tôi vẫn sợ, phải đến CDC tiêm phòng mới yên tâm”.
Ngay khi thăm khám vết thương và kiểm tra tình hình sức khỏe, bà L. được chỉ định tiêm một mũi phòng uốn ván và một mũi phòng dại. Đây là lần thứ ba bị chó tấn công và để lại vết thương hở, bà L. bảo đã quen với việc tiêm phòng nên không thấy lo ngại gì. “Không tiêm mới sợ, chơ tôi đọc báo xem mạng thấy có mấy ca phát bệnh dại vì chủ quan. Sức khỏe và tính mạng là trên hết”, bà L. nói.
Gần trưa mới đến nơi tiêm, bà Nguyễn Thị C., Phong Điền, 75 tuổi giải thích với cán bộ tiêm chủng do phải chờ xe buýt. Lần này bà C. tiêm nhắc lại mũi thứ 4. Bà C. kể: “Ngày Tết, tôi đi mua hàng ở tiệm tạp hóa trong xóm, bầy chó con bu vào chân tôi chơi đùa, không ngờ một con cạp vào mắt cá chân chảy máu. Ai mà ngờ tết nhất phải đi tiêm phòng dại. Xe cộ không có, thuê người ta chở vô Huế hết 650 ngàn đồng. Ra Tết, tui tự mình bắt xe buýt vô thành phố theo lịch tiêm ghi trên sổ”. Đây là lần thứ tư bà C. đi tiêm phòng bệnh dại. Bà C. cho hay, hàng xóm cũng có người bị chó cắn nhưng người ta chỉ dùng các loại lá thuốc dân gian.
Các bác sĩ khuyên tuyệt đối không nên dùng lá thuốc dân gian đắp, đặt ngọc… bởi các phương pháp này hiện không chứng minh được việc điều trị bệnh dại sau khi phơi nhiễm. Sau khi bị súc vật cắn, hãy rửa vết thương dưới vòi nước cùng với xà phòng, xử lý bằng cồn iod hoặc povidone – iodine nếu có và đến cơ sở y tế gần nhất để thăm khám, tiêm phòng sớm nhất có thể. Không nên đập chết súc vật, hạn chế dùng tay nặn máu vết thương, tránh tình trạng nhiễm trùng.
Bệnh dại thường bùng phát vào tháng 5 đến tháng 9 hàng năm. Theo đánh giá của Bộ Y tế, bệnh dại có dấu hiệu gia tăng, diễn biến phức tạp trong những năm gần đây. Năm 2023, cả nước có 82 ca tử vong; năm 2024, có 84 ca tử vong tại hơn 30 tỉnh, thành trong cả nước vì bệnh dại. Đầu năm 2025, CDC tỉnh Đắk Lắk ghi nhận một trẻ em tử vong vì căn bệnh này.
Theo thống kê bước đầu, trong những ngày tết Nguyên đán vừa qua, số liều tiêm dại tại CDC thành phố Huế xấp xỉ 140 liều; tính từ đầu năm đến nay, có 636 liều vắc-xin tiêm dại, tăng so với cùng kỳ. Tình hình tiêm phòng dại sau Tết tại CDC thành phố tăng đột biến so với mọi năm cũng là thực trạng chung của nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Nguyên nhân do nghỉ Tết dài ngày, nhu cầu đi lại thăm thân, du lịch tăng cộng thêm việc lơ là trong quản lý vật nuôi của các chủ hộ. Một cán bộ CDC cho hay, vài người bị vết cắn sâu ở chân, không cầm được máu phải chuyển bệnh viện xử lý và khâu. Với tình trạng vết thương ở các vị trí nguy hiểm gần khu vực mặt, đầu, cổ hoặc các bộ phận tập trung nhiều dây thần kinh sẽ được chỉ định tiêm huyết thanh kháng dại.
Tại CDC thành phố Huế, vắc-xin phòng dại Abhayrab (Ấn Độ) còn hơn 150 lọ; vắc-xin Verorab (Pháp) còn khoảng 20 lọ; huyết thanh kháng dại SAR (Việt Nam) còn 400 lọ được công khai trên trang web đơn vị và cập nhật số liệu mỗi ngày. Theo lãnh đạo CDC thành phố, nguồn vắc-xin cung ứng cho các trung tâm y tế cũng như phục vụ người dân tại phòng tiêm của đơn vị vẫn đảm bảo nhờ có sự chủ động từ trước.