Tiềm năng ứng dụng bèo hoa dâu trong kinh tế nông nghiệp

Bèo hoa dâu được đánh giá là có tiềm năng như là một loại tài nguyên linh hoạt với các ứng dụng rộng rãi từ nông nghiệp đến dược phẩm và quản lý môi trường.

Sáng 8/8, Bộ NN&PTNT tổ chức hội thảo “Bèo hoa dâu: tiềm năng và thách thức trong sản xuất nông nghiệp bền vững”.

Chia sẻ tại sự kiện, TS La Nguyễn - Viện Thổ nhưỡng Nông hóa, Bộ NN&PTNT cho rằng, tiềm năng nông học của bèo hoa dâu rất cao, đặc biệt khi được áp dụng như một loại phân bón sinh học để tăng năng suất lúa; giúp cải thiện môi trường nước tại vùng trồng lúa. Bèo hoa dầu cũng có thể được sử dụng làm thức ăn chăn nuôi, phân bón sinh học, chất làm sạch nước, thuốc diệt cỏ sinh học, diệt côn trùng, khử trùng, chống ký sinh trùng, chống nấm, chống vi khuẩn.

Hội thảo có sự tham dự của Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan. Ảnh: Lê Hồng Nhung/Mekong ASEAN

Hội thảo có sự tham dự của Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan. Ảnh: Lê Hồng Nhung/Mekong ASEAN

Theo TS. La Nguyễn, các chiết xuất từ bèo hoa dâu bao gồm một số hợp chất gốc thực vật có giá trị như flavonoid, hormone, alkaloid, phenol, các dẫn xuất triterpenoid, amino axit và loại axit béo (chất chuyển hóa thứ cấp). Những thành phần sinh học này có nhiều tác dụng trong phòng chữa bệnh như chống oxy hóa, chống ung thư, chống viêm, chống tiểu đường, bảo vệ gan và dạ dày, kháng virus, bảo vệ thần kinh, bảo vệ tim mạch và hạ huyết áp, giảm căng thẳng.

“Những đặc tính này làm nổi bật tiềm năng của bèo hoa dâu như một tài nguyên linh hoạt với các ứng dụng từ nông nghiệp đến dược phẩm và quản lý môi trường,” TS. La Nguyễn nhận định.

Ở góc độ thực tiễn, ông Nguyễn Đức Dụ - một nông dân đến từ tỉnh Thái Bình cho biết, hộ nông dân của ông đang canh tác giống bèo làm dược liệu và đã thực hiện được 3 năm. Trong thời gian này, khi hộ dân vớt bèo, cấy lúa thì không cần phải sử dụng thêm phân đạm. Bên cạnh đó, trồng bèo hoa dâu cũng hạn chế sự phát triển của cỏ, từ đó lượng thuốc diệt cỏ sử dụng trong canh tác cũng ít hơn.

Đánh giá về kết quả trong mô hình kinh tế trồng bèo hoa dâu, ThS. Nguyễn Khắc Hoàng - Phó Giám đốc HTX Vân Hội Xanh cho rằng, sản xuất bèo hoa dâu mang đến hiệu quả kinh tế tốt khi chi phí đầu tư thấp, tốc độ nhân đôi số tiền đầu tư siêu nhanh (trong 2- 3 ngày) do khả năng nhân sinh khối của bèo hoa dâu. Loài thực vật này còn là nguyên liệu đầu vào hữu cơ giá rẻ của nhiều ngành sản xuất nông nghiệp, từ trồng trọt đến chăn nuôi, từ đó tạo ra biên lợi nhuận cao.

Mô hình rau - bèo hoa dâu được HTX Vân Hội Xanh thực hiện cho các hộ nông dân. Ảnh: HTX Vân Hội Xanh.

Mô hình rau - bèo hoa dâu được HTX Vân Hội Xanh thực hiện cho các hộ nông dân. Ảnh: HTX Vân Hội Xanh.

Tuy nhiên, việc phát triển sản xuất bèo hoa dâu tại Việt Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, Việt Nam chưa có chương trình khuyến khích phát triển bèo hoa dâu; canh tác cầu kỳ, mất nhiều công đắp bờ, giữ nước; vấn đề duy trì nguồn giống qua mùa hè bị phụ thuộc vào nguồn nước bên ngoài...

Theo ThS. Nguyễn Khắc Hoàng, từ tháng 6 đến hết tháng 8 hàng năm là thời điểm rất khó giữ giống cho bèo hoa dâu. Nguyên nhân do nhiệt độ, mưa lũ và các hộ xung quanh ruộng cấy lúa dùng thuốc trừ cỏ, khiến nguồn nước trồng bèo hoa dâu bị ảnh hưởng. Đơn cử, phía hợp tác xã đã có 2 lần trồng bèo hoa dâu dày đặc nhưng 2 đến 3 hôm sau đều chết do nguồn nước không đảm bảo.

Phía hợp tác xã cũng chưa biết đo và tính toán khả năng phát thải khí nhà kính, từ đó không có số liệu làm căn cứ công bố đến người tiêu dùng và thông tin trên bao bì.

Ở góc độ địa phương, ThS. Phạm Thị Thu – Sở NN&PTNT tỉnh Bắc Kạn cho rằng, Việt Nam chưa có định mức để xây dựng mô hình bèo hoa dâu, do đó diện tích ứng dụng tại địa phương còn ít, nhỏ lẻ.

Việt Nam cũng chưa có các nghiên cứu chi tiết để đánh giá hiệu quả kinh tế mà bèo hoa dâu mang lại như giảm bao nhiêu kg phân đạm, hiệu quả kinh tế của mô hình; chưa đo lường được khí nhà kính phát thải giảm bao nhiêu khi ruộng lúa có bèo hoa dâu...

Trong khi đó, theo TS. La Nguyễn, mặc dù bèo hoa dâu là loài thực vật có tốc độ phát triển nhanh và có nhiều ứng dụng nhưng sản xuất bèo hoa dâu với số lượng lớn đòi hỏi nhiều lao động. Việt Nam cũng cần quan tâm phát triển các cơ sở sản xuất giống bèo để phục vụ cho sản xuất (có thể chọn nơi có khí hậu mát mẻ quanh năm hay sản xuất trong nhà theo quy mô công nghiệp); có định mức cho sản xuất giống...

Kết luận hội thảo, Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan nhắc lại việc sử dụng bèo hoa dâu trong sản xuất nông nghiệp của Việt Nam đã có từ trước, đến hiện tại chỉ đang phục hưng lại những gì đã có chứ không phải xây dựng một ngành kinh tế hoàn toàn mới từ một "tờ giấy trắng".

Người đứng đầu ngành nông nghiệp nhấn mạnh, Việt Nam nên hình thành hệ sinh thái con người làm bèo hoa dâu, trong đó từ những người nông dân, nhà khoa học cho tới các trường, viện... cùng tất cả các bên tập hợp lại và hình thành một hệ sinh thái.

Lê Hồng Nhung

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/tiem-nang-ung-dung-beo-hoa-dau-trong-kinh-te-nong-nghiep-32167.html
Zalo