Đổi trắng thành xanh - hành trình bao lâu nữa? (Bài 3)
Theo PGS.TS.KTS Trần Trọng Hanh, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, nhà kính nông nghiệp là xu thế phát triển tất yếu theo tốc độ đô thị hóa hiện đại. Nếu được kiểm soát tốt, giải pháp nhà kính nông nghiệp sẽ mang lại nhiều lợi ích to lớn về kinh tế - xã hội; đồng thời không ảnh hưởng đến định hướng phát triển bền vững của TP Đà Lạt dựa trên các tiêu chí hiện đại, có bản sắc, xanh, thông minh và đáng sống. Như vậy mục tiêu kiểm soát giảm dần và tiến tới không còn những mảng màu ni lông trắng nội ô, nội thị đến năm 2030, nhưng đa số nông hộ chuyển đổi không có diện tích đất xanh ở vùng ngoại ô, ngoại thị thì giải pháp mở hướng di dời tài sản nhà kính đi đâu và di dời bằng cách nào, theo hướng nào???
Bài 3: Không có đất xanh ngoại ô - di dời nhà kính trắng theo hướng nào?
• TÌM LẠI THIÊN NHIÊN TRONG LÀNH, QUYẾN RŨ
Hiệp hội Hoa Đà Lạt thống kê diện tích trồng hoa, cây cảnh toàn tỉnh Lâm Đồng 9.898 ha, sản lượng hơn 4 tỷ cành/năm. Trong đó, TP Đà Lạt chiếm trên 60% diện tích, tương ứng 6.070 ha, sản lượng đạt 2,4 tỷ cành. Kết quả xuất khẩu khoảng 400 triệu cành hoa sang thị trường Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Campuchia… và 50 triệu cây giống hoa trang trí sang châu Âu, ước đạt 69,3 triệu USD. Hầu hết các loài hoa đang trồng ở Đà Lạt là hoa cắt cành, hoa chậu chiếm hơn 90% diện tích, bao gồm các loại hoa chủ lực đa dạng chủng loại giống ngoại nhập, phù hợp canh tác trong nhà kính như: hoa cúc, đồng tiền, cẩm chướng, hoa hồng, hồng môn, hoa chậu…, đáp ứng nhu cầu thị trường xuất khẩu và nội tiêu. Còn lại dưới 10% diện tích canh tác hoa ngoài trời, chủ yếu hoa lay ơn cung cấp thị trường tết, cùng một số loài hoa hướng dương, cẩm tú cầu…dễ trồng quanh năm, nhưng giá cả nội tiêu rất thấp.
Qua thời gian nghiên cứu quy trình sản xuất rau, hoa tại TP Đà Lạt nói riêng, tỉnh Lâm Đồng nói chung, TS.KTS Trương Văn Quảng và KTS Trần Ngọc Chính, Hội Quy hoạch phát triển Đô thị Việt Nam tiếp tục khẳng định: So với phương pháp canh tác truyền thống ngoài trời thì canh tác trong nhà kính giúp giảm lượng lớn phân bón và thuốc bảo vệ thực vật cũng như lượng nước tưới, nên chi phí sản xuất tiết kiệm đáng kể. Mô hình nhà kính cũng giúp giảm thiệt hại do ảnh hưởng của biến đổi thời tiết. Nhờ hiệu quả kinh tế vượt trội, diện tích xây dựng nhà kính trên địa bàn TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng không ngừng mở rộng trong khoảng mười năm trở lại đây. Dẫn đến “cảnh mộng mơ của một thành phố trong rừng, rừng trong thành phố đã dần phai mờ, góp phần làm ô nhiễm thị giác, tạo nên sự bức bối phần lớn trong tâm trí du khách muốn tìm lại những phong cảnh thiên nhiên thực sự Đà Lạt trong lành, quyến rũ…”.
Ông Phan Thanh Sang - Chủ tịch Hiệp hội Hoa Đà Lạt nêu quan điểm của Hiệp hội Hoa Đà Lạt ủng hộ Quyết định 178, ngày 30/1/2023 của UBND tỉnh Lâm Đồng mục tiêu đến năm 2025 - 2030 giảm dần, tiến tới không còn diện tích nhà kính tại khu vực nội ô TP Đà Lạt gồm các Phường: 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12 và nội thị các huyện phụ cận so với hiện trạng năm 2022. Trong thời gian tới khi sáp nhập huyện Lạc Dương vào TP Đà Lạt sẽ mở rộng quy mô diện tích để phát triển thành trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp và du lịch văn hóa di sản, trung tâm nghiên cứu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tầm quốc gia, khu vực và quốc tế, Hiệp hội Hoa Đà Lạt mong muốn TP Đà Lạt sẽ xanh - sạch - đẹp hơn và phát triển bền vững, nhưng cần phải tìm giải pháp hợp lý để đảm bảo lợi ích, sinh kế của người dân đang canh tác hoa nhà kính trên địa bàn. Ngày 27/5/2023, Hiệp hội Hoa Đà Lạt phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng tổ chức Tọa đàm ghi nhận làng hoa, trang trại, hội viên đều đồng thuận việc giảm dần và tiến tới không còn nhà kính nội ô là một xu hướng tất yếu để Đà Lạt ngày một đẹp hơn, xanh hơn đối với phát triển về dịch vụ du lịch.
Về phía Hiệp hội Hoa Đà Lạt tập trung tuyên truyền, vận động hội viên thực hiện Quyết định 178 như giải tỏa, di dời nhà kính xây dựng trái quy định. Đến năm 2025 giảm 10-15% diện tích nhà kính nội ô TP Đà Lạt bằng cách chỉnh trang, chỉnh sửa theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, có khoảng lùi khi xây dựng, trồng cây xanh vành đai, đảm bảo diện tích đất dành cho đường bộ, ao, hồ chứa nước, mương máng thoát nước, diện tích cây xanh, khuôn viên xung quanh nhà kính. Bên cạnh đó, thực hiện dự án nhập khẩu giống mới có tiềm năng thương mại, khả năng canh tác ngoài trời hiệu quả để chuyển giao cho người sản xuất. Đồng thời đề xuất đề tài, nghiên cứu khoa học đến các sở, ban, ngành triển khai các mô hình trình diễn canh tác hoa ngoài trời hiệu quả để nông dân tham quan, học hỏi và làm theo; hình thành chuỗi sản xuất gắn tiêu thụ hoa canh tác ngoài trời…
• HỖ TRỢ THÁO DỠ NHÀ KÍNH TRẮNG NỘI Ô, NỘI THỊ
Chủ tịch Hiệp hội Hoa Đà Lạt Phan Thanh Sang cũng nêu lên những khó khăn khi triển khai là: Hiện tượng biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan như mưa lớn, mưa đá, gió, bão, hạn hán, gia tăng nhiệt độ, ngập lụt cục bộ…, ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất, chất lượng sản phẩm trồng hoa ngoài trời. Hàng năm thời điểm cuối xuân, đầu hè, những vườn hoa bên ngoài nhà kính thường gia tăng dịch hại virus, các loại vi khuẩn, côn trùng; đến giữa mùa mưa, đất có ẩm độ cao, tiếp tục phát sinh nhiều nấm bệnh. Trong khi đó sau khi tháo dỡ nhà kính, nếu trồng các loài hoa ngoài trời hiện nay thì sản lượng ít, giá trị thấp, thị trường hẹp, không thể tăng diện tích. Việc lựa chọn loài và giống hoa ngoài trời phải đảm bảo các yếu tố thích nghi môi trường, phù hợp quy trình công nghệ sản xuất mới, tăng quy mô diện tích, hình thành chuỗi sản xuất gắn với nhu cầu thị trường, bảo đảm sinh kế nông hộ. Chưa hết, hệ thống giao thông nội đồng, nội ô chưa được đầu tư đồng bộ phục vụ sản xuất; hệ thống tưới, tiêu thoát nước ở Đà Lạt chưa được cải tạo đầu tư tương ứng với địa hình độ dốc cao, ngăn chặn tình trạng xói mòn ta luy. Đáng lưu tâm phần lớn nông hộ Đà Lạt sản xuất hoa nhà kính trắng nội ô không có đất xanh ở các vùng nông nghiệp ngoại ô, nên việc tháo dỡ nhà kính dự báo thiệt hại không nhỏ.
“Nông dân nội ô Đà Lạt di dời nhà kính đi đâu khi không có đất đang sản xuất ngoài trời ở khu vực ngoại ô Đà Lạt? Hay chỉ còn cách tháo gỡ làm phế liệu? Nhà kính là tài sản lớn của nông hộ 2-3 tỷ đồng/ha từ các nguồn huy động vốn đầu tư dài hạn. Cụ thể 1.000 m2 đầu tư 250-300 triệu đồng xây dựng nhà kính, nếu tháo dỡ còn lại 4-6 tấn sắt, thép, tương đương 24-36 triệu đồng. Như vậy đến năm 2030 phải tháo gỡ nhà kính ở nội ô, tài sản nhà kính khá lớn của nông dân gần như mất trắng - nếu không có chính sách hỗ trợ nguồn vốn thỏa đáng, kịp thời...”, Chủ tịch Hiệp hội Hoa Đà Lạt Phan Thanh Sang trình bày. Qua đó, giải pháp trọng tâm ở đây cần phát triển nhiều mô hình bán chuyên nghiệp, chuyên nghiệp du lịch canh nông, farmstay ở các làng hoa để gia tăng sản phẩm phục vụ du lịch, đồng thời chuyển dần diện tích trồng hoa thương phẩm trong nhà kính sang trồng hoa phục vụ du lịch, duy trì và phát triển vườn giống, nhà mô invitro, thủy canh, giá thể, trung tâm nghiên cứu nông nghiệp công nghệ cao, điểm du lịch canh nông sử dụng nhà kính theo đúng thiết kế kỹ thuật quy định…
(CÒN NỮA)