Tiềm năng xuất khẩu cá rô phi

Theo dự báo, thời gian tới, thị phần cá rô phi trên thế giới có thể đạt 14,5 tỷ USD, trong khi tôm chỉ đạt tối đa 25 tỷ USD. Do đó, theo các chuyên gia Việt Nam cần nâng tầm cá rô phi thành sản phẩm chủ lực sau tôm và cá tra.

Cơ hội tại thị trường Hoa Kỳ

Theo ông Nguyễn Hoài Nam - Tổng Thư ký Hiệp hội chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) năm 2024, sản lượng cá rô phi trên toàn cầu đạt khoảng 7 triệu tấn, dự kiến sẽ đạt 7,3 triệu tấn năm 2025. Hoa Kỳ hiện là thị trường nhập khẩu cá rô phi lớn nhất thế giới, với sản lượng nhập khẩu hơn 178.000 tấn vào năm 2024. Quý I/2025, Việt Nam xuất khẩu cá rô phi và cá điêu hồng đạt gần 14 triệu USD, tăng 131% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó, Hoa Kỳ chiếm 46% và Nga chiếm 13%.

Hiện nay, Hoa Kỳ nằm trong top 5 thị trường nhập khẩu cá rô phi trên thế giới. Nếu thuế đối ứng của Hoa Kỳ đối với mặt hàng thủy sản của Trung Quốc tăng lên 245%, cá rô phi sẽ được Trung Quốc tiêu thụ nội địa hoặc đưa sang các thị trường khác. Ngoài ra, từ đầu năm đến nay, hai khu vực sản xuất cá rô phi lớn của Trung Quốc có quy định các nhà máy chế biến phục vụ xuất khẩu chỉ được phép mua ở những trang trại có chứng nhận. Nếu không có hoặc chưa có thì xem như không được tiêu thụ cho mục đích xuất khẩu. Ngoài thuế đối ứng từ Hoa Kỳ áp lên mặt hàng thủy sản Trung Quốc, lệnh cấm này là một áp lực nữa với Trung Quốc trong xuất khẩu cá rô phi. Suy giảm nguồn cung và thuế quan cao đối với cá rô phi Trung Quốc, tạo cơ hội cho Việt Nam và các nước khác.

Theo đại diện VASEP, Việt Nam có khí hậu nhiệt đới, diện tích mặt nước lớn, lý tưởng cho nuôi cá rô phi với chu kỳ ngắn (5-6 tháng, trọng lượng 600-800g/con), chi phí nuôi cá rô phi thấp, có công nghệ làm tăng năng suất, giảm dịch bệnh. Riêng thị trường Hoa Kỳ hiện đang nhập khoảng 200.000 tấn cá rô phi mỗi năm. Cá rô phi Việt Nam cũng được ưa chuộng ở thị trường EU, mở ra nhiều cơ hội tăng sản lượng nuôi cũng như kim ngạch từ loài cá này.

Nâng tầm thành sản phẩm chủ lực

Theo TS Nguyễn Văn Tiến - Trưởng nhóm toàn cầu Nghiên cứu phát triển thủy sản Tập đoàn De Heus, thị phần cá rô phi trên thế giới có thể đạt 14,5 tỷ USD trong thời gian tới, đây chính là cơ hội cho Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu cá rô phi. Để nắm bắt cơ hội này theo ông Tiến, chính sách phải đi trước để phát triển sản phẩm này, chứ không để sản phẩm phát triển rồi mới ra chính sách thì mất cơ hội. Ngoài ra, trong phát triển sản phẩm cá rô phi cần lấy sản phẩm đông lạnh làm trung tâm, đồng thời tăng cường chế biến sâu, đảm bảo chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm.

Bên cạnh yếu tố thuận lợi, hiện nay, Việt Nam còn thiếu các vùng nuôi lớn, có đủ điều kiện kiểm soát rủi ro để tạo nguyên liệu cho nhà máy chế biến. Do đó, cần tập trung tích tụ đất đai, đầu tư hạ tầng (điện, giao thông) để phát triển các vùng nuôi ao mới, nhất là ở Đồng bằng sông Cửu Long - nơi có hệ thống sông ngòi chằng chịt, dịch vụ hậu cần và năng lực chế biến đang phát triển mạnh.

Đại diện VASEP cũng cho rằng, việc tổ chức sản xuất cá rô phi còn manh mún, thiếu liên kết chặt chẽ giữa các khâu từ sản xuất giống, nuôi trồng đến chế biến và tiêu thụ. Điều này dẫn đến khó khăn trong việc kiểm soát chất lượng và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm cá rô phi Việt Nam.

Việc áp dụng các tiêu chuẩn như VietGAP trong nuôi cá rô phi còn hạn chế, dẫn đến khó khăn trong việc đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Chính vì vậy, các DN Việt Nam cần đầu tư vào công nghệ, quản lý chất lượng và tuân thủ các quy định để đáp ứng yêu cầu này. Bên cạnh đó, việc đối mặt với các biện pháp phòng vệ thương mại, thuế chống bán phá giá hoặc các rào cản kỹ thuật khác có thể ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của cá rô phi Việt Nam tại Mỹ.

Cục trưởng Cục Thủy sản và Kiểm ngư (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) Trần Đình Luân cho biết, Cục sẽ cùng các hiệp hội ngành hàng, địa phương, doanh nghiệp tính toán để làm sao liên kết, xây dựng được thương hiệu và chiếm lĩnh được thị trường.

Trong Chiến lược phát triển thủy sản, đến năm 2030, Việt Nam đặt mục tiêu nâng sản lượng cá rô phi lên 400.000 tấn, hướng tới trở thành loài cá nước ngọt xuất khẩu đứng thứ hai sau cá tra, qua đó giảm sự phụ thuộc vào mặt hàng cá tra.

Khanh Lê

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/tiem-nang-xuat-khau-ca-ro-phi-10304217.html
Zalo