Tích tụ, tập trung đất, sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao ở Thanh Hóa
Thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa, nhiệm kỳ này các địa phương trong tỉnh Thanh Hóa tiếp tục khuyến khích tích tụ, tập trung đất đai, liên kết, hợp tác sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, tăng chuỗi giá trị nông sản hàng hóa.
Nét mới ở huyện đồng chiêm
Nông Cống là huyện trọng điểm lúa phía nam tỉnh Thanh Hóa. Thực hiện Nghị quyết số 13 của Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa về tích tụ, tập trung đất đai để sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao cùng chương trình trọng tâm Đảng bộ huyện đề ra, trên cơ sở rà soát toàn bộ diện tích canh tác, huyện Nông Cống khuyến khích tích tụ, tập trung đất đai, chuyển diện tích canh tác thu nhập thấp sang trồng các loài cây có tiềm năng cho hiệu quả kinh tế cao hơn; liên kết tổ chức sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị nhằm phát huy lợi thế các vùng kinh tế còn nhiều dư địa tăng trưởng.
Ở xã Công Liêm thuộc vùng bán sơn địa của huyện Nông Cống, nông hộ phát triển diện tích trồng cây riềng, chủ động tìm kiếm đối tác tiêu thụ nông sản. Trên địa bàn xã có 80 hộ, trồng gần 83ha riềng và cây riềng sinh trưởng, phát triển tốt trên đất đỏ bazan, nông sản thu hoạch là sản phẩm đầu vào, chế biến thành các loại gia vị.
Diện tích trồng riềng cho năng suất bình quân 60 tấn/ha, tổng sản lượng hơn 5.000 tấn, đạt doanh thu gần 41 tỷ đồng/năm. Với 1ha riềng cần chi phí đầu tư khoảng 160 triệu đồng, cho lợi nhuận hơn 400 triệu đồng/năm. Một số hộ thuê gần 22ha đất ở thôn Cự Phú, xã Công Liêm, để trồng giống riềng đỏ tập trung, quy mô lớn.
Cùng huyện Nông Cống, hộ có năng lực ở các xã chuyên canh lúa, thuê, mượn đất của các hộ thiếu lao động, liên kết tổ chức sản xuất quy mô lớn hơn. Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp-mạ khay Tế Thắng Lê Thị Hà cho biết: Một số gia đình trong thôn Thổ Nam thiếu lao động, đồng ý cho mượn đất sản xuất nên gia đình chị đầu tư thâm canh 5ha lúa, mua sắm máy làm đất, máy cấy, máy thu hoạch, phục vụ sản xuất, kết hợp cung ứng các dịch vụ cho nông hộ có nhu cầu. Niên vụ này hợp tác xã liên kết với nông dân Thôn 1 tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị trên quy mô 50ha, thực hiện cơ giới hóa đồng bộ nhằm giảm chi phí sản xuất và bao tiêu sản phẩm cho nông dân.
Giám đốc hợp tác xã bộc bạch, lợi nhuận từ trồng trọt chỉ đạt khoảng 15% và kỳ vọng liên kết sản xuất theo chuỗi sẽ chủ động bố trí cơ cấu giống, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, giảm chi phí đầu vào, tác động bởi thiên tai, doanh nghiệp cùng nông hộ giải quyết hài hòa quan hệ lợi ích nhằm phát triển bền vững chuỗi giá trị.
Tại xã Trung Chính, ông Lê Bá Trung thuê đất của hơn 100 hộ, tạo 50ha đất tập trung, liền khoảnh, tổ chức sản xuất các giống lúa chất lượng cao và lúa thương phẩm. Công ty Hồng Quang ở tỉnh Ninh Bình liên kết với hợp tác xã nông nghiệp cung ứng giống, cử cán bộ, kỹ sư chuyển giao khoa học, kỹ thuật, quy trình sản xuất, bao tiêu nông sản cho nông dân. Khu vực này có hạ tầng phục vụ sản xuất tương đối đồng bộ, hợp tác xã thực hiện cơ giới hóa đồng bộ; sử dụng thiết bị bay không người lái phun chế phẩm bảo vệ thực vật thân thiện môi trường, bảo đảm sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn.
Theo đó, không chỉ giảm chi phí sản xuất, đạt 30% lợi nhuận sau thu hoạch, người nông dân được chuyển giao, ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, kiểm soát chất lượng nông sản theo tiêu chuẩn VietGAP.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Trung Chính Lê Đình Hùng trao đổi: Vùng lúa năng suất, chất lượng cao, nhất là vùng sản xuất lúa tập trung không chỉ góp phần bảo đảm an ninh lương thực còn gợi mở hướng phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững. Mặt khác, có thể chuyển bớt diện tích canh tác hiệu quả thấp sang sử dụng vào mục đích khác, nhất là xã Trung Chính có 49ha thuộc quy hoạch Cụm công nghiệp Cầu Quan, đáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động khu vực này.
Ngoài xã Trung Chính, Công ty Hồng Quang ở tỉnh Ninh Bình còn liên kết với 4 hợp tác xã ở các địa phương sản xuất lương thực tập trung, gắn sản xuất với chế biến, tăng giá trị nông sản, trong đó sản phẩm cơm cháy của tỉnh Ninh Bình có đóng góp từ hạt gạo chất lượng cao ở vùng đồng chiêm trũng ở huyện Nông Cống. Trên địa bàn huyện Nông Cống đã hình thành 2 chuỗi sản xuất rau, củ, quả an toàn, 4 chuỗi liên kết sản xuất lương thực theo chuỗi giá trị.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Nông Cống Nguyễn Văn Tuấn, hiện các doanh nghiệp ở các tỉnh bạn liên kết với các hợp tác xã trên địa bàn huyện tổ chức sản xuất nông sản đặc sản, chất lượng cao, lúa thương phẩm trên hơn 1.000ha. Sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng kỹ thuật cao thúc đẩy cơ giới hóa đồng bộ, giảm chi phí sản xuất, chủ động ứng phó với thiên tai, liên kết “4 nhà” tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị theo tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”.
Thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp
Thanh Hóa là một trong những địa phương sớm triển khai, thực hiện cuộc vận động đổi điền, dồn thửa. Diện tích bình quân một thửa đất sản xuất nông nghiệp từ 330m2 vào năm 1998, tăng lên 1.000m2 năm 2017; mỗi hộ sở hữu từ 10 thửa ruộng, giảm xuống 3 thửa, có nơi chỉ còn một thửa/hộ. Tình trạng manh mún trong canh tác từng bước được khắc phục, tạo điều kiện đẩy mạnh thâm canh, chuyển đổi cây trồng, con nuôi, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Đây chính là tiền đề, cơ sở thực tiễn thúc đẩy tích tụ, tập trung ruộng đất để phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn theo hướng áp dụng công nghệ cao.
Giai đoạn 2019-2023, các địa phương trong tỉnh Thanh Hóa đã tích tụ, tập trung thêm được hơn 39 nghìn ha đất, nâng tổng diện tích tụ, tập trung đất đai lên 50 nghìn ha để phát triển nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao. Công tác tích tụ, tập trung đất đai được triển khai rộng khắp ở 27 đơn vị cấp huyện, thu hút 121 doanh nghiệp, 162 hợp tác xã, tổ hợp tác và 13.551 hộ gia đình, cá nhân tham gia.
Nhiều hình thức tích tụ, tập trung đất đai được thực hiện trong thực tiễn, bảo đảm đúng quy định pháp luật, phù hợp điều kiện mỗi địa phương. Trong 39.328,1ha tích tụ, tập trung trong giai đoạn này, có gần 11.951ha thông qua hình thức thuê đất, hơn 6.086ha tiếp nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, gần 6.334ha góp vốn bằng quyền sử dụng đất và gần 14.957ha do nhiều hộ cùng liên kết sản xuất một loại sản phẩm tập trung, quy mô lớn gắn với bao tiêu nông sản.
Nhiều mô hình tích tụ, tập trung đất đai để sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, phát huy hiệu quả, từng bước được nhân rộng. Điển hình là tại các huyện: Quảng Xương, Hà Trung, Triệu Sơn, Nông Cống, các hợp tác xã nông nghiệp thuê đất, các hộ gia đình góp vốn bằng quyền sử dụng đất, tạo thành vùng sản xuất lúa giống, lúa thương phẩm theo chuỗi giá trị, từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ, đem lại hiệu quả kinh tế cao gấp 1,5 lần so sản xuất thông thường.
Ở các huyện Nga Sơn, Hậu Lộc, Thọ Xuân, phương thức thuê đất hoặc tiếp nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để xây dựng nhà màng, nhà lưới trồng rau, hoa, quả, ứng dụng các công nghệ tiên tiến trong chăm sóc như hệ thống tưới nước, bón phân tự động qua tưới phun, tưới nhỏ giọt, trồng thủy canh, khí canh cho doanh thu 1 tỷ đồng/ha/năm. Nhờ tích tụ, tập trung đất đai, nhà đầu tư, nông hộ ở các huyện Yên Định, Ngọc Lặc, Thạch Thành, Như Xuân chuyển đổi cơ cấu cây trồng truyền thống sang trồng cây ăn quả ứng dụng công nghệ cao, gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ, đạt doanh thu 350-450 triệu đồng/ha/năm. Các địa phương vùng duyên hải tổ chức nuôi tôm thẻ thâm canh ứng dụng công nghệ cao trong nhà màng, nhà lưới theo công nghệ biofloc, đạt doanh thu từ 3 tỷ-4,5 tỷ đồng/ha.
Tích tụ, tập trung đất đai thúc đẩy thành lập doanh nghiệp, hấp dẫn, thu hút các nhà đầu tư và trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã có 1.328 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Các hình thức tổ chức sản xuất phát triển đa dạng, tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và các hộ dân để tổ chức sản xuất quy mô lớn; đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động, tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động khu vực nông thôn.
Qua khảo sát, giai đoạn 2021-2023 diện tích sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn công nghệ cao trong trồng trọt đạt 450 triệu đồng/ha; chăn nuôi đạt 550 triệu đồng/ha; nuôi trồng thủy sản đạt 4,5 tỷ đồng/ha/năm. Với diện tích sản xuất theo hướng công nghệ cao, lĩnh vực trồng trọt đạt 250 triệu đồng/ha, chăn nuôi đạt 350 triệu đồng/ha, nuôi trồng thủy sản đạt 2,3 tỷ đồng/ha/năm. So với sản xuất đại trà, diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn công nghệ cao trong trồng trọt cao hơn 4,43 lần, thủy sản cao hơn 18,6 lần; diện tích trồng trọt theo hướng công nghệ cao cao hơn 2,5 lần, nuôi thả thủy sản cao hơn 9,5 lần, các lĩnh vực khác cao hơn ít nhất 1,5 lần.
Tích tụ, tập trung đất đai tăng thêm hấp dẫn, thu hút đầu tư, đẩy mạnh ứng dụng thành tựu khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, tạo ra khối lượng sản phẩm lớn, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường và tác động dịch chuyển lao động nông thôn sang lĩnh vực phi nông nghiệp nhanh hơn, góp phần đa dạng hóa việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Tích tụ, tập trung đất đai gắn với phát triển nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có đóng góp quan trọng trong phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Ngoài giữ vững chốt an ninh lương thực với sản lượng hơn 1,5 triệu tấn, năm vừa qua, tốc độ tăng trưởng nông nghiệp ở Thanh Hóa đạt 4,16%, cao nhất từ trước đến nay; tổng giá trị sản xuất theo giá thực tế đạt 66.280 tỷ đồng, đứng thứ 9 toàn quốc. Chi cục trưởng Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Thanh Hóa Vũ Quang Trung thông tin thêm: Ước hết năm 2024, tổng diện tích phát triển nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao lĩnh vực trồng trọt đạt 19.459,4 ha; hình thành 70 chuỗi giá trị trong sản xuất lúa gạo quy mô 6.431,4 ha, 9 chuỗi sản xuất, kinh doanh cây ăn quả, quy mô 340ha, 79 chuỗi sản xuất, tiêu thụ rau các loại.
Nhiều hợp tác xã nông nghiệp đã phát huy vai trò trong kết nối doanh nghiệp với nông dân, tổ chức thực hiện tốt sản xuất. Cơ quan chức năng tăng cường quản lý nhà nước đối với đất sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, cập nhật thống kê, phân loại, xây dựng cơ sở dữ liệu và công bố, công khai các loại đất sản xuất nông nghiệp. Nông nghiệp sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, công nghệ cao đang từng bước hình thành ở Thanh Hóa, thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng bền vững.