Xóa video livestream: Ảnh hưởng thế nào đến nhà sáng tạo nội dung?
Facebook xóa video livestream sau 30 ngày khiến nhà sáng tạo 'xoay như chong chóng' tìm cách thích nghi.
Việc Facebook quyết định xóa các video livestream sau 30 ngày đã tạo ra một làn sóng lo ngại trong cộng đồng nhà sáng tạo nội dung. Chính sách này, được triển khai từ giữa tháng 2 tại các thị trường quốc tế và dự kiến áp dụng tại Việt Nam vào cuối tháng 6 hoặc đầu tháng 7 năm 2025, không chỉ thay đổi cách các nhà sáng tạo nội dung lên kế hoạch phát triển mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí và chiến lược kinh doanh của họ.

Ảnh hưởng kế hoạch phát triển nội dung
Việc xóa video livestream sau 30 ngày buộc các nhà sáng tạo nội dung phải điều chỉnh chiến lược của mình. Trước đây, các video livestream có thể được lưu trữ lâu dài trên nền tảng, giúp các nhà sáng tạo có thể tái sử dụng nội dung cho các mục đích khác nhau như quảng cáo hoặc giới thiệu sản phẩm. Tuy nhiên, với chính sách mới, họ phải tạo ra nội dung mới liên tục để duy trì sự hiện diện và tương tác trên nền tảng.
Việc này cũng nhằm hạn chế phí phạm tài nguyên lưu trữ, vì đa số video livestream không phải nội dung xây dựng lâu dài mà chỉ mang tính thời điểm. Động thái này cũng góp phần thúc đẩy các nhà bán hàng hay nhà sáng tạo nội dung đầu tư hơn vào việc tạo ra các tuyến thông tin mới.

Chi phí quảng cáo lưu trữ sẽ tăng
Một trong những hệ lụy trực tiếp của chính sách này là chi phí lưu trữ và quảng cáo tăng cao. Nhà sáng tạo nội dung phải đầu tư vào các dịch vụ lưu trữ ngoài như ổ cứng hoặc các dịch vụ đám mây như OneDrive, Google Drive nếu muốn giữ lại các video livestream của mình. Điều này không chỉ tăng chi phí mà còn đòi hỏi sự quản lý và bảo trì dữ liệu phức tạp hơn.
Anh Nguyễn Khánh Vinh, một nhà bán hàng eCom, chia sẻ: "Facebook xóa video livestream thì bắt buộc tôi phải chạy quảng cáo sớm hơn, chứ không như trước kia là lần lượt để kiểm tra độ hiệu quả. Điều này cũng gây khó khăn nhiều cho việc khai thác của công ty mà tôi đang làm”.

Ảnh hưởng khả năng tiếp cận khách hàng
Mất đi kho lưu trữ video livestream có thể ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín và khả năng tiếp cận khách hàng của các nhà sáng tạo nội dung. Livestream thường được sử dụng để xây dựng lòng tin với khách hàng thông qua việc trình diễn sản phẩm hoặc dịch vụ trực tiếp. Khi video bị xóa, các nhà sáng tạo mất đi một công cụ quan trọng để chứng minh chất lượng và uy tín của mình.
Theo các chuyên gia, chính sách này có thể mang lại lợi ích nhất định cho nền tảng, như giảm áp lực chi phí lưu trữ, tối ưu tài nguyên hệ thống và có thể là bước đệm mở ra cơ hội gia tăng doanh thu từ các dịch vụ lưu trữ trong tương lai. Tuy nhiên nó lại đặt ra thách thức lớn đối với một bộ phận người dùng - đặc biệt là những cá nhân hay doanh nghiệp kinh doanh online phụ thuộc vào livestream để tiếp cận khách hàng.

Có thể nói, chính sách xóa video livestream của Facebook đặt ra nhiều thách thức cho các nhà sáng tạo nội dung. Họ phải thay đổi cách tiếp cận, đầu tư thêm chi phí và tìm cách duy trì uy tín trong môi trường kinh doanh trực tuyến ngày càng cạnh tranh. Tuy nhiên, với sự linh hoạt và sáng tạo, các nhà sáng tạo có thể tìm ra những phương pháp mới để thích nghi và tiếp tục phát triển trên nền tảng này. Việc sao lưu dữ liệu và tìm kiếm các nền tảng thay thế như YouTube, TikTok có thể là những giải pháp hữu ích trong thời gian tới.