Tỉ lệ chọi vào lớp 10 Hà Nội khiến phụ huynh mất ăn, mất ngủ: Chuyên gia tư vấn nóng

Một số phụ huynh Hà Nội nói rằng, họ lo lắng đến mất ăn mất ngủ khi các trường mà con mình đặt nguyện vọng đều có tỉ lệ chọi cao. Sở GD&ĐT cho biết, sẽ xét song song cả 3 nguyện vọng nhằm đảm bảo nguyên tắc công bằng, có lợi cho thí sinh.

Sở GD&ĐT Hà Nội vừa công bố số lượng học sinh đăng ký nguyện vọng dự tuyển vào lớp 10 các trường THPT công lập. Dựa trên chỉ tiêu tuyển sinh và số lượng học sinh đăng ký dự tuyển, thí sinh, phụ huynh có thể tính toán ra tỉ lệ chọi vào các trường. Tuy nhiên, Sở GD&ĐT Hà Nội không cho phép thí sinh điều chỉnh nguyện vọng sau khi đã đăng ký do đó, việc công bố chỉ để biết và nỗ lực trong học tập, chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi diễn ra đầu tháng 6 tới.

Sau khi có thông tin về tỉ lệ chọi, không ít phụ huynh có con thi vào lớp 10 năm nay chia sẻ tâm tư lo lắng, áp lực đến “mất ăn mất ngủ”.

Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 của Sở GD&ĐT Hà Nội năm nay, có 103.000 em đăng ký dự thi, trong đó sẽ có khoảng 64% học sinh trúng tuyển vào trường THPT công lập. (ảnh: Trọng Tài)

Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 của Sở GD&ĐT Hà Nội năm nay, có 103.000 em đăng ký dự thi, trong đó sẽ có khoảng 64% học sinh trúng tuyển vào trường THPT công lập. (ảnh: Trọng Tài)

Anh Quang, có con học lớp 9 một trường THCS ở Cầu Giấy chia sẻ, con đặt nguyện vọng 1 vào một trường có số lượng thí sinh đăng ký gấp đôi chỉ tiêu tuyển sinh và nguyện vọng 2 ở một trường cách xa trung tâm. “Điều đáng lo là nguyện vọng 1 năng lực con chấp chới, nguyện vọng 2 trường ở ngoại thành lại có đến hơn 5.000 thí sinh đăng ký. Gia đình đang hoang mang quá, không biết phải làm sao”, anh Quang chia sẻ.

Theo công bố của Sở GD&ĐT, ngoài top 10 trường có tỉ lệ chọi cao nhất, dao động trong khoảng 1/1,89 đến 1/ 2,44 là nhóm top giữa và nhóm có tỉ lệ chọi dưới 1.

Nhóm các trường có tỉ lệ chọi dưới 1 gồm có 13 trường THPT gồm: Thọ Xuân, Đại Cường, Minh Quang, Tự Lập, Xuân Khanh, Bất Bạt, Bắc Lương Sơn, Ứng Hòa B, Phúc Lợi, Lưu Hoàng, Đông Mỹ, Ứng Hòa A, Thượng Cát.

Trong đó, số lượng học sinh đăng ký nguyện vọng 1 thấp hơn chỉ tiêu tuyển sinh được giao. Nhiều phụ huynh băn khoăn về phương thức xét tuyển các nguyện vọng và lượng thí sinh đăng ký nguyện vọng 1 thấp càng chắc suất đỗ.

Bên cạnh đó, một số trường có số lượng học sinh đăng ký nguyện vọng 1 không cao nhưng nguyện vọng 2 lại cao gấp nhiều lần. Ví dụ, trường THPT Nguyễn Văn Cừ, nguyện vọng 1 có 1.220 em đăng ký, nguyện vọng 2 con số này tăng gấp 3 lần; Trường THPT Minh Quang (Ba Vì), nguyện vọng 1 chỉ có 393 em đăng ký nhưng nguyện vọng 2 lên tới gần 2.600 em; THPT Bắc Lương Sơn, nguyện vọng 1 chỉ có 396 em đăng ký, nguyện vọng 2 gần 2.000 thí sinh, nguyện vọng 3 hơn 3.800 thí sinh….

"Cấu trúc đề thi năm nay có một số điểm mới. Ví dụ đề môn Ngữ văn không sử dụng ngữ liệu trong sách giáo khoa; đề Ngoại ngữ có thêm dạng câu hỏi trả lời ngắn – nên các con cần luyện tập kiến thức đều cả ba môn, tránh học lệch, học tủ. Ngoài việc học, sức khỏe cũng vô cùng quan trọng, các em cần ăn uống đủ dinh dưỡng, tránh thức quá khuya để học bài dẫn đến cơ thể mệt mỏi, hôm sau không tỉnh táo.

Phụ huynh không gây áp lực nặng nề mà cần đồng hành cùng con trong quá trình học tập và ôn thi, quan tâm sức khỏe thể chất, tâm lý của con", Bà Lê Thị Hương Mai, Phó hiệu trưởng Trường THCS Đống Đa, quận Đống Đa.

Ở chiều ngược lại, các trường top đầu, hằng năm có điểm chuẩn tuyển sinh lớp 10 cao chót vót nên số lượng thí sinh đăng ký nguyện vọng 1 cũng không cao và nguyện vọng 2 càng hiếm hoi. Đơn cử, Trường THPT Việt Đức chỉ có 27 thí sinh đăng ký nguyện vọng 2; THPT Phan Đình Phùng có 14 thí sinh; THPT Thăng Long 24 thí sinh; THPT Yên Hòa 42 thí sinh…

Bà Lê Thị Hương Mai, Phó hiệu trưởng Trường THCS Đống Đa, quận Đống Đa (Hà Nội) cho rằng, đối với học sinh ở giai đoạn này điều quan trọng nhất là chuẩn bị kiến thức tốt nhất, rèn kỹ năng làm bài thi và có tâm lý thoải mái, sẵn sàng bước vào kỳ thi.

Cấu trúc đề thi năm nay có vài điểm mới. Ví dụ đề môn Ngữ văn không sử dụng ngữ liệu trong sách giáo khoa; đề Ngoại ngữ có thêm dạng câu hỏi trả lời ngắn – nên các con cần luyện tập kiến thức đều cả ba môn, tránh học lệch, học tủ. Ngoài việc học, sức khỏe cũng vô cùng quan trọng, các em cần ăn uống đủ dinh dưỡng, tránh thức quá khuya để học bài dẫn đến cơ thể mệt mỏi, hôm sau không tỉnh táo.

Đối với phụ huynh, thời điểm này không gây áp lực nặng nề mà cần đồng hành cùng con trong quá trình học tập và ôn thi, quan tâm sức khỏe thể chất, tâm lý của con.

Tỉ lệ chọi thấp cũng chưa chắc đỗ

Theo thông tin về công tác tuyển sinh từ sở GD&ĐT Hà Nội, với cách tính lấy số lượng học sinh đăng ký nguyện vọng 1 chia cho chỉ tiêu tuyển sinh như hiện nay thì tỉ lệ chọi thấp dưới 1 cũng không nói rằng thí sinh sẽ nghiễm nhiên trúng tuyển.

Nguyên tắc xét tuyển của Sở GD&ĐT Hà Nội là xét song song, đồng thời cả 3 nguyện vọng theo thứ tự, nguyện vọng 1, nguyện vọng 2, nguyện vọng 3 nhằm đảm bảo công bằng, bình đẳng cho thí sinh.

Trong đó, để xét nguyện vọng 2 với điều kiện thí sinh đó không đỗ nguyện vọng 1 ở trường khác và có mức điểm cao hơn điểm chuẩn là 1 điểm. Ví dụ, thí sinh đỗ nguyện vọng 1 là 1 điểm nhưng để đỗ nguyện vọng 2 phải đạt 21 điểm.

“Thí sinh, phụ huynh không nên hiểu rằng, có 300 thí sinh đăng ký nguyện vọng 1 vào trường THPT A nhưng chỉ tiêu tuyển sinh trường này lên đến 600 thì điều đó có nghĩa cả 300 em đó chắc chắn trúng tuyển. Như trường THPT Đoàn Kết năm ngoái, việc xét điểm cũng lấy hết cả 3 nguyện vọng mới xuống mức điểm 23,75”, đại diện Sở GD&ĐT Hà Nội nói.

Ngoài ra, việc thí sinh đăng ký nguyện vọng 1, nguyện vọng 2 vào các trường top đầu thấp không khó lý giải, bởi đây là cuộc đua của những học sinh có năng lực tốt. Những em dù học tốt, tâm lý không vững vàng cũng chưa chắc chọn phương án trường top đầu, nhất là nguyện vọng 2 khi phải cộng thêm 1 điểm so với nguyện vọng 1.

Lí giải về hiện tượng, học sinh đăng ký nguyện vọng 2 ở các trường vùng ven với số lượng lớn, đại diện Sở GD&ĐT Hà Nội cho rằng, có thể phụ huynh muốn lựa chọn bài toán an toàn. Đối với những em có lực học khá, các em đã đặt nguyện vọng 1 ở trường ưu tiên và phương án 2 ở một trường xa hơn, mức điểm chuẩn có thể thấp hơn để đảm bảo an toàn chắc đỗ. Đây là tư duy, tính toán của phụ huynh và học sinh.

Trên thực tế, có những em học chắc chắn, các bài kiểm tra, khảo sát trong suốt quá trình luôn đạt điểm cao, phụ huynh không ngần ngại đăng ký trường top đầu. Thậm chí có những em chỉ đăng ký một nguyện vọng thi vào lớp 10 THPT chuyên.

Bên cạnh đó, có những em phong độ trồi sụt, điểm lúc cao, lúc thấp, phụ huynh tính bài toán an toàn đó là chọn 2 nguyện vọng có mức điểm chuẩn cách xa nhau sẽ an toàn hơn 2 trường có mức điểm theo sát nhau. Khi đó, với nguyên tắc nguyện vọng 2 phải cao hơn nguyện vọng 1 là 1 điểm, thí sinh có nguy cơ trượt cả hai.

Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 của Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ diễn ra trong 2 ngày 6-7/6 tới. Năm nay, có 103.000 em đăng ký dự thi và sẽ có khoảng 64% học sinh trúng tuyển vào trường THPT công lập. So với năm ngoái, số học sinh trúng tuyển lớp 10 sẽ tăng khoảng 5.000 em tuy nhiên kỳ thi này vẫn khiến thí sinh, phụ huynh căng thẳng mức độ cạnh tranh vào trường công lập và trường công lập top đầu.

Hà Linh

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/ti-le-choi-vao-lop-10-ha-noi-khien-phu-huynh-mat-an-mat-ngu-chuyen-gia-tu-van-nong-post1742681.tpo
Zalo