Tiêm kích Su-35 Nga bất ngờ xuất hiện ở Algeria, chia đôi niềm hy vọng của Iran?
Iran từng hy vọng sẽ được Nga chuyển giao toàn bộ lô 24 chiếc Su-35 vốn bị Ai Cập hủy bỏ, tuy nhiên giờ đây Nga đã chuyển giao một số chiếc trong lô này cho Algeria.
Hình ảnh vệ tinh cho thấy sự hiện diện của máy bay chiến đấu đa năng Su-35 Flanker-M do Nga sản xuất tại Algeria.

Hình ảnh máy bay Su-35 xuất hiện tại Căn cứ Không quân Ain Beida/Oum el Bouaghi, Algeria xuất hiện vào ngày 10/3.
Lô Su-35 này ban đầu được Nga chế tạo cho Ai Cập, tuy nhiên sau đó thương vụ đổ vỡ, chúng lại được kỳ vọng sẽ chuyển giao cho Iran. Tuy vậy có vẻ chúng hiện đã được chia ra để chuyển tới cho cả Tehran và Aleria.
Algeria ngoài việc nhận được chiến đấu cơ Su-35, trước đây còn là khách hàng đầu tiên của Su-57 Felon.

Hình ảnh vệ tinh trước đó vào ngày 2/3, cho thấy một chiếc Su-35 đã tháo rời đang được đưa lên máy bay vận tải An-124 Condor tại Komsomolsk-on-Amur ở Viễn Đông Nga, nơi các máy bay chiến đấu được chế tạo.
Vào ngày 5/3, một chiếc An-124 đã xuất hiện tại Căn cứ Không quân Ain Beida/Oum el Bouaghi.
Vào thời điểm này, vẫn chưa rõ có bao nhiêu máy bay Su-35 đã được chuyển giao cho Algeria, mặc dù IISS đưa tin rằng ít nhất có 4 chiếc khác tại Komsomolsk-on-Amur.
Su-35 là sự bổ sung khá bất ngờ cho Không quân Algeria, lực lượng chiến đấu của nước này chủ yếu sử dụng các chiến đấu cơ của Nga, bao gồm một biến thể Flanker khác là Su-30MKA Flanker-H hai chỗ ngồi.
Hiện tại, Không quân Algeria đang vận hành 63 máy bay chiến đấu đa năng Su-30MKA và 40 máy bay chiến đấu MiG-29S/M/M2, 42 máy bay tấn công/trinh sát Su-24MK2 và 16 máy bay huấn luyện chiến đấu Yak-130.
Việc chuyển giao Su-35 cho Algeria có vẻ như sẽ là tin không vui cho kế hoạch hiện đại hóa lực lượng không quân đang già cỗi của Iran.
Vào tháng 3/ 2023 , truyền thông nhà nước Iran đưa tin rằng nước này đã đạt được thỏa thuận với Nga về việc mua máy bay Su-35 cho Không quân Cộng hòa Hồi giáo Iran (IRIAF).
Kể từ khi lệnh cấm vận vũ khí thông thường của Iran hết hạn vào tháng 10/2020, người ta đã mong đợi một đợt chuyển giao Su-35.
Hiện chưa rõ số lượng cụ thể máy bay chiến đấu Su-35 mà Iran đã nhận được, tuy vậy giới phân tích nhận định số lượng nếu có cũng sẽ rất ít.
Rất có thể lô 24 chiến đấu cơ Su-35 vốn của Ai Cập đặt hàng sẽ được Nga chia ra cho cả Iran và Algeria thay vì chuyển giao toàn bộ chúng cho Tehran.
Sukhoi Su-35 (định danh NATO: Flanker-E+) là máy bay tiêm kích hạng nặng, tầm xa, đa năng, hai động cơ, thế hệ 4++ do Tập đoàn máy bay quân sự Sukhoi phát triển dựa trên thiết kế Su-27 Flanker từ thời chiến tranh lạnh.
Nguyên mẫu đầu tiên được ra mắt vào năm 1992 tại Triển lãm Hàng không Quốc tế Farnborough (Anh) và trang bị cho Không quân-Vũ trụ Nga từ 1995.
Giữa những năm 2000, bằng các công nghệ tiên tiến, Sukhoi bắt đầu hiện đại hóa Su-35 thành máy bay tiêm kích thế hệ 4.5.
Theo đó, cải tiến về hình dáng bên ngoài cũng như các cấu kiện bên trong để Su-35 có hiệu suất chiến đấu tốt hơn.
So với Su-27 và Su-30, Su-35 có mũi máy bay lớn hơn; sử dụng nhiều hơn vật liệu sợi các-bon, và hợp kim lithium-nhôm trong cấu trúc thân.
Các cánh đuôi vuông hơn và rộng hơn; khung máy bay phần lớn được làm bằng titan có trọng lượng nhẹ hơn.
Su-35 dùng động cơ đẩy véc tơ 3 chiều mới Saturn AL-41F1S (còn gọi 117S) sử dụng công nghệ tua-bin áp suất thấp và tua-bin cao áp tiên tiến kết hợp cùng hệ thống kiểm soát số hóa chính xác SDU-D giúp tăng lực đẩy tổng thể 16%.
Vòi phun động cơ AL-41F1S có thể di chuyển theo các hướng khác nhau, hỗ trợ cho các cánh lái, giúp Su-35 có vòng lượn cực hẹp, có khả năng tránh tên lửa cũng như ưu thế trong chiến đấu quần vòng.
Tuy nhiên, nó không có khả năng bay với tốc độ siêu âm như F-22 hay Typhoon; khi tăng tốc, vẫn phải sử dụng chế độ đốt sau.
Trần bay của Su-35 là 18.000m, bằng F-15, và cao hơn 3.500 m so với F/A-18E/F Super Hornet, Rafale và F-35.
Su-35 có dự trữ nhiên liệu nhiều hơn 22% so với Su-27; có thể đạt tốc độ tối đa Mach 2,25 ở độ cao lớn (bằng F-22 và nhanh hơn F-35, F-16). Bán kính chiến đấu của Su-35 là 1.700 km không cần tiếp nhiên liệu trên không.
Khi mang thêm 2 thùng nhiên liệu phụ, tầm bay đạt 4.500 km; Su-35 có khả năng tiếp nhiên liệu trên không.
Tiết diện phản xạ radar (RCS) của dòng chiến đấu cơ hạng nặng to lớn này chỉ dao động từ 1 - 3 m2.
Với 8 tấn vũ khí được tích hợp trên 12 điểm treo cho phép Su-35 có thể trang bị nhiều chủng loại vũ khí cùng lúc..
Radar mảng pha bán chủ động IRBIS -E trang bị trên Su-35 có khả năng quét 240°, khoảng cách dò tìm đạt 400 km với mục tiêu máy bay ném bom chiến lược và 90 km với mục tiêu với máy bay chiến thuật.
Radar có thể khóa đến 30 mục tiêu khác nhau, trong đó có 8 mục tiêu có thể khóa gần như liên tục với độ chính xác đủ để đồng thời tiêu diệt bằng các tên lửa không đối không tầm trung gắn đầu dò chủ động.
Chiến đấu cơ Su-35 có thể bắn hai mục tiêu đồng thời bằng các tên lửa với đầu dò bán chủ động.
Ngoài ra, Su-35 trang bị hệ thống tìm kiếm và theo dõi hồng ngoại (IRST) OLS-35, một lần có thể theo dõi 4 tín hiệu hồng ngoại với các bước sóng ngắn khác nhau.