Tiềm năng phát triển cây dược liệu xáo tam phân

Một số tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ được đánh giá có nhiều tiềm năng phát triển một số cây dược liệu, trong đó có cây xáo tam phân (tên khoa học là Paramignya Trimera).

Tại tỉnh Khánh Hòa, cây xáo tam phân phát triển nhiều khu vực núi Hòn Hèo, thị xã Ninh Hòa. Ảnh: baokhanhhoa.vn

Tại tỉnh Khánh Hòa, cây xáo tam phân phát triển nhiều khu vực núi Hòn Hèo, thị xã Ninh Hòa. Ảnh: baokhanhhoa.vn

Tại tỉnh Khánh Hòa, cây xáo tam phân phát triển nhiều khu vực núi Hòn Hèo, thị xã Ninh Hòa và được người dân khai thác, nhân giống, đưa vào chế biến nên các sản phẩm dược liệu tốt cho sức khỏe người tiêu dùng. Tuy nhiên, tiềm năng này chỉ được khai thác một phần nhỏ và chưa định hình được một vùng trồng dược liệu, dù có nhiều lợi thế.

Hơn 10 năm về trước, ở thị xã Ninh Hòa, cây xáo tam phân được người dân biết đến là dược liệu quý trong tự nhiên nên ra sức tìm và khai thác ồ ạt ở vùng núi Hòn Hèo. Ông Trần Bá Ninh, Chủ tịch Hiệp hội Cây dược liệu Khánh Hòa cho biết, xáo tam phân được đánh giá là dược liệu có hoạt chất cao nhất, có tác dụng tốt cho các bệnh liên quan đến gan, hỗ trợ điều trị ung thư.

Kể lại câu chuyện của chính mình, ông Ninh cho biết, năm 2011 thị trường bùng nổ nhu cầu mua bán, sử dụng xáo tam phân, lúc đó đang làm thương lái dược liệu, nhận thấy nhu cầu thị trường có khả năng làm cạn kiệt cây xáo tam phân ở ngoài tự nhiên, ông quyết định giâm cành nhân giống cây xáo tam phân và bước đầu có hiệu quả. Tháng 10/2011, ông Ninh đã hái quả trong cây tự nhiên để gieo thành cây con. Kết quả, 100% cây con mọc từ hạt, hiệu quả cao hơn so với việc giâm cành; mở ra con đường phát triển cây con xáo tam phân, ước tính mỗi năm cho khoảng 250.000 cây giống. Cũng từ đây, ấp ủ phát triển cây xáo tam phân hình thành, ông đã cho thành lập những cơ sở nhân giống, trồng xáo tam phân cùng với nguồn khai thác cây giống trong tự nhiên.

“Tôi tin rằng, vùng đất ở Hòn Hèo chính là nơi có thiên nhiên đặc biệt thích hợp phát triển cây xáo tam phân hiệu quả nhất. Chúng tôi đã nhân giống, trồng loại cây này cũng dựa trên các đặc điểm của khí hậu tự nhiên, nhờ đó cây phát triển triển tốt. Tuy nhiên, vẫn chỉ rải rác ở vài đơn vị, chưa thực sự thành vùng trồng nguyên liệu lớn”.

Ông Lê Hồng Chân, Hiệp hội Cây dược liệu tỉnh Khánh Hòa cũng khẳng định, cách đây 10 năm cây xáo tam phân được rất nhiều người khai thác một cách tận triệt trong tự nhiên, từ đó, rất khó để tìm kiếm trong tự nhiên, nên rất cần Hiệp hội Cây dược liệu bảo tồn, nhân giống để phát triển bền vững.

Ngày nay, việc nhân giống và phát triển vùng trồng dược liệu xáo tam phân có những bước thành công lớn. Tuy nhiên, giải pháp để cây dược liệu, ngành dược liệu phát triển bền vững hơn nữa “rất cần có các Viện nghiên cứu để công bố rõ ràng, chính thống, vững chắc về các hoạt chất trong cây dược liệu để người tiêu dùng an tâm. Cùng với đó, cần quảng bá, chia sẻ các thông tin trên bằng phương tiện truyền thông, đặc biệt là phương thức “du lịch dược liệu”.

Trước đây, cây dược liệu được khai thác xuất bán thô, thì nay ở thị xã Ninh Hòa đã có nhiều các nhà máy sản xuất dược liệu chuyên nghiệp hơn, đa dạng các dòng sản phẩm OCOP. “Từ nguyên liệu trên, các doanh nghiệp, công ty, gia đình trồng dược liệu đã tự chế các loại máy cắt, sấy, nghiền dược liệu và phân loại dược liệu. Bí quyết để tạo nên dược liệu chất lượng chính là sấy lạnh ở nhiệt độ thấp và đặc biệt giữ được màu xanh của nguyên liệu, tạo nên tính đặc trưng của xáo tam phân vùng đất Ninh Hòa”, ông Trần Bá Ninh nói.

Để đưa sản phẩm ra thị trường có giá trị cao, đa số các mặt hàng ở đây đều được công nhận an toàn về mặt vệ sinh thực phẩm và chứng nhận công bố sản phẩm… Việc phát triển cây dược liệu rất cần sự chung tay của các hội viên hiệp hội, chính quyền địa phương.

Theo bà Hoàng Thị Khánh Thanh, Hiệp hội Cây dược liệu tỉnh Khánh Hòa, khi một sản phẩm tốt, khách hàng tự lan tỏa sản phẩm, do đó việc của mỗi người làm dược liệu như bà chỉ cần tạo nên sản phẩm chất lượng tốt, cùng với việc hỗ trợ lẫn nhau để phát triển cây dược liệu, sẽ tạo nên tính bền vững cho vùng dược liệu Ninh Hòa.

Cây dược liệu Khánh Hòa được bảo tồn, tạo ra nguồn lợi lâu dài để cung ứng cho ngành dược liệu và phát triển ra thị trường, ngoài các yếu tố kể trên, việc hình thành vùng trồng nguyên liệu tập trung vẫn là giá trị cốt lõi, từ đó mới có nguyên liệu để phát triển bền vững, tạo ra sản phẩm có giá trị. Do đó, cần quan tâm chú trọng nhiều hơn vấn đề này.

Phan Sáu (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/tiem-nang-phat-trien-cay-duoc-lieu-xao-tam-phan-20240915084018794.htm
Zalo