Các máy bay F/A-18C/D Hornet của Thủy quân Lục chiến Mỹ đang được tăng cường khả năng tấn công từ xa với việc trang bị tên lửa hành trình AGM-158 Joint Air-to-Surface Standoff Missile (JASSM).
Tên lửa JASSM thổi luồng sinh khí mới vào các "quái điểu" F/A-18C/D Hornet cao tuổi, giúp chúng thêm "móng vuốt" và an toàn trước hỏa lực phòng không đối phương.
Vào tháng 8/2024, nhân viên tại căn cứ không quân Thủy quân Lục chiến Miramar ở California đã đánh giá các quy trình để đưa tên lửa JASSM lên tiêm kích F/A-18C/D Hornet.
Một chiếc F/A-18D từ Phi đội tấn công máy bay chiến đấu Thủy quân Lục chiến 232 (VMFA-232) được sử dụng cho buổi thử nghiệm tên lửa JASSM.
Phi đội hậu cần hàng không Thủy quân Lục chiến 11 (MALS-11) cũng tham gia vào sự kiện thử nghiệm này.
Thủy quân Lục chiến Mỹ đang trong quá trình loại bỏ dần các máy bay F/A-18C/D Hornet, với những chiếc cuối cùng dự kiến sẽ nghỉ hưu vào cuối thập niên này.
Khoảng 84 chiếc F/A-18C/D Hornet dự kiến sẽ tiếp tục hoạt động cho đến năm 2030, cho tới lúc đó thì phi đoàn tiêm kích này vẫn tiếp tục được nâng cấp.
Những nâng cấp đó bao gồm radar mảng quét điện tử chủ động (AESA) APG-79(V)4 mới và các bộ tác chiến điện tử hiện đại.
Thủy quân Lục chiến Mỹ cũng quyết định tích hợp tên lửa JASSM cho phi đoàn tiêm kích F/A-18C/D Hornet này.
JASSM có tầm bắn xa hơn đáng kể so với bất kỳ vũ khí tấn công nào mà F/A-18C/D Hornet hiện có thể mang theo.
Thậm chí JASSM-ER có thể đạt tới tầm bắn khoảng 1000 km.
Các tên lửa trong họ JASSM có khả năng sống sót và gây sát thương cao hơn so với các tên lửa hiện có dành cho các máy bay F/A-18C/D Hornet của Thủy quân Lục chiến.
Điều này có được là nhờ thiết kế tàng hình và khả năng dẫn đường cực kỳ tiên tiến của JASSM, giúp chúng tránh được các biện pháp phòng thủ của đối phương để tấn công mục tiêu.
Việc tên lửa sử dụng cảm biến hồng ngoại hình ảnh có khả năng khớp cảnh/hình ảnh ở giai đoạn cuối giúp JASSM tìm và bắn trúng mục tiêu một cách chính xác ngay cả khi phải đối mặt với nhiễu sóng điện tử tần số vô tuyến mạnh.
“Việc tích hợp tên lửa không đối đất tầm xa JASSM vào kho vũ khí của F/A-18C/D Hornet giúp tăng cường đáng kể khả năng của dòng chiến cơ này, cho phép nó tấn công các mục tiêu từ xa ngoài tầm với của hệ thống phòng không đối phương”, Thiếu tá Bradley Kirby tuyên bố.
Với việc tích hợp JASSM đã mở ra những lựa chọn mới để sử dụng phi đoàn F/A-18C/D của Thủy quân Lục chiến Mỹ trong các cuộc xung đột trong tương lai.
Việc cho F/A-18C/D Hornet tích hợp tên lửa tầm xa JASSM đặc biệt có giá trị trong các cuộc chiến tiềm tàng, chẳng hạn như ở Thái Bình Dương, nơi các mối đe dọa phòng không và tên lửa ngày càng gia tăng.
Với khả năng hoạt động của F/A-18C/D Hornet từ các đường băng ngắn, bao gồm cả những đường băng trên các hòn đảo xa xôi, Thủy quân Lục chiến Mỹ có thể tung ra các cuộc tấn công bất ngờ.
Việc tích hợp JASSM vào các máy bay F/A-18C/D Hornet cũ có ý nghĩa rất quan trọng đối với Thủy quân Lục chiến Mỹ, bởi lẽ đây là dòng máy bay duy nhất của họ có thể mang tên lửa này.
Dù đã có kế hoạch trang bị cho những chiếc F-35 của Thủy quân Lục chiến Mỹ, tuy nhiên do kích thước lớn của tên lửa JASSM nên chúng cũng không thể nhét vào trong khoang vũ khí của tiêm kích tàng hình,
Việc không thể mang tên lửa tầm xa bên trong khoang đã làm giảm lợi thế của tiêm kích tàng hình F-35.
“JASSM vượt trội trong danh mục vũ khí rộng lớn của F/A-18C/D Hornet”, Thiếu tá Kirby lưu ý sau sự kiện thử nghiệm tại căn cứ Miramar.
“Vũ khí này sẽ tăng cường đáng kể năng lực của Liên đoàn máy bay Thủy quân Lục chiến số 3”, Thiếu tá Kirby nhấn mạnh.
Việt Hùng